Từ nhiều năm trước, GS TSKH Lê Trần Bình – nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từng nhìn nhận, bóng đá Việt Nam có cải thiện được chất lượng, nâng được đẳng cấp của mình, một phần cũng phải nhờ đến huấn luyện viên ngoại. Vì thế, giáo dục đại học Việt Nam muốn có được đẳng cấp quốc tế thì cũng đã đến lúc phải tính chuyện thuê hiệu trưởng là người nước ngoài. Và đương nhiên, cũng phải có cơ chế trả lương cho họ như bóng đá đã làm.
Tuy cách nhìn của GS TSKH Lê Trần Bình có phần thô thiển nhưng có lẽ nó rất đúng vì việc nâng tầng đẳng cấp cho bóng đá thì các huấn luyện viên trong nước thực tế là không làm được dù giữa họ và cầu thủ nói cùng một ngôn ngữ. Và với giáo dục đại học thì có thể nói, các hiệu trưởng người nước ngoài sẽ lấy các chuẩn mực quốc tế để áp dụng cho trường mình.
Ông Karl Heinz Weigang - huấn luyện viên người nước nước ngoài đầu tiên của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam với thành tích giành huy chương bạc lần đầu tiên tại SEA Games 1995. Ảnh: TTXVN
|
Cũng phải nói thêm, với một tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam như Vingroup thì họ có dư tiềm lực để mời được những người giỏi nhất về điều hành các đơn vị thành viên của mình, trong đó có Đại học VinUni. Đương nhiên, vị hiệu trưởng được thuê này không chỉ giỏi chuyên môn mà đã từng kinh qua công tác quản lý.
Là một đại học mới được thành lập năm 2018, hiện VinUni đang trong các bước chuẩn bị của mình để sang năm 2020 mới chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên và đương nhiên, mục tiêu mà trường nhắm tới chính là đào tạo nhân lực cho công nghệ cao. Về điều kiện thực tập cho sinh viên với môi trường thực tế, đó là điều không khó vì Vingroup đã thành lập một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề phải chờ xem là trường này sẽ làm gì và làm như thế nào để đào tạo sinh viên trong bối cảnh mà khoa học công nghệ có sức phát triển rất nhanh đến mức những gì người thầy giảng dạy hôm nay thì đến một ngày nào đó không xa đã trở nên lạc hậu.
Theo TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, các cuộc cách mạng công nghiệp chính là “cha đẻ” của giáo dục đại học. Ở thời đại chưa có cách mạng công nghiệp, tầng lớp được coi là trí thức chỉ có các nhà thông thái và thầy lang. Nhưng bước sang một xã hội công nghiệp thì họ phải được đào tạo bài bản để trở thành kỹ sư, bác sĩ. Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 thì giáo dục đại học càng phải thay đổi toàn diện và thay vì phải học quá nhiều ở giảng đường thì sinh viên cần tự học là chính, thậm chí đến 70%. Với các bậc thầy, vai trò của họ cũng phải thay đổi và vị Bộ trưởng này đã ví von rằng người thầy cần làm việc với sinh viên như các huấn luyện viên không chỉ với các công việc thực tế.
Tựu trung lại, giáo dục đại học Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn của cách mạng công nghiệp 4.0 và trường nào có được sự tự chủ cao chắc chắn sẽ vươn lên. Hiện tại, chúng ta mới chỉ có một số rất ít các đại học lọt vào top 200 của thế giới. Và cũng phải nói đến một thực tế của không ít trường là số lượng hoạt động ngoại khóa về chuyên môn cho sinh viên với sự tham gia của các chuyên gia bên ngoài thậm chí là con số không.
Liệu rằng Đại học VinUni sẽ làm gì để sớm khẳng định đẳng cấp quốc tế mà họ đặt mục tiêu phấn đấu? Mọi việc vẫn còn ở phía trước và cũng còn phải chờ ít nhất 5 năm nữa vì sang năm 2020, trường mới chính thức tuyển sinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng giáo sư Rohit Verma sẽ dẫn dắt Đại học VinUni như huấn luyện viên Park Hangseo đã dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam. Song cũng cần nói thêm là dân gian Việt Nam vốn có câu "Nhập gia tùy tục" và cũng cần phải nhắc đến thực tế là huấn luyện viên Karl Heinz Weigang tuy đã thành công trong việc làm nên đẳng cấp khu vực cho bóng đá Việt Nam song không thể gắn bó lâu dài được vì nhiều lý do. Vì thế, thách thức đặt ra cho Giáo sư Rohit Verma với việc lãnh đạo Đại học VinUni không phải là không có.
Ông Rohit Verma là giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong lĩnh vực Quản trị kinh doanh. Hiện ông là Viện trưởng phụ trách Đối ngoại của trường Kinh doanh Cornell SC Johnson với nhiều thành tựu chuyên môn nổi bật. Ông có hơn 75 công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế về quản trị chất lượng dịch vụ và quản trị sản xuất; là diễn giả truyền cảm hứng của nhiều diễn đàn học thuật trên thế giới. Ông đồng thời là đồng tác giả của các giáo trình đại học, công trình khoa học chuyên môn sâu được xuất bản tại Cornell. |