Giám đốc SEATCA: Cần cấm thuốc lá mới và áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điếu

Giám đốc SEATCA thông tin: Các dung dịch trong thuốc lá điện tử có chất gây nghiện, gây ung thư; còn thuốc lá nung nóng tạo ra hắc ín (cũng chứa rất nhiều chất gây ung thư) - kết quả một nghiên cứu do Phillip Morris International tài trợ.
TS. Ulysses Dorotheo - Giám đốc Điều hành Liên minh phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á

Có mặt tại Việt Nam vào thời điểm hiện nay, khi Quốc hội đang chuẩn bị xem xét vấn đề cấm thuốc lá mới theo đề nghị của Bộ Y tế để bảo vệ sức khoẻ người dân, TS. Ulysses Dorotheo - Giám đốc Điều hành Liên minh phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) - đã nhấn mạnh quan điểm với thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN): "Nghiện nhiều hơn, tác hại nhiều hơn và cần thiết cấm”!

TS. U. Dorotheo cho biết trong dung dịch TLĐT có 4 thành phần cơ bản: Nicotine, Vegetable Glycerin, Propylene Glycol và hương vị. Trong đó, Nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, tác động xấu đến tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhất là có khả năng gây ung thư.

Propylene glycol tạo thành propylene oxide (chất gây ung thư) khi đun nóng và bốc hơi.

Glycerin/Glycerol thực vật khi đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp.

Một số hương vị được biết đến là chất độc như hương vị vani, quế, bơ/caramel (hiện đã bị EU TPD cấm) và trộn lẫn hương vị sẽ gây ra độc tính cao hơn.

Có hàng nghìn hương liệu cho TLĐT để thu hút người dùng, trong đó, nhiều chất gây hại cho sức khoẻ

Chính vì thế, Hiệp hội các nhà sản xuất hương liệu và các chất chiết xuất của Hoa Kỳ (FEMA) không ủng hộ việc sử dụng hương liệu trong TLĐT. Các nhà sản xuất và tiếp thị TLĐT và thuốc lá có hương vị, cũng như bên sản xuất và tiếp thị hương liệu không được công bố hoặc đề cập rằng các thành phần hương liệu trong các sản phẩm này là an toàn, chỉ vì những hương liệu này đạt tiêu chuẩn GRAS của FEMA trong thực phẩm. Đây là tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm.

Theo ông U. Dorotheo, nhiều người lầm tưởng rằng khói từ TLĐT chỉ là hơi nước, nhưng thực sự đó là chất độc hóa học. Khí aerosols trong các thiết bị hút TLĐT chính là khói thuốc sinh ra trong quá trình nhiệt phân, dẫn đến sự giải phóng các gốc tự do có hại cho con người. Còn “TLNN không đốt cháy sợi thuốc lá nhưng vẫn tạo ra hắc ín, trái với quảng cáo là “không hắc ín”. Đây là kết quả từ một nghiên cứu được tiến hành và tài trợ bởi Phillip Morris International (PMI).

“Thuốc lá điện tử gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng” - ông U. Dorotheo nhấn mạnh và đưa ra những con số minh chứng: Nghiên cứu ở 2.807 ca nhập viện vì hội chứng tổn thương phổi cấp do TLĐT, trong đó có cả trẻ mới 13 tuổi: 82% bệnh nhân cho biết đã sử dụng sản phẩm có chứa THC (chất gây nghiện); 33% chỉ sử dụng các sản phẩm có chứa THC; 57% sử dụng sản phẩm chứa nicotine; 14% chỉ sử dụng các sản phẩm có nicotine. Vitamin E acetate (phụ gia cho các sản phẩm có chứa THC) được tìm thấy trong các mẫu dịch rửa phế quản phế nang (BAL) của 48 trong số 51 trường hợp được thử nghiệm.

Theo Giám đốc SEATCA, thông tin từ Văn phòng giám định y tế cho biết người đàn ông ở Florida thiệt mạng vì TLĐT phát nổ. Sau đó, đã có báo cáo ghi nhận 68 ca tử vong do TLĐT và nhiều trẻ vị thành niên nhập viện do thuốc lá mới.

Báo cáo sơ bộ ghi nhận có 68 ca tử vong do TLĐT

Ông U. Dorotheo đưa ra hàng loạt dẫn chứng về tác hại nghiêm trọng của thuốc lá mới với giới trẻ: Một thanh niên 19 tuổi, nghiện TLĐT hiệu Juul, đã bị đột quỵ do xuất huyết não, phải phẫu thuật não ba lần, nằm viện gần 4 tháng. Cuối cùng, anh này liệt vĩnh viễn nửa người trái, nói khó khăn và cả hai mắt đều bị mờ.

Một bệnh nhân nam 16 tuổi nhập viện sau khi sử dụng TLNN chỉ 2 tuần với căn bệnh viêm phổi tăng bạch cầu ái toan cấp tính do TLNN, phải dùng ECMO.

Bệnh nhân nam 46 tuổi, hút thuốc lá suốt 26 năm và chuyển sang sử dụng thuốc lá nung nóng 3 tháng trước khi mắc EVALI phải nhập viện.

Ông U. Dorotheo cũng thông tin về những báo cáo cho biết có mối liên quan giữa TLĐT và bệnh viêm phổi lipoid, nhồi máu cơ tim, sau khi một nữ bệnh nhân 42 tuổi sử dụng TLĐT suốt 7 tháng bị viêm phổi lipoid.

Bên cạnh đó, đã có thanh niên 22 tuổi sử dụng TLĐT hàng ngày trong suốt 2 năm, bị nhồi máu cơ tim cấp và tổn thương phổi, phải thở máy và tử vong sau 3 ngày nhập viện.

Ngành CNTT quảng cáo TLĐT, TLNN nhắm vào giới trẻ

Trong khi đó, ngành CNTT đang ra sức lan truyền thông tin sai lệch về sự ảnh hưởng tới sức khỏe của thuốc lá mới, rằng đó là "sản phẩm thay thế”, “ít gây hại hơn thuốc lá”, trong khi thực sự nó có hại hơn nhiều.

Đặc biệt, ngành CNTL truyền thông sai lệch rằng lệnh cấm TLĐT sẽ gây ra tình trạng buôn lậu thuốc lá, đồng thời, cố gắng can thiệp, “vận động hành lang” nhiều đối tượng, kể cả các chính trị gia, để thu hồi lệnh cấm.

Từ những hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng người dùng, nhất là với trẻ em và thanh niên đã được minh chứng, Giám đốc SEATCA khuyến nghị Việt Nam: Cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và CẤM hoàn toàn TLĐT và TLNN; Cấm sử dụng hương liệu trong tất cả các sản phẩm thuốc lá; Tăng độ tuổi tối thiểu sử dụng các sản phẩm thuốc lá và ban hành chính sách về “thế hệ không thuốc lá”.