Bệnh Alzheimer sẽ được phát hiện chỉ bằng một xét nghiệm mắt đơn giản

VietTimes -- Một phương pháp phát hiện sớm bệnh Alzheimer (một dạng bệnh mất trí nhớ) đang được các nhà khoa học tại đại học Washington phát triển, hứa hẹn nghiên cứu này mang lại một triển vọng phát hiện sớm và điều trị hiệu quả căn bệnh phổ biến này.
Chỉ cần xét nghiệm mắt là chẩn đoán được bệnh Alzheimer (Ảnh Đại học Washington)
Chỉ cần xét nghiệm mắt là chẩn đoán được bệnh Alzheimer (Ảnh Đại học Washington)

Bệnh Alzheimer (AD), cũng giống như nhiều dạng bệnh mất trí nhớ khác, là một trong những căn bệnh gây khổ sở nhất cho các bệnh nhân và người nhà họ, bởi căn bệnh này từ từ và liên tục làm mất trí nhớ bệnh nhân, một trong những tài sản quý báu nhất của con người.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc điều trị căn bệnh này đó là chưa có một phương pháp nào có thể phát hiện sớm và chính xác bệnh. Các bác sỹ thường khuyến khích các bệnh nhân nên thực các xét nghiệm chụp hình ảnh não như là chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp (CT), và mục đích của việc chụp não cũng chỉ là giúp các bác sỹ dễ dàng hơn trong việc sàng lọc xem họ có bị bệnh AD trong số các loại bệnh mất trí nhớ khác không, và rõ ràng phương pháp này có độ chính xác không cao.

Các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Y, Đại học Washington, St. Louis, Mỹ đang phát triển một phương pháp phát hiện bệnh AD mới, với kết quả chính xác hơn nhiều. Và đặc biệt, phương pháp này được thực hiện bằng cách kiểm tra mắt, vì thế nó không xâm phạm sâu vào cơ thể người như các phương pháp khác đang được sử dụng hiện nay. Quy trình chẩn đoán bệnh này được thực hiện bằng cách xét nghiệm kiểm tra võng mạc được gọi là chụp cắt lớp độ kết hợp quang.

Có tổng cộng 30 người, với độ tuổi trung bình 74,5 tuổi tham gia vào nghiên cứu này. Các nhà nghiên cứu thấy rằng những thay đổi vi mạch tạo ra một vùng vô mạch lớn hơn trong mắt, đây là dấu hiệu bệnh AD tiền lâm sàng. Vùng này của mắt cũng được xét nghiệm để phát hiện các dấu hiệu bệnh thiếu máu hồng cầu liềm hay thậm chí là bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm mắt có thể giúp phát hiện sớm bệnh Alzheimer (Ảnh Đại học Washington)
 Xét nghiệm mắt có thể giúp phát hiện sớm bệnh Alzheimer (Ảnh Đại học Washington)

Ông Rajendra S. Apte và ông Paul A. Cibis, hai giáo sư chuyên ngành nhãn khoa và khoa học thị giác, tham gia dự án cho biết về những phát hiện của nghiên cứu này: “đối với các bệnh nhân có mức dạng tinh bột hoặc hạt tô cao, chúng tôi đã phát hiện ra hiện tượng phần trung tâm võng mạc bị mỏng đi. Tất cả chúng ta đều có một vùng vô mạch nhỏ ở trung tâm võng mạc, đây là bộ phận giúp chúng ta có tầm nhìn rõ nhất. Chúng tôi đã thấy rằng vùng vô mạch này được mở rộng rất lớn ở những người mắc bệnh Alzheimer ở giai đoạn tiền lâm sàng”, ông nói.

Cuộc đua hướng đến đích là chẩn đoán bệnh AD

Phát hiện sớm sẽ có triển vọng điều trị tốt hơn rất nhiều với các bệnh nhân mắc bệnh AD bởi hiện nay khi được phát hiện, phần lớn bệnh nhân AD đã bị mất trí nhớ hoặc giảm chức năng nhận thức. Chỉ riêng ở Mỹ, ước đoán có khoảng 5,4 triệu người mắc bệnh AD ở các giai đoạn khác nhau. Các xét nghiệm chỉ dấu sinh học là một phương pháp đơn giản và rất hiệu quả trong việc phát hiện bệnh AD giai đoạn tiền lâm sàng khi chưa có các triệu chứng rõ ràng.

Giáo sư Bliss E. O’Bryhim, thuộc khoa Nhãn khoa và Khoa học thị giác, Đại học Washington cho biết công nghệ này sẽ là một bước ngoặt thực sự với việc chẩn đoán bệnh AD hiện nay: “Kỹ thuật này có tiềm năng rất lớn để trở thành công cụ sàng lọc chẩn đoán phát hiện sớm các triệu chứng lâm sàng trên bệnh nhân AD, mà trước đây những người này thường phải thực hiện các xét nghiệm rất tốn kém và đau đớn, nhưng kết quả cũng không chính xác. Chúng tôi đang hy vọng sử dụng kỹ thuật này để xác định được những người bị tích tụ các protein bất thường trong não, dẫn đến sự phát triển bệnh AD”, bà cho biết.