Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 9/5, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Belarus đang rất nghiêm trọng, tính đến chiều ngày 9/5, trong vòng 24 giờ cả nước đã có thêm 951 người nhiễm bệnh và 5 ca tử vong, đưa tổng số người bị bệnh lên 22.052 người và 126 ca tử vong; nhưng cho đến nay nước này vẫn chưa đóng các cửa khẩu và chỉ có các biện pháp chống dịch lỏng lẻo. Vào ngày 9/5, một cuộc diễu binh lớn vẫn được tổ chức như thường để kỷ niệm 75 năm chiến thắng của Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Tuy nhiên, bên dưới sự tự tin của Tổng thống Lukashenko, dân chúng Belarus thực sự như đang ngồi trên đống lửa và họ đang cố gắng hết sức xoay xở để tự cứu mình.
Tổng thống Lukashenko chủ trì lễ diễu binh diễu hành mừng Chiến thắng ngày 9/5 (Ảnh: Reuters).
|
Thành viên của “Liên minh đà điểu”?
Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lây lan trên thế giới, nhiều nhà lãnh đạo đã được ca ngợi bởi các hành vi quyết đoán, cũng có một nhóm các nhà lãnh đạo chính trị đã bị chỉ trích vì xem nhẹ dịch bệnh. Ông Oliver Stuenkel, giáo sư quan hệ quốc tế tại Quỹ Vargas Brazil, hồi tháng 4 đã dùng một cụm từ mới để mô tả những nhà lãnh đạo theo ông đã nhắm mắt làm ngơ trước mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh – gọi là “Liên minh đà điểu”.
Các nhà lãnh đạo được ông Oliver Stuenkel đưa vào Liên minh này là Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov và người còn lại là Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus.
Bốn nhà lãnh đạo quốc gia trong "Liên minh đà điểu", từ trái qua là tổng thống các nước Brazil, Nicaragua, Belarus và Turkmenistan (Ảnh: Twitter).
|
Tổng thống đề xướng uống vodka chống dịch bệnh
Ông Lukashenko có tên trong danh sách “Liên minh đà điểu”, bởi ông có rất nhiều câu nói vàng. Những khuyến nghị chống dịch bệnh của ông cho người dân là uống vodka, đi xông hơi, ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, v.v.Tất cả đều bị phê phán là thiếu cơ sở khoa học. Mặt khác, ông khuyến khích người dân đi làm như bình thường, phản đối đóng cửa quốc gia, phản đối việc cấm các cuộc tụ họp đông người. Giải bóng đá quốc gia Belarus vẫn tiếp tục diễn ra. Cuộc diễu binh diễu hành lớn được tổ chức như thường lệ vào ngày 9/5 để kỷ niệm 75 năm Ngày chiến thắng Chiến tranh thế giới thứ Hai; cuộc bầu cử Tổng thống cũng sẽ vẫn diễn ra đúng thời hạn vào tháng 8 tới đây.
Chính sách chống dịch bệnh ở Belarus hiện nay là khuyên công chúng duy trì gián cách xã hội 1,5 mét và kêu gọi người bệnh cách ly với người nhập cư. Thế giới bên ngoài luôn đặt câu hỏi liệu những biện pháp đó có đủ không. WHO bày tỏ quan ngại về Belarus, nhắc nhở nước này thiếu các biện pháp cách ly xã hội cần thiết, kêu gọi đình chỉ các hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Tính đến ngày 9/5, tại quốc gia có dân số gần 9,5 triệu người này, đã có 22.052 người được xác nhận nhiễm bệnh COVID-19 với 126 ca tử vong.
Tổng thống Lukashenko tham gia thi đấu khúc côn cầu trên băng hôm 4/4 (Ảnh: Getty).
|
Vào ngày 6/5, phóng viên một đài truyền hình của Nga thường trú tại Belarus đã đưa tin, nói rằng số người chết vì COVID-19 thực tế của Belarus có thể cao hơn nhiều so với con số chính thức mà chính quyền công bố; sau đó hai nhà báo Nga này đã bị hủy bỏ thị thực nhập cảnh.
Tổng thống không coi trọng chống dịch, dân chúng tự cứu mình
Mặc dù ông Lukashenko không sợ virus, nhưng trong thực tế, dân chúng Belarus thì ngược lại. Theo đài truyền hình Al Jazeera, nhiều người dân đã nghĩ ra đủ mọi cách để cố gắng tự cứu mình. Họ lập ra trang web “By COVID-19” để truyền bá thông tin về dịch bệnh qua mạng. Dân chúng đã thành lập các đội tình nguyện để tìm nguồn cung cấp vật tư y tế cho các bệnh viện và nhân viên y tế.
Theo một báo cáo được Google công bố ngày 17/4, số người Belarus tìm việc làm ở Belarus đã giảm 27% so với đầu năm và số người đến các bến tàu xe giảm 26%. Một số công ty khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng kêu gọi mọi người ở nhà và thay đổi thực hiện các nghi lễ tôn giáo qua mạng internet.
Những người tình nguyện Belarus trong trang phục phòng hộ mang vật tư y tế đến giúp đỡ người vô gia cư trên đường phố phòng dịch bệnh (Ảnh: Reuters).
|
Người dân Belarus không dám coi thường dịch bệnh vì họ lo ngại tình hình địa phương sẽ trở nên nghiêm trọng như Italy. Mặt khác, họ cũng nhận thức đầy đủ về vấn đề thiếu tài nguyên của quốc gia. Một số thành viên các tổ chức phi chính phủ nói rằng: “Belarus là một nước nhỏ. Khi chúng tôi chờ xếp hàng cung cấp vật tư y tế, chúng tôi sẽ phải đứng cuối”. Nếu dịch bệnh nghiêm trọng và phải phong tỏa hoàn toàn, một số người Belarus cũng khá mâu thuẫn. Andrei Yahorau, một nhà phân tích người địa phương, nói rằng Belarus thiếu nguồn lực để đáp ứng việc phong tỏa toàn diện. Nếu phong tỏa, dự kiến Belarus sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh và khủng hoảng giá dầu, đồng thời phải đối mặt với nguy cơ thu hẹp kinh tế.