Chuyện doanh thu “bỗng tăng” của BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ “vào” Quốc hội

VietTimes – Chuyện thu phí tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, thậm chí, đã vào trong nội dung thảo luận của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV. "Bình quân 35 tỷ/tháng nhưng vừa rồi kiểm tra, thanh tra ra thì gần 60 tỷ/tháng. Nếu mức thu này không được tính toán vào thì hoặc là phí phải chịu cao lên hoặc thời gian thu phí kéo dài ra thì người dân phải chịu và chịu này là chịu rất oan”…
Một trạm thu phí trong Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh: Internet)
Một trạm thu phí trong Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh: Internet)

Câu chuyện BOT giao thông và tình trạng lạm thu phí tại các dự án BOT đã nhận được sự quan tâm lớn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV.

Cụ thể, trong số 04 nội dung giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra để Quốc hội khóa XIV xem xét, quyết định lấy 02, thì chủ đề thứ ba “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT)” đã được không ít đoàn đại biểu lựa chọn cho dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Giám sát dự án BOT góp phần phòng, chống tham nhũng

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt của đoàn Ninh Thuận không giấu nổi sự vui mừng khi trong 4 nội dung được đề cập tại tờ trình thì đã có đến 2 nội dung mà Đoàn của ông - Đoàn Ninh Thuận – đã đề nghị, trong đó có chuyên đề về triển khai các dự án giao thông BOT.

“Về BOT, thực tế trong 4 nội dung này nếu ta để ý thì không nói đến phòng, chống tham nhũng. Nhưng thực tế BOT này giám sát thật tốt sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí và cũng là lo cho dân. Người dân đỡ phải đóng những phí vô lý nếu triển khai và thực hiện đặt những trạm và xác định mức phí vô lý, không hợp lý. Do vậy tôi chọn và Đoàn Ninh Thuận cũng chọn”, ông Việt phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thái Học của Đoàn Phú Yên cũng lên tiếng đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình giám sát 2017 việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông.

Ông chỉ ra 3 lý do cho đề nghị của mình. Thứ nhất là đầu tư vào lĩnh vực giao thông là một lĩnh vực có sử dụng kinh phí rất lớn, có vị trí vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của xã hội. Thứ hai, hình thức đầu tư này còn tương đối mới mẻ và có nhiều lỗ hổng về mặt thủ pháp cần hoàn thiện. Thứ ba, người dân rất quan tâm đến lĩnh vực này, bởi vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum).

Tương tự, đại biểu Tô Văn Tám của Đoàn Kon Tum cũng lựa chọn nội dung giám sát thứ 3 trong 4 nội dung mà dự thảo đưa ra: Nội dung về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT).

“Thứ nhất, đây là nội dung thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông và chuyên sâu vào vấn đề BOT. Đây cũng là vấn đề người dân và dư luận hết sức bức xúc, trong đó có vấn đề như trạm thu phí, vấn đề bất hợp lý về giá phí, v.v...

Thứ hai, đầu tư BOT nhất là đối với đường cao tốc. Theo nguyên tắc thị trường thì đường cao tốc đầu tư BOT thuộc tài sản của nhà đầu tư, ai sử dụng phải trả tiền, nhưng đi đường đó hay không đi thuộc người tiêu dùng là người dân, tùy thuộc vào tiện ích và giá phí hợp lý hay không để họ lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân không có sự lựa chọn mà gần như bắt buộc phải đi vì không có con đường nào khác. Gần đây báo chí có phản ánh hiện tượng ngăn đường khác hoặc cầu khác để buộc người dân phải đi vào đường hay cầu có BOT mà dư luận đã nêu ra và rất bức xúc. Như vậy là không công bằng, không đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân đã được Hiến pháp quy định. Như vậy, đã làm tăng thêm bức xúc trong dân trong thời gian qua. Việc giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để tháo gỡ vấn đề này.

Thứ ba, qua giám sát sẽ làm minh bạch các vấn đề dư luận quan tâm lâu nay như vấn đề suất đầu tư cao, giá trị công trình, vấn đề thu phí, vấn đề có lợi ích nhóm không trong đầu tư BOT, v.v...”, đại biểu Tô Văn Tám giải thích cho lựa chọn của mình.

"Chịu này là chịu rất oan"

Nhưng trong số các phát biểu cùng chủ đề, có lẽ phát biểu của đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) để lại nhiều dấu ấn nhất.

Đó không chỉ câu nói: “Chúng ta rất buồn khi báo chí nói "ăn không từ một thứ gì", giờ lại xuất hiện thêm một từ nữa là "bán không từ một thứ gì", bán từ giấy chứng nhận VietGAP, bán đến giấy chứng nhận sản phẩm lưu hành, bán hao mòn con dấu” – khi ông giải thích cho lựa chọn thứ nhất của mình: Nội dung về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 – một nội dung mà ông cho rằng có tính chất bao trùm.

Đó còn là những phát biểu thẳng thắn về các công trình, dự án BOT giao thông - sự lựa chọn còn lại của ông.

ĐBQH Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình).

Ông không ngần ngại nói lên thực tế, rằng năng lực lưu thông đang bị suy giảm do có quá nhiều trạm thu phí. Vị ĐBQH của tỉnh Ninh Bình nêu quan điểm, các dự án BOT luôn phải đảm bảo tính công khai minh bạch; không có lợi ích cho một nhóm tạo áp lực lên nền kinh tế.

“Nếu thu phí đúng người dân sẵn sàng chấp nhận, nhưng thu phí không đúng người dân sẽ không chấp hành và phản đối”, ông khẳng định.

Để làm rõ quan điểm, đại biểu Bùi Văn Phương đề cập đến câu chuyện thu phí tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ông dẫn chứng kết quả giám sát thu phí mới được đoàn kiểm tra của Tổng cục đường bộ công bố.

Theo đó, trước khi có đoàn kiểm tra, doanh số thu phí bình quân mà doanh nghiệp dự án tự báo cáo lên chỉ đạt 1,2 tỷ đồng/ngày; Nhưng khi có đoàn giám sát, thì tính toán trong 10 ngày, doanh nghiệp đã thu được xấp xỉ 2 tỷ đồng/ngày, chênh lệch tới gần 800 triệu đồng/ngày.

“Bình quân 35 tỷ/tháng nhưng vừa rồi kiểm tra, thanh tra ra thì gần 60 tỷ/tháng. Nếu mức thu này không được tính toán vào thì hoặc là phí phải chịu cao lên hoặc thời gian thu phí kéo dài ra thì người dân phải chịu và chịu này là chịu rất oan”, ông Phương nói và tỏ ý quan ngại:

“Đây mới là kiểm tra 1 trạm, vậy thì với các trạm khác sẽ ra sao? Nếu đối chiếu con số này với gần 60 tỉnh, thành có trạm thu phí BOT, mức phí cũng như thời gian thu phí là quá sức chịu đựng của người dân”.

Để tạo điều kiện cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện nội dung, sau phiên họp 25/7, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đến các vị đại biểu Quốc hội về các chuyên đề giám sát năm 2017 và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chương trình giám sát năm 2017.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát và báo cáo Quốc hội.

X.T