Doanh số thị trường ô tô sụt giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: T.M
|
Cùng với đó, giá xe có thể cũng sẽ chạm đáy trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tập trung kích cầu mua xe sản xuất trong nước
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng cao tới 122,5% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này phản ánh khó khăn rất lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm thời dịch bệnh Covid-19.
Trước tình hình khó khăn như trên, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã có nhiều đề xuất gửi tới Chính phủ. Trong đó, để kích thích việc mua sắm ô tô, VAMA đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) và 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng.
Mới đây nhất, trong dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mà Bộ KH&ĐT đưa ra để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ có đề cập đến các giải pháp cho ngành ô tô như: Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020; các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội; miễn, giảm 50% thuế suất VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, hàng hóa nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp…
Theo nhận định, nếu các giải pháp tại dự thảo này được thông qua, sẽ là tín hiệu tích cực cho thị trường ô tô Việt Nam và đồng thời cũng tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên cần lưu ý, các ưu đãi kích cầu nêu trên dường như chỉ tập trung hỗ trợ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Ô tô nhập khẩu không nhận được ưu đãi kích cầu nào dù trước đó VAMA đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách mua ô tô cả nhập khẩu lẫn sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu thị trường chung.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách của VAMA cho hay, trong hoàn cảnh như hiện nay, để thị trường ô tô phục hồi lại như trước dịch Covid-19 sẽ mất rất nhiều thời gian nếu không có những chính sách kích cầu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ hay 50% thuế suất VAT cho nguyên vật liệu thì tựu chung lại đều có lợi cho người tiêu dùng, kích thích mua sắm ô tô.
“Cái lợi của việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với người tiêu dùng có thể nhìn thấy rõ. Còn nếu giảm 50% thuế suất VAT cho nguyên vật liệu thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp giúp giảm giá xe khi bán ra thị trường và người mua từ đó cũng được lợi. Còn cái lợi của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô là nếu bán được nhiều xe thì sẽ phục hồi, nhanh chóng quay trở lại như thời trước dịch Covid-19”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Giá xe có thể sẽ chạm đáy
Theo tính toán, nếu các giải pháp kích cầu ngành ô tô nội được thông qua, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được một khoản tiền tương đối tùy theo giá trị từng mẫu xe.
Hiện mức tính lệ phí trước bạ đối với ô tô con dưới 10 chỗ ngồi trên cả nước được phân thành 3 nhóm. Trong đó nhóm chịu mức lệ phí trước bạ 12% gồm 8 tỉnh thành: Hà Nội, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ. Nhóm chịu mức thu lệ phí trước bạ 11% có Hà Tĩnh và nhóm chịu mức thu lệ phí trước bạ 10% là toàn bộ các tỉnh thành còn lại.
Ví dụ như, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng tại Hà Nội mua một chiếc Mazda CX-8 sẽ chỉ phải chi ra số tiền 83,94 triệu đồng để đóng lệ phí trước bạ, thay vì 167,88 triệu đồng như hiện hành (12% lệ phí trước bạ).
Đối với một mẫu xe hạng sang lắp ráp tại Việt Nam như Mercedes-Benz E300 AMG có giá bán 2,92 tỷ đồng, nếu được giảm 50% lệ phí trước bạ, đăng ký tại Hà Nội thì chủ xe sẽ chỉ phải bỏ ra số tiền lệ phí trước bạ 175,2 triệu đồng thay vì 350,4 triệu đồng như hiện nay.
Đối với những mẫu xe bình dân, giá bán rẻ như Toyota Vios, nếu mua bản 1.5G CVT, đăng ký tại Hà Nội mà được giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ chỉ phải đóng 34,2 triệu đồng. Trong khi hiện nay phải đóng 68,4 triệu đồng.
Một chuyên gia nhận định, nếu những chính sách ưu đãi đối với ngành ô tô như dự thảo được thông qua, cộng với việc các hãng xe giảm giá mạnh để tiêu thụ hàng thì rất có thể giá ô tô sản xuất, lắp ráp sẽ chạm đáy. Tuy nhiên, được Chính phủ hỗ trợ kích cầu, giá ô tô giảm mạnh không đồng nghĩa với việc thị trường ô tô sẽ tăng trưởng đột biến.
“Việc Chính phủ hỗ trợ kích cầu như vậy là động thái rất tốt đối với ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng có mua ô tô hay không lại phụ thuộc vào khả năng của túi tiền. Kinh tế khôi phục, phát triển trở lại, người tiêu dùng tăng thu nhập trở lại, có tiền thì khi đó họ mới nghĩ đến việc mua ô tô. Chứ như hiện nay, dù nhiều hãng xe cũng đang giảm giá rất mạnh nhưng vẫn không có khách bởi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến thu nhập người dân giảm”.
Cũng theo chuyên gia này, thời gian tới có thể giá ô tô sẽ giảm tiếp nhưng chỉ là ngắn hạn, không bền vững bởi các hãng đang khó khăn, giảm giá chỉ để đẩy hàng tồn lại trong kho. Phải khi nào doanh nghiệp làm ăn được, phát triển mạnh thì việc giảm giá xe mới bền vững.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, nền kinh tế phải khôi phục, phát triển trở lại, người dân có tiền thì mới nghĩ đến việc mua ô tô. Những giải pháp kích cầu cho ngành ô tô chỉ là một phần để hỗ trợ phục hồi thị trường. Quan trọng nhất là phải kích cầu để khôi phục và tăng trưởng nền kinh tế.
Theo Báo Giao thông