|
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, vì tác động đến mọi lĩnh vực trên địa bàn Hà Nội, trong đó có y tế. Để có thêm ý kiến đóng góp về lĩnh vực y tế trong dự thảo Luật Thủ đô, VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội.
Mô hình ở Việt Nam đang hiệu quả
+ Lĩnh vực y tế trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được rất nhiều người quan tâm, trong đó có quy định “Chuyển giao các bệnh viện (BV) thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về TP. Hà Nội quản lý, trừ các BV thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; BV hạng đặc biệt; BV của các trường đại học y”. Vì thế, Bộ Y tế đã phải tổ chức một hội nghị với các BV trực thuộc Bộ trên địa bàn Hà Nội về quy định này. Là người đứng đầu ngôi trường Đại học Y có uy tín nhất nước, xin giáo sư cho biết ý kiến về vấn đề này?
GS.TS. NGND. Tạ Thành Văn: Về cơ bản, chúng tôi đồng tình với dự thảo Luật Thủ đô, nhất là những sửa đổi tập trung vào cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên với quy định mới trong dự thảo sửa đổi về việc “Chuyển giao các BV thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; BV hạng đặc biệt; BV của các trường đại học y”, hiện đang có một số quan điểm không đồng nhất, do xuất phát từ các góc nhìn khác nhau.
Chúng tôi đề xuất nên điều chỉnh lại quy định này cho phù hợp và để khách quan, xin đưa ra một số thực tiễn trên thế giới:
- BV trực thuộc các Trường Đại học Y - nơi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác khám, chữa bệnh (KCB) - bao giờ cũng là BV hiện đại nhất, to nhất và uy tín nhất của hầu hết các nước phát triển: Mỹ, Nhật, Anh, Pháp...
Do vậy, cần phải đặt các Trường Đại học Y trên địa bàn là ưu tiên số 1, vì các BV thực hành này của các Trường Đại học Y sẽ là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ y tế mới cho không chỉ Hà Nội, mà cho toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.
- Việc phân hạng các BV theo bậc thang của quản lý hành chính như quốc gia, tỉnh, huyện, hay phân hạng theo đầu tư/chuyên môn như hạng đặc biệt... không phổ biến ở các nước. Ở Việt Nam, theo Luật KCB năm 2023, không còn BV hạng đặc biệt, do đó, cần xem lại cụm từ chuyển các BV tuyến cuối "hạng đặc biệt" thuộc Bộ Y tế quản lý.
- Bộ Y tế và các bộ khác (Bộ Xây dựng, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải) có chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn nên ở các nước, không phổ biến việc duy trì các BV trực thuộc các bộ. Trên thế giới thường chỉ phân định hệ thống y tế công lập và ngoài công lập.
Tuy nhiên, muốn làm như thế giới, cần phải có đánh giá khoa học về mô hình hiện tại, xem có gì hạn chế, cần khắc phục hay cần khuyến khích.
Với thực tiễn ở Việt Nam có nhiều khác biệt với các nước về trình độ phát triển, văn hoá, xã hội, nên chúng ta đang thực hiện mô hình Bộ Y tế quản lý các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành và mô hình này đã và đang phát huy đặc biệt hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ (CSSK) nhân dân.
+ Xin giáo sư cho biết thêm về thực tế ở Việt Nam trong thực hiện mô hình hiện nay?
GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn: Ở Việt Nam, các BV chuyên khoa, đầu ngành bên cạnh nhiệm vụ CSSK cho nhân dân cả nước, còn được Bộ Y tế giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Đào tạo, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, cập nhật các kỹ thuật hiện đại của thế giới, hỗ trợ các địa phương trong dịch bệnh, thảm hoạ vv… Các cơ sở y tế này đã phát huy vai trò chủ đạo, tính dẫn dắt về chuyên môn, khoa học công nghệ y tế, chỉ đạo tuyến đối với toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.
Điển hình, trong thời gian chống dịch COVID-19 hay khi xảy ra các thảm hoạ, thiên tai, Bộ Y tế đã chủ động điều động kịp thời các cơ sở y tế trực thuộc Bộ chi viện cho các địa phương trong cả nước. Hay các trường hợp như vụ sập giàn giáo ở Formosa (Hà Tĩnh), vụ cầu treo Chu Va (Lai Châu), các vụ ngộ độc thực phẩm đông người ở Hà Giang, Lai Châu, Quảng Nam vv… các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế đã thể hiện rõ vai trò tiên phong này.
Với vai trò quan trọng như vậy, nếu các BV Trung ương trên địa bàn chuyển về TP Hà Nội quản lý, sẽ rất khó cho công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các tỉnh về chuyên môn ở tầm quốc gia. Do đó, sẽ tác động đến hệ thống y tế của toàn quốc.
