|
Quang cảnh hội nghị Lấy ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016 do Bộ Y tế đã tổ chức tại Đà Nẵng. |
Gần 1.000 đại biểu đến từ các cơ quan, bộ ngành Trung ương, WHO, các tổ chức quốc tế, Sở Y tế các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp dược trong và ngoài nước, đã tham dự hội nghị.
Sửa luật để người dân được tiếp cận thuốc tốt nhất, giá phù hợp nhất
Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau 5 năm triển khai thi hành, Luật Dược cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về dược.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật cho thấy một số quy định liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu, đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc,… đã phát sinh bất cập, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng thuốc cho người dân, nhất là trong điều kiện cấp bách phòng, chống dịch.
“Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên, Bộ Y tế đã đánh giá tổng kết thi hành Luật và tác động các chính sách, để đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để trình Quốc hội”- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc bổ sung Luật Dược trong giai đoạn hiện nay là thể chế hoá các chủ trương, chính sách về xây dựng, hoàn thiện pháp luật của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; đảm bảo thuốc đủ về số lượng; tốt về chất lượng; giá hợp lý; đáp ứng yêu cầu phòng, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khuyến khích sử dụng thuốc trong nước, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất thuốc và vaccine…
“Vì vậy, việc thể chế hoá các chủ trương thành các quy phạm trong Luật Dược và giải quyết những bất cập gây cản trở, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược trong thời gian qua là cấp bách và cần thiết. Chính vì vậy, các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị cần phải được tiếp thu, giải trình cụ thể… nhằm đảm bảo Luật hợp chuẩn, hợp pháp, phù hợp với các quy định của quốc tế, với công tác quản lý của các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước... Và cao nhất là để người dân được tiếp cận thuốc tốt nhất, giá cả phù hợp nhất”- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến các nội dung nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Dược theo 5 chính sách đã trình Quốc hội tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật:
Chính sách 1: Tăng cường hơn nữa việc cung ứng, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân;
Chính sách 2: Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới;
Chính sách 3: Nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển KT-XH và thông lệ quốc tế;
Chính sách 4: Đẩy mạnh công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc/nguyên liệu thuốc sinh học, thuốc dược liệu được tiêu chuẩn hoá, nguyên liệu từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước;
Chính sách 5: Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng tình hình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Sửa đổi để đảm bảo thực thi, minh bạch và liêm chính
Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết, dự án sửa đổi, bổ sung Luật Dược sẽ sửa đổi và bổ sung 38 điều của Luật Dược 2016; trong đó, sửa đổi 36 điều, bổ sung 2 điều và bãi bỏ 1 điều.
"Việc điều chỉnh, bổ sung các điều của Luật Dược nhằm phân biệt giữa thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và vị thuốc cổ truyền; phân biệt thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất và thuốc dạng phối hợp chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp chứa dược chất tiền chất; giải quyết các vướng mắc đối với việc cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc của các cơ sở sản xuất trong nước có sử dụng nguyên liệu làm thuốc được nhập khẩu; quy định về phép nhập khẩu, cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở nước ngoài tại Việt Nam;…”- Cục trưởng Vũ Tuấn Cường cho hay.
Cũng theo Cục trưởng Vũ Tuấn Cường, việc sửa đổi, bổ sung các điều của Luật Dược cũng hướng đến khuyến khích nghiên cứu, sản xuất thuốc mới, thuốc phát minh, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc dược liệu được tiêu chuẩn hóa, thuốc công nghệ sinh học; nghiên cứu và sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam và nguyên liệu sản xuất thuốc sinh học; đồng thời tạo cơ chế ưu đãi đối với việc sản xuất, nghiên cứu sản xuất các thuốc, nguyên liệu làm thuốc nêu trên để làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Dược góp phần tạo hành lang pháp lý cho một số loại hình kinh doanh dược đang hình thành và tồn tại trong thực tiễn, đáp ứng được xu hướng phát triển tất yếu của hệ thống phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thúc đẩy chuyên môn hóa hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, góp phần làm giảm giá thuốc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia ý kiến về các nội dung sửa đổi các điều của Luật Dược gồm: Kê khai giá bán thuốc; điều kiện kinh doanh dược; mở rộng hay thu hẹp quyền của các loại hình doanh nghiệp FDI; các vấn đề liên quan đến quy định đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dược; ý kiến về hình thức kinh doanh mới, sàn giao dịch điện tử, máy bán thuốc tự động; các nội dung quy định mới về quản lý oxy y tế…
Tham luận tại hội nghị, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, WHO đã có nhiều hoạt động, phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ người dân.
“Việc xây dựng Luật Dược hoàn chỉnh là điều cần thiết, nhằm đảm bảo các quy định về sử dụng thuốc, đảm bảo các dịch vụ y tế,… với mục tiêu cuối cùng là sức khoẻ cộng đồng. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật cần đảm bảo thực hành quản lý hệ thống các cấp hoàn chỉnh, minh bạch, liêm chính và độc lập”- đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo đại diện WHO, Việt Nam cần có hệ thống quản lý dược độc lập, độc lập với các bên liên quan, để người dân có thể tiếp cận được thuốc có chất lượng. Bên cạnh đó, công tác y tế cộng đồng cần được quan tâm đúng mực, cần có những cơ chế phù hợp, mềm dẻo… nhằm ứng phó nhanh hơn với tình hình dịch bệnh.
“Việt Nam cần trao quyền cho các cơ quan quản lý và ý kiến của các cơ quan này được thừa nhận. Luật Dược được cho là hiệu quả khi những quy định này đạt được các mục tiêu của chiến lược dược phẩm quốc gia; đối chuẩn NRA toàn cầu… Hơn nữa, việc sửa đổi Luật rất quan trọng, vì đây là quá trình tốn nhiều thời gian, công sức và nhân lực nên với vai trò của mình, WHO luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế để xây dựng dự án này”- đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ.