Giá vàng tăng vọt phát đi tín hiệu nguy hiểm: đồng USD sẽ ra sao trong năm 2024?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Năm nay, vàng lại một lần nữa trở thành mặt hàng "hot" trong mắt mọi người. Vàng là một trong những tài sản đầu tư hấp dẫn nhất trong năm nay trong khi USD liên tiếp mất giá.

Mua vàng tích trữ thay USD đang là xu thế của các ngân hàng trung ương các quốc gia (Ảnh: Sohu)
Mua vàng tích trữ thay USD đang là xu thế của các ngân hàng trung ương các quốc gia (Ảnh: Sohu)

Từ năm 2013, Trung Quốc luôn giữ vững vị thế là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, giờ đây ngay cả những người trẻ tuổi cũng đã trở thành lực lượng tiêu thụ vàng chính.

Dưới tác động của các yếu tố như lãi suất tiền gửi giảm, dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm tới và môi trường quốc tế bất ổn, khi lãi suất tiền gửi giảm, nhu cầu tìm kênh trú ẩn an toàn của người dân ngày càng mạnh mẽ, thuộc tính đầu tư vàng ngày càng rõ ràng. Năm 2024 có khả năng sẽ là năm tăng giá của vàng.

gia-vang-nam-2024-se-la-bull-market-676.png
Dự báo 2024 sẽ là năm "bull market" của vàng trên thế giới (Ảnh: Sohu).

Trước tình hình thị trường vàng lên cơn sốt, một số người đang chờ giá vàng giảm trở lại, trong khi những người khác sẵn sàng mua vào. Tuy nhiên, nhìn chung, đa số mọi người đều có tâm lý “mua lên, không mua xuống”, đã tạo ra tình hình tiêu thụ khả quan trên thị trường vàng trong nước.

Vì sao giá vàng tăng cao? Câu trả lời có thể khác với những gì mọi người tưởng tượng, sự biến động của giá vàng thực sự phần lớn do tác động của đồng USD. Và quan trọng nhất, giá vàng tăng vọt đã phát đi tín hiệu cho thấy đồng USD có thể gặp nguy hiểm trong năm tới.

Mối quan hệ giữa vàng và USD

Vàng tuy vàng là kim loại quý, vốn là hàng hóa, nhưng đồng thời cũng có thuộc tính tài chính. Điều này có nghĩa rằng bản thân vàng là một sản phẩm tài chính và thuộc tính tài chính của nó xác định rằng giá vàng sẽ gắn liền với lãi suất thực và có tính tương quan chặt chẽ với chỉ số USD.

Cái gọi là chỉ số USD đề cập đến kết quả có trọng số của đồng USD so với sáu loại tiền tệ chính khác. Chỉ số USD càng cao, điều đó có nghĩa là nó tăng giá trị và nó có thể đổi được càng nhiều tiền tệ khác.

Khi Fed dừng tăng lãi suất ba lần liên tiếp, dự báo về việc cắt giảm lãi suất vào năm tới đã tăng lên rất nhiều, chỉ số USD giảm mạnh và giá vàng cũng vì thế tăng vọt.

nhu-chau-au-vang-van-tang-manh-3959.png
Nhu cầu vàng đang tăng mạnh trên thế giới (Ảnh: Sohu)

Nguyên nhân rất đơn giản, trước đây 1.000 USD có thể mua được 20 gram vàng nhưng hiện nay chỉ số USD giảm mạnh và mất giá, 1.000 USD chỉ mua được 15 gram vàng, giá vàng đương nhiên cũng sẽ tăng theo.

Do đó, khi so sánh giá vàng và chỉ số USD, chúng ta có thể thấy rằng cả hai sẽ thể hiện mối tương quan tỷ lệ nghịch, khi bên này cao thì bên kia thấp, và ngược lại.

Vàng cung không đủ cầu, niềm tin đồng USD suy giảm

Ngoài các thuộc tính tài chính, vàng, với tư cách là một loại hàng hóa, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ cung cầu trên thị trường; bởi nguồn gốc của vàng tương đối rải rác và nguồn cung luôn ổn định nên sự biến động giá vàng chủ yếu bị ảnh hưởng bởi phía cầu. Nói một cách đơn giản, càng nhiều người mua, thị trường vàng càng căng thẳng và giá càng cao.

Trong quý 3 năm nay, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua vào 337 tấn vàng, lập kỷ lục. Trong 3 quý đầu năm nay, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục là 800 tấn.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới mua vàng với số lượng lớn và nhu cầu tăng mạnh, điều này đã đẩy giá vàng lên cao và góp phần tạo ra một “bull market”( thị trường tăng giá) cho vàng trong năm nay.

Đồng USD là đồng tiền thống trị trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Trước đây, mọi người sẵn sàng mua trái phiếu Mỹ và sử dụng đồng USD vì tín dụng quốc gia của Mỹ đứng đằng sau nó và mọi người có đủ niềm tin vào đồng USD.

Tuy nhiên, do xung đột giữa Nga và Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã trực tiếp phong tỏa một nửa trong số 640 tỉ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga, khiến nhiều nước quan ngại về mức độ đáng tin của đồng USD.

Cùng với sự gia tăng thâm hụt tài chính của Mỹ, sự bùng nổ nợ của Mỹ và các xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng, vô hình trung đã làm gia tăng tâm lý tránh rủi ro, coi vàng là nơi trú ẩn an toàn và mua vàng để phòng ngừa rủi ro.

USD sẽ gặp khó trong năm 2024?

Kể từ đầu năm nay, ngoài việc mua vàng dự trữ, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng liên tục giảm lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ.

Theo dữ liệu mới nhất do Bộ Tài chính Mỹ công bố, 9 quốc gia và khu vực trong số 20 nhà đầu tư chính thức nước ngoài hàng đầu vào trái phiếu kho bạc Mỹ trong tháng 10 đã chọn giảm tỷ lệ nắm giữ, chiếm tỷ lệ 45%.

giu-usd-rui-ro-cao-6829.png
Tích trữ USD hiện được coi là có tính rủi ro cao (Ảnh: Sohu).

Trong số đó, Trung Quốc, với tư cách là "chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai" của Mỹ, lại giảm thêm lượng nắm giữ 8,5 tỉ USD, đánh dấu tháng giảm thứ 7 liên tiếp, so với mức 867,1 tỉ USD vào cuối năm ngoái. Nước này đã bán tháo gần 100 tỉ USD trái phiếu Mỹ.

Lý do chính khiến các ngân hàng trung ương toàn cầu chọn bán trái phiếu Mỹ và mua vàng là quy mô nợ của Mỹ đã tăng vọt.

Rủi ro tài sản bằng USD ngày càng cao nên nhu cầu chuyển sang giữ vàng cao hơn. Theo World Gold Council (Hội đồng vàng thế giới), tích trữ vàng vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng của các ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm tới.

Ngoài ra, các thị trường tin rằng Fed đã chấm dứt chu kỳ nâng lãi suất, việc bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào năm tới gần như chắc chắn, điều này cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá đồng USD và chỉ số USD chắc chắn sẽ còn giảm sâu hơn nữa.

Theo Sohu