Theo đó, UBND Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đầu tư, cải tạo nâng cấp và tổ chức quản lý, vận hành khai thác nút giao thông Pháp Vân - Vành đai 3 để đồng bộ và phát huy hiệu quả Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Câu Giẽ theo hình thức hợp đồng BOT đang triển khai thực hiện.
Phương án thứ nhất, cải tạo nút giao dự kiến có kinh phí hơn 423 tỉ đồng với các hạng mục như: bổ sung một số nút giao, nhánh, làn rẽ trái phải và xử lý hiện trạng đường đầu cầu lún, hư hỏng tại nút giao Pháp Vân...
Phương án thứ 2, phân luồng từ xa dự kiến kinh phí đầu tư khoảng hơn 1.900 tỉ đồng với nhiều hạng mục được xây dựng, cải tạo như đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai; Bổ sung đường kết nối từ nút giao Vành đai 3 đi thấp ra QL.1…
Trước đó, Tổng cục Đường bộ đã đề xuất lên Bộ GTVT 2 nhóm giải pháp giảm ùn tắc nút giao Pháp Vân trên.
Hiện tại tất cả hướng vào, ra đường cao tốc khu vực nút giao Pháp Vân thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt vào các giờ cao điểm, cũng như vào các dịp lễ, tết.
Đây là nút giao kết nối tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3, bến xe Nước Ngầm và bến xe Giáp Bát có lưu lượng phương tiện rất lớn và các nhánh khu vực nút giao không đáp ứng được nhu cầu thực tế khi mặt đường hẹp, bị lún võng, trượt trồi, lún đầu cầu, hệ thống biển báo hiệu bị che lấp, khó quan sát.
Được biết, nguồn vốn dự kiến dùng để cải tạo nút giao này sẽ được huy động từ vốn dư tại dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Tổng cục Đường bộ cho rằng sau khi cải tạo sẽ cải thiện được đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các vị trí của khu vực nút giao Pháp Vân và tạo nên mỹ quan đô thị của cửa ngõ Thủ đô.