Ngày 13/02/2018 (tức ngày cận Tết nguyên đán 2018) Thanh tra Hà Nội có thông báo kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận.
Theo Thanh tra Hà Nội cơ bản các quận đã triển khai dự án đúng trình tự xây dựng. Quá trình thực hiện các dự án cơ bản theo Thiết kế mẫu hè phố đô thị; đá lát hè hầu như có nguồn gốc do các doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa cung cấp; các doanh nghiệp này đều chứng minh được nguồn gốc đá, chứng chỉ chất lượng đá,...
Tuy nhiên một số UBND quận như: quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thành phố như không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực.
Tại quận Hà Đông, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013- 2015, là không thực hiện đúng chỉ đạo của Thành phố về xây dựng kế hoạch đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, UBND Thành phố có văn bản chấp thuận dùng nguồn vốn đấu giá QSDĐ do Thành phố để lại để đầu tư lát đá hè chỉ cho 2 tuyến đường Quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) và đường Bà Triệu, nhưng UBND quận Hà Đông lại cải tạo lát đá cho cả các tuyến phố nhánh khớp nối, tiếp giáp quốc lộ 6A, cụ thể: tuyến phố Chu Văn An (đoạn từ quốc lộ 6A đến Cầu Am), tuyến phố Ngô Thì Nhậm (đoạn từ quốc lộ 6A đến Cầu Chùa Ngòi), tuyến đường K3 và N3 chạy xung quanh UBND quận; đường Phùng Hưng (đoạn từ quốc lộ 6A đến Cầu Đen), đường Nguyễn Khuyến (đoạn từ quốc lộ 6A đến giao đường 19-5) mà không báo cáo xin ý kiến của UBND Thành phố.
Một số quận chấp thuận đầu tư dự án lát đá hè ở những tuyến phố không phải phố cổ hoặc trung tâm quận, hè phố chưa ổn định, như: tại quận Long Biên 02 dự án: Xây dựng tuyến đường 25m từ đê sông Đuống đến tuyến đường quy hoạch mặt cắt ngang 40m (tiếp giáp với Trường Alexndre Yersin) tại phường Ngọc Thụy và Xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì, phường Thạch Bàn, Cự Khối; tại quận Hà Đông cho lát đá đường nội bộ tại 04 khu Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất thuộc phường Kiến Hưng, Phú Lương trong khi các hộ dân trúng đấu giá đất chưa tiến hành xây dựng nhà (sau này các hộ dân xây dựng nhà có thể ảnh hưởng đến kết cấu của hè). Đến nay, UBND quận Hà Đông đã có văn bản chỉ đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận chuyển sang lát hè đường nội bộ khu đấu giá bằng gạch Block tại 03 khu Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất thuộc phường Phú Lương.
Một số dự án chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá vỉa hè như quận Ba Đình có 03 dự án Cải tạo hè phố Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Khắc Nhu – Hàng Bún, Đội Cấn, triển khai lát hè khi mới hạ ngầm ống kỹ thuật, chưa hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin, chưa di chuyển cột điện, trạm biến áp. Việc làm trên không đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Đặc biệt, giá đá áp dụng trong dự toán các dự án chưa thống nhất, có nơi tính cao, có nơi tính thẩm điển hình giá đá kích thước 40x40x40cm dự án tại quận Nam Từ Liêm giá từ 270.000 – 300.000 đồng/m2 nhưng các dự án ở quận Hà Đông giá đá lát hè cũng kích thước trên là 410.000 đồng/m2; các dự án ở quận Hoàn Kiếm đá lát 40x40x5cm được tính với đơn giá là 550.000 đồng/m2. Đơn giá nhân công, đơn giá máy tại các quận cũng được tính khác nhau.
Tại một số dự án đã thi công xong hoặc đang thi công, kỹ thuật lát đá hè chưa đảm bảo mỹ quan; việc trang vữa mạch khi lát viên đá không đảm bảo dẫn đến liên kết giữa các viên đá lát với nhau không tốt. Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng, bảo quản hè sau khi lát đá chưa tốt, hè mới lát đã bị người dân đi lại, dẫn đến hiện tượng đá lát dễ bị bong tróc, như ở quận Hoàng Mai 01 dự án, quận Tây Hồ, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân.