Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel: 'Nâng lãi suất chỉ gây ra đau đớn và vết sẹo khó lành'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz, việc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất sẽ chỉ dẫn tới những đau đớn và 'vết sẹo' khó lành cho nền kinh tế.

Joseph E. Stiglitz, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, mới đưa ra quan điểm của ông trên trang Project Syndicate về lộ trình tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát.

VietTimes trân trọng gửi tới quý độc giả bài chuyển ngữ liên quan tới nội dung này.

Nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz (Ảnh: Columbia Economics)

Nhà kinh tế học Joseph E. Stiglitz (Ảnh: Columbia Economics)

Trên danh nghĩa kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương tự lao vào con đường gây ra suy thoái – hoặc tự đi vào chỗ tệ hại hơn. Thêm nữa, việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ để lại những 'vết thương' khó lành, trong khi sẽ tốt hơn nhiều nếu như những cách thức kiềm chế lạm phát được đưa ra một cách thận trọng hơn.

Sự kiên quyết của các ngân hàng trung ương trong việc tăng lãi suất thực sự đáng chú ý. Mượn danh nghĩa kiềm chế lạm phát, họ đã tự mình lao vào con đường gây ra suy thoái.

Mặt khác, các ngân hàng trung ương còn công khai thừa nhận rằng những chính sách của họ đã gây ra nhiều tác động. Họ không thừa nhận rằng những chính sách này là nghèo nàn, trong khi những người bạn của họ ở Phố Wall phải gánh chịu hậu quả. Tại Mỹ, nỗi đau này sẽ ảnh hưởng không đồng đều tới người da màu.

Như báo cáo mới của Viện Roosevelt mà tôi là đồng tác giả đã đưa ra, bất kỳ lợi ích nào đến từ lạm phát giảm do nâng lãi suất đều sẽ rất nhỏ.

Lạm phát hiện nay đã có dấu hiệu suy giảm. Có thể lạm phát điều chỉnh chậm hơn so với những người lạc quan kỳ vọng cách đây một năm – trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine – nhưng dù sao thì nó vẫn giảm, và với cùng những lý do mà những người lạc quan đã đưa ra.

Ví dụ, giá xe hơi cao, gây ra do tình trạng thiếu hụt chip máy tính, sẽ giảm đi khi mà các 'nút thắt' chuỗi cung ứng được giải quyết. Điều đó đang diễn ra, và số lượng xe hơi được sản xuất thực sự đã tăng lên.

Những người lạc quan cũng kỳ vọng giá dầu sẽ giảm, thay vì tiếp tục tăng. Điều này cũng chính xác là những gì đã xảy ra.

Trên thực tế, giá các loại năng lượng tái sinh giảm cho thấy giá dầu trong dài hạn sẽ giảm xuống mức thậm chí còn thấp hơn mức giá hiện nay. Thật hổ thẹn khi chúng ta không dịch chuyển sang sử dụng năng lượng tái sinh sớm hơn. Chúng ta đáng lẽ sẽ được bảo vệ tốt hơn nhiều trước những đợt giá cả lên xuống thất thường của nhiên liệu hóa thạch.

Mức lương đang tăng nhanh chóng ở thời điểm hiện tại so với giai đoạn tiền đại dịch, nhưng đó là điều tốt. Sự bất bình đẳng thường hiện hữu và nó càng trở nên tồi tệ hơn khi mức lương thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) của người lao động giảm đi.

Nguồn cơn của lạm phát

Báo cáo của Viện Roosevelt cũng bỏ qua luận điểm rằng lạm phát hiện nay là do chi tiêu quá độ trong giai đoạn đại dịch, và rằng tỷ lệ thất nghiệp cao diễn ra trong một khoảng thời gian dài mới có thể mang lạm phát trở về mức mục tiêu.

Lạm phát tăng do cầu kéo xảy ra khi tổng cầu vượt qua tổng cung tiềm năng. Nhưng điều đó, phần lớn, đã không xảy ra.

Thay vào đó, đại dịch đã gây ra sự căng thẳng đối với nguồn cung ở nhiều lĩnh vực và sự thay đổi về cầu – cùng với sự không cân xứng trong việc điều chỉnh – trở thành nguyên nhân chính khiến giá tăng.

