Những khó khăn của Bệnh viện (BV) Bạch Mai mang đặc trưng bao trùm của nhiều BV lớn trên cả nước. Vì thế, với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm tháo gỡ mà BV đã có, đồng thời, nhìn nhận rõ những nguyên nhân các vướng mắc, để từ đó đưa ra giải pháp khắc phục chung không chỉ cho BV Bạch Mai, mà còn cho các BV khác trong cả nước, VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đào Xuân Cơ – Giám đốc BV Bạch Mai.
- PV VietTimes: Rất nhiều BV trên cả nước đang phàn nàn về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả điều trị. BV Bạch Mai có gặp những khó khăn tương tự không, thưa ông?
PGS.TS. Đào Xuân Cơ: Việc thiếu thốn này có nguyên nhân là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng bệnh nhân có nhu cầu đến khám tăng lên nhanh chóng tới 3-4 lần. Các chuyên khoa như tim mạch, tiết niệu tăng tới 5-7 lần. Số lượng khám ngoại trú của quý 1/2022 là 200.849 lượt, quý II/2022 tăng lên 415.717 lượt. Số lượng nội trú của quý I/2022 là 26.965 lượt, quý II/2022 tăng lên 43.184 lượt. Nhiều khoa, bệnh nhân nội trú đã vượt công suất. Vì vậy khối lượng vật tư y tế tiêu hao, hóa chất xét nghiệm sử dụng hàng ngày để khám, chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân tăng đột biến.
Mặc dù trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng sâu sắc của dịch Covid-19 và những yếu tố khách quan, song BV Bạch Mai đã chủ động trong công tác mua sắm, nên không thiếu các loại thuốc thiết yếu. Đặc biệt, BV đã có giải pháp kịp thời là kết hợp với các BV khác để thương thảo, điều tiết số lượng thuốc lẫn nhau. Những thuốc các BV khác ít dùng mà BV Bạch Mai dùng nhiều thì sẽ chuyển cho Bạch Mai và ngược lại. Sự kết hợp này khá ăn ý đã tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu thuốc điều trị, nên BV chỉ thiếu cục bộ một số loại thuốc.
Thường trực Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan khắc phục ngay việc thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại cơ sở y tế, nên đang có nhiều giải pháp tháo gỡ.
- Thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở các BV có nhiều nguyên nhân mà Bộ Y tế đã lý giải, trong đó, có tâm lý sợ bị thanh, kiểm tra. Với một BV đã có những biến cố liên quan đến pháp lý, liệu có phải đó cũng là nguyên nhân khiến BV thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do sợ mua sắm, đấu thầu không, thưa ông?
Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn công tác đấu thầu thuốc đã khá rõ, nên BV Bạch Mai và các BV ít bị vướng. Việc thiếu thuốc là do đứt gãy chuỗi cung ứng trong hơn 2 năm dịch Covid-19. Các BV chủ yếu mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 nên các hợp đồng mua thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị phục vụ cho KCB thông thường rất ít. Các nhà cung cấp từ nước ngoài về Việt Nam cũng bị gián đoạn do không vận chuyển, đi lại được. Sau khi hết dịch, nhiều hợp đồng trúng thầu nhưng không cung cấp được thuốc. Những thuốc sản xuất ở Việt Nam cũng bị gián đoạn do bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu.
Về nguyên nhân chủ quan, BV Bạch Mai không có tâm lý lo sợ bị thanh tra, kiểm tra. Ngược lại, chúng tôi quan niệm các cơ quan tư pháp vào cuộc sẽ càng làm sạch môi trường kinh doanh, là cơ hội cho người quản lý được tổ chức mua sắm đấu thầu minh bạch và cảm thấy an toàn, tự tin hơn, không lo lắng về việc sai phạm trong đấu thầu. Các cơ quan tư pháp làm việc cũng không gây cản trở trong mua sắm đấu thầu, mà càng buộc các doanh nghiệp phải minh bạch, trong bối cảnh đã có các văn bản quy định về giá, nhưng chưa công bố hết và đầy đủ.
- Được biết, BV Bạch Mai đang thiếu nhiều trang thiếu thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh. Ông có thể cho biết thêm về tình hình này?
Cũng như nhiều BV khác, BV Bạch Mai cũng đang gặp khó khăn về thiết bị với nguyên nhân chung là do cách thực hiện liên doanh liên kết lâu nay.
Trước hết, phải khẳng định xã hội hóa y tế là một chủ trương đúng. Nhờ đó mà 15 năm qua, các kỹ thuật cao đã được đưa vào nghiên cứu và sử dụng ở Việt Nam. Người bệnh được hưởng lợi, khi nhiều căn bệnh hiểm nghèo được chữa trị, thay vì phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao lên tới hàng tỉ đồng, trong khi nếu điều trị trong nước thì chi phí thấp hơn nhiều, đồng thời, tiết kiệm ngân sách chung cho đất nước, vì các thiết bị y tế hiện đại này để mua được thì phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực này chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, làm cho các cơ sở y tế thực hiện chưa đúng hoặc khó thực hiện, thậm chí, rất dễ vướng vào sai phạm vì có rất nhiều lỗ hổng cần phải sửa đổi để tháo gỡ. Bộ Y tế đã chủ trì rất nhiều cuộc họp về dự thảo Nghị định hướng dẫn về vay vốn, liên doanh liên kết, thuê thiết bị y tế, trong đó có các vụ, cục, BV Bạch Mai và nhiều BV khác tham dự nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
15 năm qua, thực hiện liên doanh liên kết, nên BV Bạch Mai cũng thực hiện nhiều hợp đồng liên doanh liên kết. BV có 27 đề án liên doanh liên kết, thì sau khi kiểm tra, thanh tra có 11/27 đề án được Thanh tra Chính phủ gửi sang cơ quan điều tra, trong đó có robot Rosta đã là một vụ án, còn 16/27 đề án đều vướng các thủ tục pháp lý, nên không thể hoạt động tiếp được.
Hiện các cơ quan tư pháp đang phối hợp tích cực tháo gỡ vướng mắc, để các máy móc trên được tiếp tục hoạt động phục vụ KCB cho người dân. Tuy nhiên, khi máy hoạt động trở lại thì do các hợp đồng đã hết hạn nên nảy sinh vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). BV đã đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) tháo gỡ bằng việc đồng ý thanh quyết toán BHYT cho các kỹ thuật thực hiện trên các thiết bị này, vì 95 % bệnh nhân ở BV là có thẻ BHYT.
Trong khi đó, BV Bạch Mai đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính sau hơn hai năm chống dịch và thực hiện tự chủ. Tài chính đã cạn kiệt, không thể mua trang thiết bị. Mới đây, BV được thông báo cấp kinh phí 200 tỉ từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong lĩnh vực y tế, nhưng chỉ tháo gỡ được phần nào khó khăn, và đến lúc có được trang thiết bị mua từ nguồn này thì cũng phải ít nhất 6 tháng nữa (trình Bộ Y tế phê duyệt danh mục, mục tiêu, quy mô đầu tư, công tác tổ chức đấu thầu, chấm thầu, ký hợp đồng, thời gian nhập khẩu thiết bị y tế từ nước ngoài về...). BV sẽ tập trung tối đa, sớm tổ chức công tác đấu thầu, giải ngân mua sắm các trang thiết bị cho Trung tâm ung bướu, vì toàn bộ máy móc của Trung tâm vừa hết hợp đồng, các thiết bị này hết sức cần thiết cho công tác điều trị bệnh nhân ung thư như SPECT, Gamma, Pet, Cộng hưởng từ, v.v.
- Nhiều BV đều than về việc thiếu nhiều văn bản quy phạm pháp luật cần thiết trong vấn đề liên doanh liên kết, khiến các BV dễ trở thành vi phạm. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Hiện nay, khi đặt một thiết bị liên doanh liên kết giữa công ty và BV, hai bên rất khó xác định được việc chia lợi nhuận thế nào. Bởi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ phân chia, mà hoàn toàn là thương thảo, đàm phán bằng hợp đồng giữa hai bên. Vì thế, có rất nhiều lỗ hổng đôi khi bị ép vào tính chủ quan. Việc tính công lao động thì rất dễ, nhưng tính giá trị của cơ sở vật chất, đặc biệt là thương hiệu BV, rồi lượng bệnh nhân sử dụng ở mỗi BV ra sao là rất khó, mỗi BV số ca trung bình một ngày trên 1 máy là khác nhau, rồi cơ quan nào xác định giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào liên doanh v.v….
Do đó, cần phải có một cơ quan thẩm định nội dung này, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật phải chặt chẽ để giúp các cơ sở y tế yên tâm thực hiện các đề án liên doanh liên kết. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan liên ngành và Chính phủ.
- Nhiều BV đang gặp khó khăn về việc cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế do vướng mắc trong khâu quản lý nhà nước. BV Bạch Mai có rơi vào tình trạng này?
BV Bạch Mai đã liên tục tổ chức đấu thầu và lựa chọn được các đơn vị cung cấp vật tư y tế tiêu hao, hóa chất xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ chuyên môn. Tuy nhiên, tình trạng cung ứng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu do không có nhà thầu chào, hoặc nhà thầu không đáp ứng được điều kiện, nhiều mặt hàng có giá chào thầu vượt giá kế hoạch, v.v.
Đặc biệt, BV Bạch Mai cũng gặp những vướng mắc khó tháo gỡ như nhiều BV khác trong toàn quốc về khâu quản lý nhà nước. Ví dụ, theo Điều 44, 45 của Nghị Định 98/2021/NĐ-CP, thì các trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán. Nhưng việc kê khai giá hoàn toàn phụ thuộc vào chủ sở hữu trang thiết bị y tế và nhà phân phối, Bộ Y tế chỉ công khai giá kê khai và thực hiện hậu kiểm. Như vậy là chưa có cơ quan, đơn vị chức năng nào thẩm tra lại giá kê khai trang thiết bị y tế tại thời điểm công bố có chính xác hay không và trách nhiệm kiểm soát việc kê khai giá thuộc về đơn vị nào.
Nếu BV mua sắm trang thiết bị y tế với giá thấp hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán như quy định tại Khoản 4 Điều 44 của Nghị Định 98/2021/NĐCP, nhưng nếu sau này cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm phát hiện giá kê khai này không chính xác (cao hơn so với mức giá hợp lý được phép bán) thì lúc này trách nhiệm thuộc về ai? BV đã mua phải hàng hóa giá cao hơn giá được phép bán trên thị trường tại thời điểm đó thì giải quyết thế nào?
Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 8 như sau: "Giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện trong vòng 12 tháng hoặc giá trúng thầu đã công bố. Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể."
Tuy nhiên khi tham khảo giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện, hoặc giá trúng thầu đã công bố, thì có nhiều mức giá khác nhau cho cùng 1 mặt hàng do nhiều nhà phân phối khác nhau cung cấp. Do vậy, BV không biết phải lấy giá nào cho phù hợp quy định. Nhiều mặt hàng khi lấy giá thấp làm giá kế hoạch thì không có nhà thầu nào tham dự thầu.
Đồng thời với quy định này, cứ giá năm sau khi đấu thầu phải luôn thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu năm trước, thì sẽ đến một thời điểm nào đó giá của hàng hoá sẽ về bằng 0, một sự bất cập trong văn bản hướng dẫn. Trong khi quy luật của thị trường thì thông thường giá năm sau sẽ cao hơn năm trước và doanh nghiệp phải có lợi nhuận. Điều này đã kìm hãm không cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu vì không có lợi nhuận.
