|
Những người biểu tình yêu cầu bãi nhiệm Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại Tượng đài Chiến thắng ở Bangkok vào ngày 28/6. Ảnh: AFP. |
Gia tộc chính trị quyền lực nhất Thái Lan đang đối mặt với sóng gió pháp lý nghiêm trọng trong hôm 1/7, khi Thủ tướng đương nhiệm Paetongtarn Shinawatra có nguy cơ bị đình chỉ chức vụ, còn cha bà – cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – phải hầu tòa trong một phiên xét xử tội phỉ báng hoàng gia.
Chính trường Thái Lan từ lâu bị chi phối bởi cuộc đối đầu giữa giới tinh hoa bảo thủ – thân quân đội, thân hoàng gia – và gia tộc Shinawatra, những người bị coi là mối đe dọa với trật tự xã hội truyền thống.
Ông Thaksin, 75 tuổi – người đứng đầu gia tộc Shinawatra, tỷ phú và từng hai lần đắc cử Thủ tướng vào đầu những năm 2000 – đã có mặt tại Tòa án Hình sự Bangkok để đối mặt với cáo buộc vi phạm luật khi quân (lese majeste), vốn được sử dụng nghiêm ngặt để bảo vệ hoàng gia Thái Lan khỏi những lời chỉ trích.
Cáo buộc bắt nguồn từ một cuộc phỏng vấn năm 2015 với truyền thông Hàn Quốc, có thể dẫn đến mức án lên tới 15 năm tù. Phiên tòa dự kiến kéo dài nhiều tuần và phán quyết sẽ chưa được đưa ra trong ít nhất một tháng tới.
Một quan chức tòa án xác nhận với AFP rằng ông Thaksin đã có mặt trong sáng 1/7 và phiên xét xử đã bắt đầu, tuy nhiên truyền thông không được phép vào trong. “Tôi không thể thay mặt ông ấy phát biểu, nhưng tôi nghĩ ông ấy có vẻ khá bình thản”, luật sư Winyat Chatmontri nói với AFP bên ngoài tòa án.
Trong khi đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng sẽ nhóm họp lần đầu sau khi một nhóm thượng nghị sĩ bảo thủ đệ đơn kiện Thủ tướng Paetongtarn, cáo buộc bà vi phạm đạo đức trong một vụ tranh chấp ngoại giao với Campuchia.
Nếu tòa quyết định thụ lý vụ việc, bà Paetongtarn có thể bị đình chỉ chức vụ trong khi các thẩm phán xem xét trong nhiều tháng, từ đó đẩy Thái Lan vào vòng xoáy khủng hoảng khi nước này đang phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ và nguy cơ Mỹ áp thuế.
“Tôi sẽ để quy trình pháp lý diễn ra”, bà Paetongtarn nói với báo giới tại Bangkok hôm đầu tuần này, giọng đầy lo lắng. “Nếu hỏi tôi có lo lắng không, thì có”.
Nếu bị đình chỉ, quyền lực sẽ được chuyển giao cho Phó Thủ tướng Phumtham Wechayachai.
Bà Paetongtarn, 38 tuổi, mới nhậm chức chưa đầy một năm, nhưng uy tín đã giảm mạnh sau bê bối liên quan đến cuộc điện thoại với cựu lãnh đạo Campuchia.
Bê bối điện đàm
Tranh chấp lãnh thổ lâu năm giữa hai nước đã bùng phát thành xung đột vũ trang hồi tháng 5, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng. Trong cuộc gọi với ông Hun Sen, bà Paetongtarn đã gọi ông là “chú” và đề cập đến một chỉ huy quân sự Thái Lan là “đối thủ của tôi”, theo một đoạn ghi âm bị rò rỉ.
Phát ngôn này đã gây phẫn nộ, khiến các nghị sĩ bảo thủ cáo buộc bà “cúi đầu trước Campuchia” và làm suy yếu vai trò của quân đội Thái Lan. Họ cho rằng bà đã vi phạm Hiến pháp vốn yêu cầu vị trí cấp cao phải có “tư cách đạo đức rõ ràng” và “chuẩn mực đạo đức cao”.
Đảng Pheu Thai của bà Paetongtarn đã bị một đối tác bảo thủ trong liên minh rút lui, khiến bà chỉ còn nắm thế đa số mong manh trong Quốc hội.
Nhà vua Thái Lan hôm thứ Ba đã phê chuẩn cuộc cải tổ nội các do bà đề xuất sau khi các đồng minh từ chức. Bà Paetongtarn tự chỉ định mình kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Văn hóa và dự kiến nhận nhiệm vụ vào hôm thứ Năm, tuy nhiên chưa rõ liệu bà có thể nhậm chức khi đang bị điều tra bởi Tòa án Hiến pháp hay không.
Cuối tuần qua, khoảng 10.000 người đã xuống đường ở trung tâm Bangkok để biểu tình phản đối chính phủ của bà. Theo cuộc khảo sát được công bố hôm Chủ nhật bởi Viện Phát triển Hành chính Quốc gia (NIDA), tỷ lệ ủng hộ bà đã giảm mạnh xuống chỉ còn 9%, so với mức khoảng 30% ba tháng trước.
Vụ án của bà Paetongtarn và phiên tòa của ông Thaksin là vòng đấu mới nhất trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa phe bảo thủ quyền lực và các đảng chính trị gắn với gia tộc Shinawatra.
Ông Thaksin từng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, em gái ông – bà Yingluck Shinawatra – cũng chịu chung số phận vào năm 2014. Các Thủ tướng khác thuộc phong trào chính trị của họ cũng nhiều lần bị Tòa án phế truất.
Sau 15 năm sống lưu vong, ông Thaksin trở về Thái Lan vào tháng 8/2023. Ông bị kết án 8 năm tù vì các tội danh tham nhũng và lạm quyền trong quá khứ, nhưng nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện vì lý do sức khỏe và sau đó được Quốc vương đặc xá.