Vị trí xây dựng nhà máy nước tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng; vị trí xây dựng công trình thu tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng; mạng tuyến lưới ống qua địa bàn các xã Liên Hồng, Tân Hội, Tân Lập, Liên Hà, Liên Trung thuộc huyện Đan Phượng; các phường Thượng Cát, Tây Tựu, Minh Khai, Thụy Phương, Cổ Nhuế, Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm và phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.692 tỷ đồng, từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Từ nay đến cuối năm 2020, dự án sẽ hoàn thành xong giai đoạn I, cung cấp khoảng 300.000m3/ngày đêm, trong đó đến năm 2018 phải hoàn thành phân kỳ I là 150.000m3/ngày đêm
Dự án sẽ cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng, bao gồm đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuôc khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.
Với dự án này, điều báo giới quan tâm là chất lượng đường ống dẫn nước và công nghệ xử lý nước sạch, bởi thời gian qua, đường ống dẫn nước của Nhà máy nước sông Đà đã liên tục gặp sự cố, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của những hộ dân thụ hưởng. Trong khi đó, hàng loạt khu vực của Hà Nội cũng đang có tình trạng chất lượng nước sạch không được bảo đảm.
Theo thông báo Chủ đầu tư thì công nghệ xử lý nước thô của Nhà máy này được đề xuất là: Sơ lắng cặn thô - keo tụ - trộn phản ứng - lắng ngang - lọc nhanh - lọc hữu cơ (than hoạt tính) - khử trùng - bể chứa nước sạch.
“Đây là quy trình công nghệ xử lý nước truyền thống với dây truyền sản xuất hiện đại. Công nghệ ổn định, tin cậy và phù hợp để xử lý nước có dao động lớn về độ đục, đặc điểm chất lượng nước sông Hồng và diện tích xây dựng nhà máy nước. Đảm bảo nước sinh hoạt đạt quy chuẩn quốc gia và chất lượng nước sinh hoạt theo quy chuẩn Việt Nam" - bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nước mặt Sông Hồng, đại diện Chủ đầu tư khẳng định.
Còn về chất liệu đường ống, ông Lê Văn Dục, Giám đốc sở Xây dựng khẳng định, sẽ dùng đường ống bằng gang dẻo, chỉ chôn đủ tải (1,5m) chứ không phải chôn sâu 6m như đường nước sông Đà nên khi vỡ ống chữa rất nhanh. “Thiết kế đều được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng...) rất chặt chẽ từ khâu đào hố, nghiêm thu...” - ông Dục thông tin.
Tuy nhiên, câu trả lời của đại diện Chủ đầu tư và của sở Xây dựng vẫn chưa làm cho các nhà báo yên tâm. Một ý kiến tại hội nghị đã nhắc lại, cách đây 10 năm, chính một đối tác từ nước Đức, sau khi nghiên cứu chất lượng nước mặt sông Hồng đã cho biết, với giá nước như ở Hà Nội, sẽ không thể đủ chi phí để xử lý nước sạch đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, 10 năm qua, nước mặt sông Hồng tiếp tục bị ô nhiễm nhiều hơn bởi nhiều nhà máy đổ thẳng nước thải độc hại ra sông Hồng.
Phản hồi lại thông tin này, Phó Tổng Giám đốc nhà máy Nước mặt sông Hồng Trịnh Kim Giang tiếp tục khẳng định, công nghệ mà nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ sử dụng đảm bảo cung cấp nước sạch đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Ông Giang cũng cho biết chưa từng nghe có nhà đầu tư Đức nào khảo sát và nghiên cứu làm sạch nước mặt sông Hồng.
Liên quan đến việc cung cấp nước sạch cho người dân Thành phố, ông Lê Văn Dục, Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc khai thác nước ngầm tại Hà Nội được dự báo đã “tới hạn” của cả 3 tiêu chí là ô nhiễm, cạn kiện và sụt lút. Do vậy, Thành phố đã và đang lên kế hoạch tăng cường khai thác nước mặt thay thế nước ngầm. Theo đó, hiện nay, trong tổng số 900.000m3 nước sạch/ngày đêm đang cung cấp cho toàn Thành phố thì tỷ lệ nước ngầm đang là 600.000m3 và nước mặt là 300.000m3. Tới đây, sẽ dần dần thay thế, nâng mức nước mặt lên đến 600.000m3 và giảm việc khai thác nước ngầm xuống với tỷ lệ tương ứng.
Ông Dục cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ dự án nước sạch sông Đà, tại nơi đặt nhà máy và nơi các đường ống đi qua, người dân đều được thụ hưởng nước sạch từ dự án nước sạch sông Hồng.
Dự kiến, nếu "suôn sẻ", dự án này sẽ được triển khai vào đầu năm 2016.
Theo VnMedia