Về nội dung phân nhóm: Sau gần 2 năm áp dụng nhiều mặt hàng có cùng phân nhóm cao (Nhóm 1, 2, 3) nhưng chất lượng khác biệt nhau rất nhiều. Căn cứ xây dựng Thông tư 14/2020/TT-BYT là Nghị định 36/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên căn cứ Khoản 2 Điều 75 Nghị định 98/2022/NĐ-CP thì Nghị định 36/2016/NĐ CP đã hết hiệu lực, vậy Thông tư 14/2020/TT-BYT có còn được áp dụng nữa hay không? Hiện tại các cơ sở y tế vẫn đang phải áp dụng thông tư này. Hiện nay khi BV thực hiện đăng tải thư mời chào giá trên trang Web của BV, nhiều mặt hàng chỉ có 1 đơn vị gửi báo giá, mà theo quy định thì chưa đủ căn cứ để xây dựng dự toán hoặc giá kế hoạch.
Về yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự trong hồ sơ mời thầu: Quy định tại tiêu chí đánh giá 4, Khoản 2.1, Mục 2, Chương III, Mẫu số 02 thuộc Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, quy định giá trị hợp đồng tương tự “có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét”. Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới có được coi là đặc thù để có thể yêu cầu giá trị của hợp đồng trong khoảng 50% đến 70% giá trị của gói thầu đang xét, hay không? Vì trong thời gian dịch Covid-19, nhiều loại hàng hóa hầu như không sử dụng hoặc sử dụng rất ít, nay khi dịch tạm lắng nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao, nên số lượng dự trù các mặt hàng cũng tăng lên mà qua quá trình xét thầu, nhiều nhà thầu không đáp ứng được tiêu chí năng lực kinh nghiệm này.
Khó khăn trong việc thực hiện Quyết định số 5086/QĐ-BYT: Theo điểm b, Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 5086/QĐ-BYT ngày 04/11/2021 quy định "Mã vật tư y tế cấp theo nguyên tắc quy định tại Quyết định này được áp dụng để thực hiện đấu thầu, mua sắm và trích chuyển dữ liệu giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan kể từ ngày 11/2022. Tuy nhiên hiện tại rất nhiều vật tư chưa được cấp mã (Mới chỉ thực hiện được 180.000/2.000.000 mã), nếu vật tư nào chưa được Bộ Y tế cấp mã thì danh mục sẽ không được cổng thông tin BHYT phê duyệt, vì vậy gây khó khăn trong việc thanh toán BHYT cho các vật tư này
- Từ thực tế, BV Bạch Mai có đề xuất gì trong việc đấu thầu cung cấp thuốc, thưa ông?
Theo tôi, đối với các biệt dược chính hãng và vật tư, thiết bị y tế của các hãng độc quyền, Bộ Y tế nên đàm phán giá tập trung. Các cơ sở y tế sẽ dựa vào đàm phán giá tập trung để tránh được các thủ tục rườm rà như làm bài thầu, đồng thời, tránh mỗi BV mua một giá.
Đối với hoá chất và nhiều loại vật tư, khi làm bài thầu, thường mỗi máy chỉ chạy 1 loại hóa chất (hay còn gọi là máy đóng), khi trúng thầu hóa chất rồi thì công ty bán hóa chất sẽ đặt máy. Vì thế, nên đàm phán giá hóa chất, sinh phẩm liên quan đến các máy xét nghiệm đã được trúng thầu, để các cơ sở y tế dựa vào đó mua, tránh tình trạng thổi giá và cũng tránh để các cơ sở y tế rơi vào tình trạng “bẫy”chỉ định thầu, nên ngại ngần, lúng túng mua sắm. Vì nhà nước nắm được giá hải quan, giá dịch vụ, vận chuyển để đàm phán.
Bên cạnh đó, các Thông tư, Nghị định cần phải thay đổi sao cho các thông tin về giá thuốc, vật tư y tế được công khai hơn thông qua các kênh hải quan, để các cơ sở y tế an tâm khi mua sắm.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!