Gặp thanh niên Việt CEO công ty khởi nghiệp trị giá vài triệu đô

VietTimes – Những hệ lụy của “cơn lốc” ICO (gọi vốn bằng tiền điện tử) đa cấp ở Việt Nam đã khiến nhiều người lâm vào cảnh tán gia bại sản. Vì thế, khi nhắc đến tiền điện tử hay tiền mã hóa, nhiều người cảm thấy "dị ứng". Nhưng thực chất tiền điện tử, tiền mã hóa không hề có lỗi. Nó là một xu hướng phát triển tất yếu khi con người mất niềm tin vào sự ổn định của đồng tiền truyền thống.
Kory Hoang - CEO của Stably Corporation (ảnh: Đ.K)
Kory Hoang - CEO của Stably Corporation (ảnh: Đ.K)

Stablecoin - Tiền mã hóa ổn định

Tiền mã hóa được nghiên cứu từ những năm 1980, nhưng vào khoảng năm 2008 mới trở thành một loại tiền tệ, một mặt hàng được trao đổi trên thị trường. Vào thời điểm đó, nền kinh tế thế giới còn chưa phục hồi sau khủng hoảng, các nhà đầu cơ đã mất niềm tin vào sự ổn định của đồng tiền truyền thống. Họ đã tìm đến các đồng tiến mã hóa như là một sự trú ẩn. Từ đó các đồng tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum dần trở nên phổ biến.

Gần đây một loại tiền mã hóa mới đã xuất hiện, được gọi là Stablecoin (tạm dịch: Tiền mã hóa ổn định). Vì là một loại tiền mới nên người Việt hầu như chưa hiểu nhiều về vai trò cũng như giá trị ứng dụng của Stablecoin.

Stablecoin đang tồn tại và được sự công nhận của chính quyền một số tiểu bang tại Mỹ. Stablecoin giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của tiền mã hóa - đó là vấn đề biến động giá.

VietTimes đã có cuộc trò chuyện với CEO của công ty Stably Corporation (Mỹ) - một chàng trai trẻ tuổi tài năng người Mỹ gốc Việt, anh Kory Hoang. 

Công ty của Kory Hoang đã sáng tạo ra đồng StableUSD (USDS). Anh Kory Hoang cho biết, để Stablecoin được vận hành như một loại tiền tệ trên thị trường, nó phải được sự đồng ý của chính phủ hoặc chính quyền địa phương.  

Đối với đồng StableUSD (USDS), chính quyền bang Nevada (Mỹ) đã công nhận nó là một phương tiện trao đổi giống như các loại tiền tệ khác của chính phủ, có giá trị tương đương đồng đô-la Mỹ (USD). Đây chính là yếu tố giúp ổn định thị trường. Người mua và người bán đồng USDS cũng tương tự như đang giao dịch bằng đồng USD, chỉ có điều nó là tiền mã hóa, nó giúp giao dịch thương mại giữa các nước khác nhau trở nên thuận tiện hơn, giảm nhiều chi phí cũng như có độ bảo mật cao. Một ưu điểm của USDS mà người dùng có thể rất thích là phí chuyển USDS về Việt Nam sẽ rẻ bằng 1/10 mức cước gửi bằng tiền USD về Việt Nam.

Tiền mã hóa sử dụng công nghệ blockchain là những khối dữ liệu xếp liên tiếp với nhau tạo thành một chuỗi không thể phá vỡ, không thể chỉnh sửa
Tiền mã hóa sử dụng công nghệ blockchain là những khối dữ liệu xếp liên tiếp với nhau tạo thành một chuỗi không thể phá vỡ, không thể chỉnh sửa

Tiền mã hóa được xây dựng bằng mật mã toán học và các nguyên tắc kỹ thuật máy tính tiên tiến nhất, khiến cấu trúc của nó không thể bị phá vỡ (blockchain). Do đó các đơn vị giá trị của tiền mã hóa được bảo vệ khỏi các hình thức giả mạo hay gian lận, khác hẳn mối lo khi sử dụng đồng tiền thực tế (giấy, xu, chi phiếu…).

Đồng USDS với tính chất mở, công khai, minh bạch (được sự công nhận của chính quyền tiểu bang, tương đương với giá trị đồng tiền do chính phủ ban hành) nhờ công nghệ blockchain từ các nhà cung cấp – Kory Hoang phân tích. Nếu quy hoạch và đồng nhất đồng tiền mã hóa như USDS với đồng tiền truyền thống sẽ an toàn, nhanh chóng, tiết kiệm và thuận tiện cho người sử dụng hơn rất nhiều khi tiến hành các giao dịch mua bán ở mọi loại chợ khác nhau”.

“Trong tương lai, ngay cả Facebook cũng có thể phát hành đồng tiền riêng vì nhu cầu của người sử dụng để mua bán, giao dịch, quảng bá trên Facebook là rất lớn” – Kory Hoang dự báo.

Kory Hoang - CEO của Stably Corporation (Mỹ) (ảnh: Hòa Bình)
Kory Hoang - CEO của Stably Corporation (Mỹ) (ảnh: Hòa Bình)

Thắng lớn nhờ ý tưởng và tốc độ

Hầu như mọi loại tiền mã hóa đều có nguồn cung hữu hạn. Nguồn tiền mã hóa được tạo nên bởi việc đổ tiền thật vào ngân hàng thế chỗ để đổi sang tiền mã hóa, rồi mới bán ra cho người dùng. Chính vì thế, là một trong số các đồng tiền mã hóa đầu tiên được công nhận trên thị trường Mỹ, Stably phải sử dụng phương án kêu gọi đầu tư.

Khai sinh Stably Corporation, CEO trẻ gốc Việt Kory Hoang đã lập tức kêu gọi được 1,7 triệu đô la sau vòng gọi vốn đầu tiên, đồng stablecoin của Stably (USDS) được lên sàn giao dịch Binance. Sau 4 tháng xuất hiện, USDS có lúc đạt tổng khối lượng giao dịch lên đến hơn 3 triệu USD, thông thường là hơn một triệu USD một ngày.

Tốt nghiệp Đại học Washington Bothell, Kory Hoang làm thuê với mức lương khá cao trong vị trí phân tích tài chính chứng khoán ở công ty Pichbook, nhưng anh chàng Việt kiều không chịu ngồi yên vì những ý tưởng và các con số cứ “nhảy múa” trong đầu.

Korry Hoang lựa chọn mạo hiểm, bỏ công việc làm thuê, năm 2017 đứng ra thành lập Stably - công ty cung cấp giải pháp đồng tiền ổn định giá. USDS có giá trị gắn với đô la Mỹ và được đảm bảo về mặt pháp lý, bởi tài khoản đảm bảo được gửi trong các quỹ ủy thác quản lý bởi Stably.

Là một công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa, ông Vương Long, CEO của công ty Tomochain nhận xét rằng USDS là một hướng khai phá mới. “Ra đời với mục tiêu giúp minh bạch hóa thị trường, Stably với USDS đã có những bước khởi đầu mạnh mẽ. Dù mới ra đời với khoảng thời gian chưa lâu nhưng USDS đã nhận được sự ủng hộ khi có mặt trên hai sàn giao dịch hàng đầu thế giới là Binance và Bittrex”, ông Long cho biết.

Khẳng định các ưu điểm của stablecoin, ông Vương Long nói thêm: “USDS ra đời với những ưu điểm như có thể dễ dàng mua bán và trao đổi qua lại với USD, người dùng hoàn toàn có thể mua cũng như đổi trực tiếp USDS - USD mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Được thiết kế để trở thành một phương tiện thanh toán và trao đổi trên thị trường tiền mã hóa thường xuyên có những biến động, USDS hứa hẹn trở thành một đối thủ của Tether hay những đồng stablecoin khác trên thị trường. Ưu thế của stablecoin hơn hẳn các loại giao dịch quốc tế khác, do các sàn giao dịch tiền mã hóa là online 24/7, 168 giờ/tuần, mọi giao thức chuyển khoản đều được thực hiện ngay lập tức, rất thuận tiện cho người giao dịch ở các quốc gia khác nhau khi họ thức và ngủ trái múi giờ”.

ông Vương Long, CEO của Tomochain (ảnh: Đ.K)
ông Vương Long, CEO của Tomochain (ảnh: Đ.K)

Hiện nay ở nhiều nước, dù tiền mã hóa chưa được công nhận là một loại tiền tệ nhưng nó vẫn được cho phép giao dịch hợp pháp. Các chính phủ cũng đang nỗ lực xây dựng chính sách và khung pháp lý để quản lý tiền mã hóa tốt hơn.

Rất tiếc ở Việt Nam hiện nay, tiền mã hóa không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp. Các đơn vị và cá nhân vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 150 - 200 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 206 bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, đứng trước xu thế chấp thuận tiền mã hóa của thế giới, Việt Nam không thể nói "Không". 

“Chính phủ Mỹ đã công nhận vài loại tiền mã hóa khác nhau tùy theo từng vùng, tiểu bang. Nhiều nước và khu vực châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… đã công nhận tiền mã hóa hoặc đang tiến hành thủ tục công nhận. Nếu Việt Nam có Vietnamcoin, dòng tiền đầu tư từ ngoại tệ sẽ đổ về Việt Nam. Trong xu thế tất yếu khi thị trường tiền mã hóa ngày càng phát triển, nếu chúng ta không tham gia cuộc cách mạng này thì một là thị trường này tiếp tục mất ổn định bởi sự hỗn loạn của các đồng tiền mã hóa, hai là dòng tiền VND chảy mạnh ra nước ngoài để đầu tư cho các đồng tiền mã hóa khác trên thế giới” – Kory Hoang lo ngại nói.