Từ hôm nay, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo biểu lãi suất mới, giảm 0,1% ở một số kỳ hạn từ 4 đến 5 tháng. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm 4 tháng chỉ còn 4,8% và 5 tháng chỉ còn 5%. So với các ngân hàng cổ phần khác, lãi suất kỳ hạn 6 tháng của Sacombank cũng khá thấp, chỉ 5,1%.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng điều chỉnh lãi suất từ hôm qua cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Lãi suất huy động từ 3 đến 5 tháng đều được giảm về 4,8% một năm.
Động thái giảm lãi suất lác đác xuất hiện từ đầu tháng 3 tại một số ngân hàng cổ phần khác DongA Bank, Techcombank và BacA Bank.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), biểu lãi suất chưa thay đổi so với tháng trước. Hiện lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 3 đến 5 tháng vẫn được duy trì từ 4,9% đến 5,3% một năm. Diễn biến này không giống trước đây khi các nhà băng quốc doanh nhờ có ưu thế về huy động hơn hẳn khối cổ phần nên thường chào lãi suất tiết kiệm khá thấp.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã giảm lãi suất từ ngày 2/3, nhưng kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng không thấp hơn ở Sacombank, Eximbank.
Đại diện phụ trách nguồn vốn của một ngân hàng có vốn nhà nước cho biết tạm thời chưa có kế hoạch giảm lãi suất bởi so với mọi năm, nguồn vốn huy động hiện chỉ đủ cân đối chứ không quá dư thừa. "Lãi suất các kỳ hạn ngắn đã thấp rồi nên nếu giảm tiếp sẽ khó huy động thêm", vị này nói.
Diễn biến giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng xảy ra không lâu sau khi Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm lãi suất thị trường mở (OMO) trên cơ sở lạm phát diễn biến tích cực. Cụ thể, nhà băng này tính toán, cơ quan điều hành có thể giảm lãi suất OMO thêm 0,5% về 4,5% để giảm bớt chi phí vốn, tạo ra các điều kiện tín dụng nới lỏng hơn. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào về việc hạ các lãi suất điều hành.
Theo VnE