Giá thực phẩm tăng vọt làm khó các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giá năng lượng đang giảm so với cách đây một năm, nhưng một mặt hàng khác đang khiến các hộ gia đình tốn nhiều tiền hơn: thực phẩm.
Thực phẩm là mặt hàng chiếm tỷ lệ cao trong ngân sách hộ gia đình ở hầu hết các quốc gia (Ảnh: ZumaPress)
Thực phẩm là mặt hàng chiếm tỷ lệ cao trong ngân sách hộ gia đình ở hầu hết các quốc gia (Ảnh: ZumaPress)

Trong 12 tháng, tính đến tháng 3/2023, giá thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá đã tăng 15,4% tại khu vực eurozone, trong khi giá năng lượng lại giảm 0,9%.

Giá thực phẩm tại Mỹ tăng 10,2% trong giai đoạn 12 tháng, tính đến tháng 2/2023, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,2% của lĩnh vực năng lượng.

Theo Wall Street Journal, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân về hiện tượng này. Họ dự báo đà tăng giá thực phẩm chỉ là tạm thời và có thể kết thúc trong vài tháng tới.

Trước đó, trên các thị trường hàng hoá thế giới, giá thực phẩm đã giảm kể từ tháng 4/2022. Ở hầu hết các quốc gia, thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn trong ngân sách hộ gia đình.

Thông thường, sẽ có độ trễ giữa chuyển động về giá mà các hộ trang trại áp dụng và giá mà các hộ gia đình chi trả. Giá hàng hoá thô chỉ là một phần trong giá cuối của sản phẩm – người tiêu dùng cũng thường phải gánh chi phí xử lý, đóng gói, vận chuyển và phân phối.

Thế nhưng, độ trễ lớn giữa sản phẩm thô từ nông trại và sản phẩm cuối trên bàn ăn vẫn khiến một số nhà kinh tế học nhìn thấy những thế lực khác đang tác động tới giá: Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng thực phẩm có thể nâng giá sản phẩm của họ hơn mức cần thiết để bù cho chi phí sản xuất cao hơn.

Giá thực phẩm đã giảm đáng kể so với mức đỉnh hồi năm ngoái (Ảnh: FAO)

Giá thực phẩm đã giảm đáng kể so với mức đỉnh hồi năm ngoái (Ảnh: FAO)

“Cách duy nhất để lý giải điều này, dựa trên mối liên hệ mà chúng tôi trông thấy trong các chỉ số về giá thực phẩm, đó là lợi nhuận biên đang được mở rộng,” Claus Vistesen, nhà kinh tế học đến từ Pantheon Mcroeconomics, nói.

Một số quan chức tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hiện nay cũng đang nhìn vào nguy cơ lạm phát từ việc các doanh nghiệp nới rộng lợi nhuận biên, trong đó ông Fabio Panetta, một thành viên của ban điều hành ECB, từng cảnh báo về một “vòng xoáy lợi nhuận-giá.”

“Hành vi cơ hội của nhiều doanh nghiệp có thể làm chậm đà giảm của lạm phát lõi,” ông Panetta nói trong một bài phát biểu hồi tháng 3 năm nay.

Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá các loại thực phẩm thiết yếu trên toàn cầu lên cao. Được biết, cả Nga và Ukraine đều là những nước xuất khẩu lớn các loại hạt và vật liệu thô cần thiết để sản xuất phân bón.

Tháng 3/2022, một chỉ số giá thực phẩm của LHQ bao gồm ngũ cốc, dầu thực vật, đường, thịt và các sản phẩm bơ sữa đã đạt mức cao kỷ lục trong hơn nửa thế kỷ được ghi nhận.

Chỉ số này neo ở đỉnh cho đến hết tháng 6/2022, sau đó giảm mạnh trong tháng 7 và liên tục suy giảm kể từ đó. Đến tháng 2/2023, chỉ số này đã giảm 18,7% so với mức đỉnh. Ngược lại, giá thực phẩm tại Mỹ và EU vẫn tiếp tục tăng.

Điều này đã khiến chính phủ nhiều nước châu Âu tỏ ra quan ngại.

Thực phẩm trở thành nhân tố thúc đẩy lạm phát lớn nhất, thay vì năng lượng (Ảnh: OECD)

Thực phẩm trở thành nhân tố thúc đẩy lạm phát lớn nhất, thay vì năng lượng (Ảnh: OECD)

Quan ngại hàng đầu của các nước châu Âu trước cuộc chiến ở Ukraine chính là làm thế nào để bảo vệ các hộ gia đình khỏi giá năng lượng tăng cao.

Nhiều nước đã áp dụng mức giá trần – một biện pháp hao tiền tốn của – để ngăn chặn tình trạng khát năng lượng trong mùa Đông và duy trì sự ủng hộ của cử tri đối với lệnh trừng phạt áp đặt với Nga, đồng thời viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ban đầu, thực phẩm thu hút được ít sự quan tâm, một phần là bởi giá thực phẩm tăng ít hơn so với giá năng lượng.

Nhưng điều này đã thay đổi trong những tháng gần đây.

Vốn đang phải đối mặt với sự phản đối của người dân đối với kế hoạch cải tổ hưu trí, chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tháng trước đã đạt một thoả thuận với các hãng bán lẻ hàng đầu để duy trì giá thực phẩm ở mức thấp.

“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng, ngày này điều khiến những người đàn ông và phụ nữ Pháp, các hộ gia đình Pháp phải lo ngại chính là chi phí sinh hoạt thường nhật tăng, giá thực phẩm tăng,” Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, phát biểu.

Ông Le Maire nói rằng thoả thuận với các hãng bán lẻ, kéo dài trong khoảng 3 tháng, sẽ bao gồm biện pháp giảm “vài trăm triệu euro” lợi nhuận biên của các hãng cung cấp thực phẩm.

Có một vài bằng chứng cho thấy lợi nhuận biên của nhiều hãng cung cấp thực phẩm đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Theo các nhà kinh tế học tại ING Bank, lợi nhuận biên trong ngành nông nghiệp ở Đức (ngoại trừ các hãng sản xuất thực phẩm đóng gói và các hãng bán lẻ) đã tăng 63% trong khoảng thời gian từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2022, chủ yếu là vì muốn tăng lợi nhuận chứ không phải vì tăng lương cho nhân công.

“Mức tăng lợi nhuận biên trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, thương mại, giao thông và dịch vụ có được giải thích là nhằm tăng lợi nhuận, và bởi vậy không phải là do giá năng lượng hay hàng hoá cao hơn,” các chuyên gia kinh tế tại ING nhận định.

Hiện nay, giá thực phẩm cao trở thành một vấn đề đối với các ngân hàng trung ương. Phần lớn các ngân hàng này đều nhìn vào lạm phát lõi, đã trừ thực phẩm và năng lượng, để theo dõi xu hướng lạm phát.

Nhưng họ phát hiện ra rằng lạm phát toàn phần, bao gồm thực phẩm và năng lượng, có thể ảnh hưởng tới kỳ vọng của người dân. Thực phẩm là loại hàng hoá mà các hộ gia đình mua hàng ngày. Điều này có thể khiến người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn, và từ đó đẩy giá các loại hàng hoá cao hơn.

Dù cho giá thực phẩm tăng là do thời tiết, chiến sự hay lợi nhuận biên, thì các ngân hàng trung ương đều có thể phản ứng bằng cách nâng lãi suất cao hơn, theo nhà kinh tế học Huw Pill của Ngân hàng Trung ương Anh./.

Theo Wall Street Journal