Dẫn đầu nhóm doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, Nhựa Bình Thuận có nhiều tồn tại về thuế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kết luận thanh tra của Cục Thuế Hà Nội chỉ ra nhiều tồn tại trong sử dụng hóa đơn, kê khai thuế và nộp thuế tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận (BPG).

Kê khai sai, khai không đầy đủ các nghĩa vụ thuế

Cục Thuế thành phố Hà Nội mới đây đã ban hành kết luận thanh tra thuế đối với Tập đoàn Nhựa Bình Thuận có địa chỉ tại đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai.

Theo kết luận, Nhựa Bình Thuận đã thực hiện chế độ sổ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính theo quy định, tuy nhiên xác định thuế giá trị gia tăng hàng hoá dịch vụ mua vào được khấu trừ; chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp chưa đúng quy định.

Về sử dụng hoá đơn, trong niên độ thanh tra năm 2022, năm 2023, Cục Thuế Hà Nội xác định Nhựa Bình Thuận kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và hạch toán vào chi phí đối với 18 số hoá đơn mua hàng hoá dịch vụ của 10 doanh nghiệp mà cơ quan thuế đã ra thông báo không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế (hoá đơn phát sinh trước thời điểm cơ quan thuế ra thông báo). Tổng số giá trị tiền hàng trước thuế là 23,3 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là 2,3 tỷ đồng.

Trong đó, 11 số hoá đơn Cục thuế điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào với số thuế giá trị gia tăng là 21,6 triệu đồng; 7 hoá đơn Nhựa Bình Thuận cam kết mua bán hàng hoá và giao dịch thật, chưa đủ cơ sở để kết luận về tính không hợp pháp, số thuế giá trị gia tăng kê khai là 2,3 tỷ đồng.

nhựa bình thuận nợ thuế.jpg
Nhựa Bình Thuận kê khai sai, khai không đầy đủ các nghĩa vụ thuế.

Về kê khai thuế, nộp thuế, Nhựa Bình Thuận đã thực hiện kê khai đúng thời gian, tuy nhiên kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp chưa đúng quy định.

Cụ thể, về doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng, công ty kê khai chưa đúng các chỉ tiêu trên tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, Nhựa Bình Thuận còn kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng của hàng hoá dịch vụ mua vào đối với các hoá đơn mua hàng đã có thông báo người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đăng ký với cơ quan Thuế (hoá đơn phát sinh trước thời điểm cơ quan thuế ra thông báo) không có đầy đủ hồ sơ; thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng đối với ô tô trên 1,6 tỷ; chưa phân bổ thuế giá trị gia tăng cho doanh thu không chịu thuế…

Về kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, Nhựa Bình Thuận hạch toán chi phí đối với các hoá đơn mua hàng đã có thông báo người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đăng ký với cơ quan Thuế (hoá đơn phát sinh trước thời điểm cơ quan thuế ra thông báo) không có đầy đủ hồ sơ; kê khai thiếu doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp; không có hồ sơ đầy đủ đối với số dư khoản dự phòng phải thu khó đòi đã xác định vào chi phí kỳ trước; xác định không đúng chỉ tiêu điều chỉnh giảm lợi nhuận trên tờ khai quyết toán thuế TNDN. Như vậy, Nhựa Bình Thuận vi phạm quy định tại các thông tư của Bộ Tài chính.

Sau thanh tra, Nhựa Bình Thuận phải nộp tăng thuế thu nhập doanh nghiệp là 657 triệu đồng, giảm thuế giá trị gia tăng khấu trừ kỳ sau là 912,6 triệu đồng.

Cục Thuế thành phố Hà Nội áp dụng hình thức xử phạt tiền số tiền 181 triệu đồng. Tổng số tiền truy thu, phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp mà Nhựa Bình Thuận phải đóng là 862 triệu đồng.

Liên tiếp nằm trong top VNR500

Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Bình Thuận được thành lập vào năm 2008, tiền thân là Công ty Cổ phần Cơ khí Nhựa Bình Thuận, lĩnh vực kinh doanh chính là pallet nhựa, các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp - nông nghiệp- ngư nghiệp.

Đại diện pháp luật công ty là ông Lê Văn Quang (sinh năm 1982), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Bình Thuận. Ngoài ra, ông Quang còn đại diện tại các doanh nghiệp: Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại HTI, Công ty Cổ phần CDC Holding, Công ty Cổ phần Taca Holdings Việt Nam.

Screenshot 2024-12-07 120319.png
Nhựa Bình Thuận có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trong đó 6,22% vốn là của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo dữ liệu của VietTimes, tại ngày 9/5/2024, Nhựa Bình Thuận có vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trong đó 6,22% vốn là của nhà đầu tư nước ngoài gồm: Probus Opportunities góp 3,125%; VN Alpha Limited góp 2,47% và Nanjia Capital Master Fund Limiter góp 0,625%.

Tập đoàn Nhựa Bình Thuận giới thiệu có 7 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Sản xuất Nhựa Bình Thuận, Công ty Cổ phần Nhựa chất lượng cao Bình Thuận, Công ty Cổ phần Khuôn mẫu Nhựa Việt Nam, Công ty Cổ phần BPG Trading, Công ty Cổ phần BPG Shinnihon, Công ty Cổ phần Dịch vụ Đầu tư Nam Sơn Tân Uyên, Công ty Cổ phần BPG Logisall.

Những năm gần đây, Nhựa Bình Thuận liên tiếp được vinh danh trong bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500). Cụ thể năm 2022, Tập đoàn Nhựa Bình Thuận đã được vinh danh vị trí 390/500 trong Bảng xếp hạng VNR500.

2022 cũng là năm tập đoàn này ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 66,7% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế ước tính 64 tỷ đồng; số lượng khách hàng đạt 1.000 khách, tăng trưởng 30% so với năm 2021; tổng giá trị tài sản trên 2.000 tỷ đồng; giữ vị trí top 1 trong các công ty sản xuất nhựa ép phun khu vực miền Bắc.

Năm 2023, Tập đoàn Nhựa Bình Thuận có 2 đơn vị góp mặt trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Bước sang 2024, Nhựa Bình Thuận là đơn vị duy nhất trong ngành nhựa có mặt trong top 10 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2024.