Ví dụ, hãy nhìn vào thực trạng biến động dân số ở Mỹ trước và sau đại dịch Covid-19.

Không chỉ các chính sách Covid-19 dưới thời Tổng thống Trump góp phần gây ra sự thiếu hụt hơn 1 triệu người ở Mỹ, mà số lượng người nhập cư cũng giảm do nhiều hạn chế mới được áp dụng.

Nguyên nhân khiến giá thuê nhà tăng bởi vậy không phải là do nhu cầu nhà ở tăng mạnh, mà chính là do sự thay đổi sang làm việc từ xa, do lo ngại về đại dịch (đặc biệt là những lao động trí thức). Khi nhiều chuyên gia di chuyển, giá thuê và chi phí nhà ở gia tăng ở một số khu vực, trong khi giảm ở các khu vực khác.

Nhưng giá thuê nhà ở những nơi có nhu cầu nhà ở tăng lại tăng nhiều hơn so với ở những khu vực có nhu cầu nhà ở giảm. Sự thay đổi về cầu như vậy góp phần gây ra lạm phát tổng thể.

Nâng lãi suất có giúp 'đánh bại' lạm phát?

Hãy trở lại với câu hỏi lớn về chính sách.

Liệu lãi suất cao hơn có làm tăng nguồn cung chip dành cho xe hơi, hay nguồn cung dầu hay không (?). Liệu nó có giúp giảm giá thực phẩm, thay vì làm giảm thu nhập toàn cầu nhiều đến nỗi người ta phải giảm khẩu phần ăn hay không (?).

Câu trả lời là không.

Ngược lại, lãi suất cao hơn còn gây thêm khó khăn cho việc huy động các khoản đầu tư giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Và như báo cáo mới của Viện Roosevelt và báo cáo trước đây của Viện Brookings chỉ ra, lãi suất cao hơn có thể làm tăng thêm sức ép lạm phát theo nhiều cách khác nhau.

Những chính sách tài khóa được xem xét và điều chỉnh một cách kỹ lưỡng hơn có lẽ sẽ có cơ hội kiềm chế được lạm phát lớn hơn, thay vì tạo thêm gánh nặng.

Ví dụ, cách phản ứng hợp lý để giảm giá thực phẩm là đảo ngược chính sách hỗ trợ giá nông sản đã được áp dụng suốt nhiều thập kỷ qua, trong đó chi tiền để những người nông dân ngừng sản xuất, trong khi đáng lẽ ra họ nên được khuyến khích sản xuất nhiều hơn.

Tương tự, biện pháp hợp lý để đối phó với tình trạng giá cả gia tăng chính là thực thi công tác chống độc quyền tốt hơn, và cách để phản ứng trước giá thuê nhà tăng là khuyến khích các khoản đầu tư để xây dựng thêm nhà mới, trong khi nâng lãi suất chỉ gây ra điều ngược lại.

Nếu như có tình trạng thiếu hụt lao động, biện pháp hợp lý nên là tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em, đưa ra các chính sách ủng hộ nhập cư, cùng các biện pháp tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Sau hơn một thập kỷ lãi suất được duy trì ở mức cực thấp, việc “bình thường hóa” lãi suất là hợp lý.

Nhưng nâng lãi suất ở trên mức bình thường như vậy, trong nỗ lực viển vông nhằm kiềm chế lạm phát một cách nhanh chóng, không chỉ gây ra đau đớn cho hiện tại mà còn để lại những vết sẹo khó lành, đặc biệt là đối với những người không đủ khả năng để gánh thêm sức nặng của những chính sách nghèo nàn này.

Ngược lại, hầu hết các biện pháp tài chính và các biện pháp khác được mô tả ở trên đây đều sẽ tạo nên những lợi ích dài hạn cho xã hội.

Nhà tâm lý học Abraham Maslow từng có câu nói nổi tiếng: “Đối với một người đàn ông đang cầm búa, mọi thứ nhìn như một chiếc đinh".

Cho dù Fed đang cầm búa, họ cũng không nên đi loanh quanh và 'đập nát' nền kinh tế ra như vậy./.

Theo Project-Syndicate