Con chip được thiết kế với mục đích giảm bớt sự phức tạp của các công việc hàng ngày của người dùng và làm cho cuộc sống của họ thuận tiện hơn. Ví dụ như mở khóa vào nhà, văn phòng và phòng gym… một cách dễ dàng chỉ với động tác chạm tay.
Chúng cũng có thể được sử dụng để lưu trữ thông tin liên lạc khi khẩn cấp, hồ sơ cá nhân hay thậm chí thay cho vé đi tàu.
Kích thước của microchip chỉ cỡ hạt gạo và được cấy dưới da người dùng thông qua một dụng cụ tương tự ống tiêm. Quy trình này tốn khoảng 180 USD.
Với nhiều lợi ích thiết thực như thế, microchip dần trở thành một món đồ công nghệ đang được nhiều người Thụy Điển "săn đón". Những người ủng hộ phát minh này cho rằng chúng an toàn và chống được phần lớn tội phạm công nghệ.
Erik Frisk, 30 tuổi, một nhà thiết kế và phát triển web, chia sẻ rằng anh thực sự tò mò về công nghệ này ngay sau khi nghe về nó và quyết định cấy chip vào năm 2014.
"Thiết bị này hoàn toàn thụ động, nó không có bất kỳ nguồn năng lượng hay bất cứ thứ gì. Vì vậy, khi bạn chạm nó vào một đầu đọc, con chip sẽ gửi tới một ID để xác định danh tính người dùng", anh giải thích.
Có rất ít ý kiến phản đối việc gắn vi mạch và hiện tại không có luật pháp quốc gia nào quy định cấm làm việc này.
Tuy nhiên, Ben Libberton, một nhà khoa học người Anh có trụ sở ở miền nam Thụy Điển, là một trong số những người tỏ ý lo ngại về việc thiết bị này có lưu trữ thông tin về tình trạng sức khỏe của người dùng hay không và bắt đầu chiến dịch theo dõi chặt chẽ về công nghệ này.
Libberton cho biết một trong những mối quan tâm chính của ông là các con chip có thể được sử dụng để chia sẻ dữ liệu về sức khỏe thể chất và các chức năng cơ thể của người dùng.
"Vì nó được cấy vào cơ thể của bạn, thông tin liên quan đến sức khỏe sẽ tích hợp vào chip và được truyền đi đến một nơi nào đó. Chúng ta thực sự cần xem xét và xử lý điều này trước khi đưa chip ra sử dụng rộng rãi", Libberton nói.
Mặc dù có những mối lo ngại nhưng sức hấp dẫn từ công nghệ tiện ích này vẫn rất lớn. Jowan Osterlund, nhà sáng lập Biohax International, công ty cung cấp dịch vụ cấy microchip tại Thụy Điển, cho biết công ty của anh đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 4.000 khách hàng. Số lượng chíp sản xuất ra hiện nay vẫn không đủ nhu cầu thị trường.
Osterlund cho biết: "Thiết bị này sẽ giúp việc xác minh danh tính trở nên nhanh gọn. Nó kết nối nhiều thiết bị với nhau khiến cuộc sống của chúng ta trở nên "dễ thở" hơn rất nhiều".
Công ty vận tải lớn nhất của Thụy Điển cũng đã bắt đầu cho phép hành khách sử dụng chip thay vì vé. Dự kiến các chip dưới da có thể sớm được sử dụng để thanh toán tại các cửa hàng và nhà hàng tại nước này.
Theo Tuổi Trẻ
https://congnghe.tuoitre.vn/gan-vi-mach-dien-tu-duoi-da-20181024224638906.htm