Cũng cần lưu ý một thực tế rằng, cho dù Hà Nội có chính sách đầu tư cho các cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội, thì những cơ sở này cũng khó có thể cạnh tranh được với các BV Trung ương đóng trên địa bàn như hiện tại.
Nhân lực y tế của Hà Nội: Thiếu và yếu
+ Giáo sư có thể chỉ rõ hơn về thực tế này của y tế trên địa bàn Hà Nội?
GS.TS. NGND. Tạ Thành Văn: Thực tế, chất lượng KCB của các BV thuộc Hà Nội chưa xứng tầm với vị thế là BV tuyến cuối của thủ đô Hà Nội. Công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở còn yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp.
Nguồn nhân lực y tế còn thiếu khi tỷ lệ nhân viên y tế trên số dân của thành phố chưa cao: 14 bác sĩ/10.000 dân, so với số 11,5 bác sĩ/10.000 dân của cả nước trong năm 2022 và thấp hơn nhiều so với Úc: 38; Pháp: 34; Hoa Kỳ: 26; Trung Quốc: 22.
Trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3-4 điều dưỡng viên, Nhật Bản thậm chí có đến 9-10 người, còn ở Việt Nam 1 bác sĩ chưa có đến 2 điều dưỡng viên). Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học sự phòng; giữa các chuyên khoa trong từng lĩnh vực với nhau là vấn đề tồn tại nhiều năm nay mà hiện nay vẫn chưa có những giải pháp chính sách để giải quyết hiệu quả.
Chất lượng cán bộ y tế của Hà Nội còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Số bác sĩ Nội trú làm việc cho các BV trực thuộc Hà Nội trong 40 năm (giai đoạn 1974-2012) chỉ là 60 người. Khắc phục điều này, giai đoạn 2013-2020 lãnh đạo Hà Nội đã ký kết hợp đồng đào tạo bác sĩ nội trú cho Hà Nội với Trường Đại học Y Hà Nội và chỉ trong 8 năm, Trường đã cung cấp cho Hà Nội 182 bác sĩ Nội trú ở các chuyên ngành khác nhau.
Nếu tính đến sự cân đối về chất lượng nguồn nhân lực y tế giữa các chuyên khoa thì bức tranh còn "ảm đạm" hơn nhiều. Hãy tạm so sánh danh mục chuyên môn mà các BV tuyến cuối của Hà Nội làm được với các BV tuyến Trung ương đóng ngay trên địa bàn thì chúng ta sẽ thấy rõ.
Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chuyên khoa chất lượng cao ở ngay các BV của Hà Nội ở giữa thủ đô. Nếu tính đến các BV ở các quận, huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều.
Hiện nay, cho dù tình hình có được cải thiện hơn song vẫn còn xa với nhu cầu thực tiễn của ngành y tế Thủ đô đòi hỏi. Bên cạnh đó, công tác KCB từ xa chưa được vận hành, hệ thống cấp cứu lưu động chưa thực sự hiệu quả và còn mỏng, tình trạng tắc nghẽn tại một số cơ sở y tế vẫn tồn tại…
+ Để phát triển y tế Hà Nội, theo giáo sư, Luật Thủ đô cần quan tâm đến những vấn đề gì?
GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn: Trong bối cảnh như vậy, để tiết kiệm nguồn lực và tăng cường hiệu quả, tránh cạnh tranh dẫn đến lãng phí, Hà Nội cần phải ban hành các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: BV trực thuộc trung ương/Trường Đại học Y-Dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược CSSK người dân thủ đô.
Sự phân bố các cơ sở y tế phải gắn liền với quy hoạch mạng lưới đô thị, thành phố vệ tinh và các khu dân cư đông người. Các ưu đãi đầu tư nên tập trung vào các chương trình, dự án cụ thể và khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, những người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn trong và ngoài địa bàn thủ đô và quốc tế.
Dự thảo luật cũng cần đề cập đến vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ CSSK cho người dân Thủ đô. Bởi lẽ, dù là cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có mục đích chung là CSSK cho nhân dân. Bài học về công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua đã cho chúng ta thấy sự tham gia rất khiêm tốn của các cơ sở y tế ngoài công lập, trong khi toàn bộ hệ thống y tế công lập từ Trung ương xuống cơ sở đều quá tải.
Do vậy, dự thảo Luật cần đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong lĩnh vực dự phòng.
Cần có chính sách công bằng cho sự phát triển của y tế công và tư
+ Cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và có trọng tâm, trọng điểm của Luật Thủ đô sửa đổi có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô trong tương lai, bao gồm cả lĩnh vực y tế. Là nhà khoa học và nhà quản lý, giáo sư có ý kiến gì về vấn đề này?
GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn: Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì TP mặc nhiên được hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có y tế. Quy định tại Khoản 1 Điều 26 của dự thảo là phù hợp với thực tiễn, tiềm năng nguồn lực y tế ở TP, đồng thời tạo lập mục tiêu và định hướng phát triển cho hệ thống y tế ở Thủ đô.
Hà Nội cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các BV, Trường đại học Y - Dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn.
Điều này đặc biệt quan trọng, bởi riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này. Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc TW, nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội, thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội.
Hiện nay, Nghị định 109/2016 về cấp chứng chỉ hành nghề và Nghị định 155/2018 yêu cầu "trưởng các khoa chuyên môn của BV phải là người làm việc cơ hữu tại BV". Điều này làm cản trở các cán bộ y tế có trình độ cao đang công tác tại các đơn vị không trực thuộc Hà Nội (BV trực thuộc Trung ương, các Trường Đại học Y...) thì không được phép tham gia công các quản lý tại các khoa chuyên môn của các BV thuộc Hà Nội.
Do đó, dự thảo Luật Thủ đô cần xem xét nội dung này, để các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập của Thủ đô có thể mời được các chuyên gia y tế giỏi trong và ngoài nước tham gia quản lý tại các khoa chuyên môn.
Chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước, mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.
Hà Nội cũng cần có chế độ đãi ngộ, quy định về KCB và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá và đặc thù của Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ KCB và thanh toán BHYT hợp lý, để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.
Cần có tư duy thống nhất: Dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh chăm sóc và BVSK cho người dân, chủ thể của xã hội, tạo nên sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Do vậy, cần có một chính sách công bằng cho sự phát triển của cả hai nhóm y tế này.
Ngoài nguồn bảo hiểm, ngân sách TP cần bảo đảm cho hệ thống cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng và công tác CSSK ban đầu. Cần đặc biệt chú trọng đầu tư và ban hành các chính sách khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao cho y học gia đình và y tế cơ sở, nơi tiếp cận người bệnh sớm nhất.
Ngoài ra, Luật Thủ đô sửa đổi cần bổ sung cơ chế, chính sách cho việc chuyển vượt tuyến thuận lợi, khi tuyến dưới không thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn. Cơ chế tính toán chi phí và phân bổ tài chính cũng không nên tập trung vào các cơ sở y tế tuyến trên.
Việc đầu tư cho tuyến y tế cơ sở kết hợp với phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình không chỉ góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, mà còn đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bền vững, giảm chênh lệch mức sống giữa đô thị và nông thôn.
Chính vì vậy, dự thảo cần làm rõ hơn việc xây dựng hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình gắn với cơ chế đặc thù cho y tế Hà Nội.
Đặc biệt, Hà Nội rất cần nghiên cứu phát triển một số chính sách đặc thù trong phát triển y tế Thủ đô theo nguyên lý Y học gia đình - mô hình y tế phổ biến ở hầu hết các nước phát triển.
Phải xây dựng nguồn dữ liệu nhân lực y tế
+ Chuyển đổi số y tế đóng vai trò quan trọng để ngành y tế phát triển. Nhưng Hà Nội lại không phải là địa phương đi đầu về chuyển đổi số, đương nhiên, kể cả y tế. Là người am hiểu về lĩnh vực này, ông cho rằng, điều cần thiết với Hà Nội lúc này là gì để nhanh chóng bứt vượt?
GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn: Hà Nội cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô. Cơ sở dữ liệu bao gồm:
Thông tin chung: Số lượng nhân viên y tế của từng khoa/phòng trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô; sự thay đổi và biến động hàng tháng; nhu cầu phát triển hàng năm; danh mục kỹ thuật chuyên môn đang và sẽ triển khai…
Thông tin cá nhân của từng nhân viên y tế chi tiết tới thời hạn của chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực chuyên môn và số giờ tham gia đào tạo liên tục hàng năm...
Tất cả các thông tin trên sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho các nhà quản lý đưa ra các chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên y tế hàng năm của từng chuyên khoa, tại từng cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của từng địa phương trong các giai đoạn phát triển của Thủ đô.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần xác định rõ việc xây dựng, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tới từng người dân với một trung tâm quản lý dữ liệu thống nhất và đồng bộ là cần thiết và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho kinh tế, xã hội của Thủ đô.
+ Xin cám ơn giáo sư đã dành cho VietTimes cuộc trao đổi!