Vẫn theo định hướng
Từ những ngày đầu tháng 3, các NHTM từ Nhà nước đến Cổ phần đều rục rịch hạ lãi suất huy động. Lãi suất đã hạ xuống rất thấp như ở Vietcombank lãi suất 1 tháng chỉ còn 4%/năm, thậm chí tại một số kỳ hạn, khối NHTMCP còn mạnh tay hạ thấp hơn nhóm NHTM Nhà nước. Như tại Sacombank, lãi suất huy động kỳ hạn 3- 5 tháng còn 4,8%/năm trong khi tại Vietcombank hay BIDV vẫn từ 4,9-5,3%/năm.
Lãi suất đầu vào hạ thấp là tiền đề cho các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Trả lời báo chí, ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch HĐQT DongA cho rằng việc hạ lãi suất đầu vào chắc chắn sẽ giúp hạ lãi suất đẩu ra, tuy nhiên việc hạ lãi suất không thể diễn ra ngay.
“Nguyên tắc kinh doanh ngân hàng không thể lấy khoản huy động cao để cho vay thấp, do vậy phải đến khi các khoản huy động giá rẻ hơn vào hệ thống và hợp đồng vay mới được ký thì chắc chắn người vay, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lãi suất cho vay mới với giá mềm hơn" - ông Kiêm nói.
Cũng có quan điểm tương tự, một lãnh đạo Vietinbank cho biết trong thời gian tới dư địa giảm lãi suất ngắn hạn là có. Ngân hàng sẽ cố gắng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ở các kỳ hạn này, nhưng phải có lộ trình chứ không thể giảm nhanh và mạnh ngay như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Đối với cho vay trung dài hạn, các ngân hàng vẫn chưa có động thái hay tuyên bố sẽ giảm lãi suất của kỳ hạn này mà vẫn bám theo định hướng chỉ đạo của NHNN từ đầu năm là “hạ mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn thêm 1-1,5%”.
Như vậy, nếu lấy lãi suất cho vay dài hạn phổ biến, ngoài lĩnh vực ưu tiên của NHNN, trong năm 2014 từ 9,5-11%/năm thì mục tiêu của ngành ngân hàng cuối năm năm 2015 sẽ xuống 8 – 9,5%/năm.
“Lãi suất có hạ so với thời kỳ 18-19%/năm nhưng với điều kiện kinh doanh khó khăn hiện nay vẫn quá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp ” – lãnh đạo sản xuất doanh nghiệp kinh doanh nhựa nói.
Liệu còn sức để đợi?
Theo lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động chế biến xuất khẩu, các khoản vay cũ vẫn chưa được điều chỉnh hạ lãi suất còn khoản vay mới thì các ngân hàng chào lãi suất 8-10%/năm.
Ông Đoàn Trọng Lý, Tổng giám đốc Aprocimex, mặc dù lãi suất cho nông nghiệp ưu đãi nhưng rất ít doanh nghiệp vay được lãi suất 7%/năm mà chủ yếu vẫn phải chịu 9%/năm, cá biệt chịu 10-11%/năm.
Theo ông Lý, doanh nghiệp chỉ sản xuất cạnh tranh được khi lãi suất cho vay dưới 7,5%/năm. Trên mức đó sẽ rất khó khăn.
Vẫn biết ngân hàng chỉ là trung gian tài chính, huy động rồi cho vay lại, nên muốn lãi suất cho vay hạ thì phải đợi nguồn vốn có lãi suất rẻ chảy vào tuy nhiên trong điều kiện kinh doanh khó khăn hiện tại, không biết liệu các doanh nghiệp còn gắng gượng được bao lâu.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tính đến 28/2, có 16 nghìn doanh nghiệp vì kinh doanh khó khăn đã phải đăng ký giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Trong đó, 2.055 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với 14.040 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động, tăng 25% so cùng kỳ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn vay vốn để sản xuất kinh doanh thì cũng không đủ điều kiện như tài sản thế chấp không còn, một số khoản vay quá hạn. Lãnh đạo của doanh nghiệp đề nghị thay vì chờ DN đến vay khi lãi suất hạ, các ngân hàng chủ động điều chỉnh lãi vay của các khoản vay cũ xuống tương đương lãi suất cho vay mới.
“Giảm áp lực lãi các khoản vay hiện tại cũng là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp giữ lại được một phần lợi nhuận để đầu tư, tăng chi phí makerting mở rộng thị trường. Nếu không sắp tới mở cửa thị trường, doanh nghiệp ngoại được hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ tràn vào thì doanh nghiệp trong nước sẽ không thể cạnh tranh nổi” – Giám đốc kinh doanh doanh nghiệp nội thất tại Hà Nội nói.
Theo NĐH