Fed lo ngại khi thị trường lao động Mỹ vẫn còn 'nóng'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thị trường lao động vẫn "nóng một cách không bền vững" và tiến trình chống lạm phát của Fed có thể bị chững lại.
Thống đốc Fed Christopher Waller (Ảnh: Bloomberg)
Thống đốc Fed Christopher Waller (Ảnh: Bloomberg)

Fed sẽ cần phải nâng lãi suất lên mức cao hơn so với dự định trước đó để kiềm chế lạm phát nếu như xu hướng tăng của chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động tiếp tục như hiện nay.

“Tôi sẽ rất vui mừng nếu như dữ liệu mà chúng tôi nhận được về lạm phát và thị trường lao động trong tháng này có tín hiệu giảm,” Thống đốc Fed Christopher Waller viết trong bài đăng trên website của Fed. “Những suy nghĩ viển vông không thể thay thế được bằng chứng rất cụ thể dưới dạng dữ liệu kinh tế. Sau khi chứng kiến những tín hiệu đầy hứa hẹn, chúng tôi không thể gánh rủi ro lạm phát tăng trở lại được.”

Trong phát ngôn được chuẩn bị sẵn, ông Waller không nêu rõ rằng liệu ông có tiếp tục ủng hộ việc nâng lãi suất thêm 0,25%, như đã từng nêu trong cuộc họp trước của Fed, hay sẽ ủng hộ mức nâng 0,5% trong cuộc họp sắp tới tổ chức vào ngày 21 và 22/3.

Tháng trước, uỷ ban điều hành lãi suất của Fed đã bỏ phiếu nhất trí về việc giảm nhịp độ nâng lãi suất, khi nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% - lên khoảng 4,5-4,75% - sau đợt nâng 0,5% trong tháng 12 và 0,75% trong tháng 11/2022.

Trong cuộc họp tháng 12, hầu hết giới chức Fed đều đưa ra dự báo lãi suất trong khoảng 5-5,5% trong năm 2023 để chống lại lạm phát cao, bằng cách giảm các hoạt động của nền kinh tế. Đến thời điểm này, 3 trên 18 quan chức tham gia vòng họp quyết định về lãi suất mới đây cho rằng họ muốn tăng lãi suất thêm 0,5% hoặc có thể ủng hộ mức nâng đó trong vòng họp tháng này.

Không như kỳ vọng

Kể từ sau cuộc họp mới đây nhất của Fed, chính phủ đã công bố nhiều báo cáo kinh tế cho thấy hoạt động tuyển mộ lao động và chi tiêu trong tháng 1 năm nay “nóng” hơn so với dự báo, cùng với đó là tiến trình giảm lạm phát bị chậm lại.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống 3,4% trong tháng 1/2023, mức thấp nhất trong vòng 53 năm. Con số này khiến nhiều nhà kinh tế học bất ngờ, bởi họ kỳ vọng rằng những đợt nâng lãi suất của Fed sẽ sớm làm “hạ nhiệt” nền kinh tế. Đà tăng trưởng kinh tế của châu Âu cũng phục hồi, làm giảm lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu trong năm nay.

Xu hướng giảm của lạm phát vào thời điểm cuối năm ngoái đã chững lại trong tháng 1 năm nay, và các bản phân tích lại dữ liệu cũng chỉ ra rằng mức giảm lạm phát trong những tháng gần đây không nhanh như được báo cáo ban đầu. Tỷ lệ lạm phát 12 tháng, loại trừ thực phẩm và năng lượng, ở mức 4,7% trong tháng 1, tăng so với 4,6% trong tháng 12/2022, theo như chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) do Bộ Thương mại Mỹ công bố.

Dữ liệu gần đây cho thấy hoạt động chi tiêu không chậm lại như kỳ vọng, và thị trường việc làm “tiếp tục trở nên nóng một cách không bền vững, ngoài ra lạm phát không giảm nhanh như tôi từng nghĩ,” ông Waller viết. “Có thể là do tiến trình đã bị chững lại, hoặc do những con số được công bố trong tháng trước chỉ là một nhất thời, do điều kiện thời tiết thuận lợi một cách không ngờ tới. Những dữ liệu sắp tới sẽ thể hiện hoạt động của nền kinh tế và lạm phát sẽ lấy lại đà giảm.”

Ông Waller khẳng định rằng thay đổi kế hoạch nâng lãi suất trong khoảng 5-5,5% trong năm nay là điều không cần thiết, nếu như báo cáo của Bộ Lao động tới đây cho thấy đà tăng trưởng việc làm trong tháng 2 giảm tới mức độ ngang bằng cuối năm ngoái và lạm phát đảo ngược đà tăng của tháng 1.

“Mặt khác, nếu dữ liệu tiếp tục cho thấy tình trạng quá nóng, mức lãi suất mục tiêu sẽ phải nâng cao hơn trong năm nay để đảm bảo rằng chúng tôi không mất động lực đã có từ trước khi dữ liệu tháng 1 được công bố,” ông Waller cho hay.

Ngoài ra, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic nói với các phóng viên trong hôm 2/3 rằng, ông “vẫn rất quả quyết” trong việc ủng hộ nâng lãi suất thêm 0,25%, trong lúc giới chức Fed đang cân nhắc xem nên nâng lãi suất ở mức nào là hợp lý. “Cách hành động phù hợp nhất là chậm và chắc,” ông nói.

Ông Bostic nhấn mạnh rằng, các đợt nâng lãi suất trong quá khứ cần có thời gian mới có thể phát huy tác dụng, thêm rằng ông kỳ vọng những biện pháp mà Fed áp dụng sẽ thực sự làm giảm nhiệt nền kinh tế trong mùa Xuân năm nay.

Fed nâng lãi suất để chống lạm phát bằng cách làm giảm hoạt động của nền kinh tế thông qua các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn – như chi phí vay mượn cao hơn, giá cổ phiếu thấp hơn và đồng USD mạnh – từ đó làm giảm cầu.

Đà tăng trưởng kinh tế Mỹ mạnh hơn so với kỳ vọng đã khiến các nhà đầu tư thay đổi suy nghĩ về viễn cảnh chính sách trong năm tới. Giới đầu tư giờ kỳ vọng rằng Fed sẽ nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% trong các vòng họp tới, lên khoảng 5,4% trong tháng 6, và có 50% khả năng lãi suất được nâng thêm 0,25% trong tháng 7, theo CME Group.

Vào thời điểm diễn ra vòng họp gần nhất của Fed, trong ngày 31/1 và 1/2, giới đầu tư kỳ vọng rằng Fed sẽ nâng lãi suất lên 4,9% trong tháng 3 và sau đó hạ lãi suất./.

Theo Wall Street Journal