F-35 tạm dừng, Tesla hoãn sản xuất: Mỹ chao đảo vì đòn đất hiếm từ Trung Quốc

50 ngày đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc thực hiện kiểm soát xuất khẩu bảy loại đất hiếm trung bình và nặng, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Mỹ đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Cuộc đối đầu Trung - Mỹ về đất hiếm đã trở thành yếu tố quyết định quan hệ thương mại hai bên. Ảnh: Sohu.

Dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đang bên bờ vực ngừng hoạt động vì thiếu đất hiếm, kho dự trữ của Lầu Năm Góc chỉ đủ dùng trong 6 tuần; trong khi đó kế hoạch mở rộng sản xuất robot hình người "Optimus Prime" của Tesla buộc phải hoãn lại.

Trước mối đe dọa cấp bách về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tờ Washington Post đã trích dẫn một tài liệu nội bộ của Nhà Trắng cho biết, nếu Trung Quốc không dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đất hiếm, thỏa thuận đình chiến thuế quan mà Trung Quốc và Mỹ đạt được tại Geneva sẽ "chỉ là tờ giấy vô giá trị". Cuộc đấu xung quanh thứ "vitamin công nghiệp" này đang đẩy chuỗi công nghiệp toàn cầu đến giới hạn nguy cấp.

Trung Quốc ra đòn hạn chế xuất khẩu 7 loại đất hiếm trung bình và nặng khiến ngành công nghiệp Mỹ, nhất là công nghiệp quân sự lao đao. Ảnh: Sohu.

Mỹ đang mắc kẹt trong "cuộc khủng hoảng đất hiếm"

Ngày 15/4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện kiểm soát chặt đối với việc xuất khẩu bảy loại đất hiếm trung bình và nặng, bao gồm Samarium, Gadolinium, Terbi, Dysprosi, Luteti, Scandi và Yttri. Chỉ một tuần sau đó, tập đoàn quân sự khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ đã đệ trình một báo cáo khẩn cấp lên Lầu Năm Góc, nêu rõ rằng lượng đất hiếm dự trữ của họ chỉ đủ dùng trong 60 ngày. Nếu không thể bổ sung, việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 sẽ bị chậm lại ít nhất 18 tháng.

Dữ liệu cho thấy mỗi chiếc F-35 tiêu thụ 417 kg vật liệu đất hiếm, được sử dụng cho lớp phủ động cơ chịu nhiệt độ cao, vật liệu hấp thụ sóng radar và hệ thống vũ khí điện từ.

Trong số 153 loại thiết bị chiến đấu chính đang được quân đội Mỹ sử dụng, chuỗi cung ứng của 87% chúng phụ thuộc vào đất hiếm tinh chế của Trung Quốc. Tính đến giữa tháng 5, các nguyên liệu quan trọng như Dysprosi và Terbi trong kho dự trữ chiến lược quốc phòng của Mỹ chỉ có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất duy trì trong 42 ngày.

Nhà máy sản xuất xe tăng của General Dynamics ở bang Ohio đã phải đóng cửa hai tuần nay và năng suất sản xuất tên lửa đạn đạo PGM-17A Thor đã giảm 42%.

Tờ Financial Times tiết lộ rằng Bộ Thương mại Mỹ đã cố gắng mua các nguồn tài nguyên thay thế từ Myanmar và Australia, nhưng lượng đất hiếm xuất khẩu của Myanmar đã bị giảm 70% do bất ổn chính trị, và công nghệ tinh chế đất hiếm của Australia chỉ đạt được một phần ba tiêu chuẩn dùng cho công nghiệp quân sự.

Một đánh giá nội bộ của Lầu Năm Góc cho thấy ngay cả khi "phương án khẩn cấp" được kích hoạt, thì cũng phải mất ít nhất 10 năm và khoản đầu tư 200 tỷ USD để xây dựng lại toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm.

Trung Quốc quyết không nhượng bộ về đất hiếm

Hôm 10/5, hai phái đoàn Trung Quốc và Mỹ đã khởi động vòng đàm phán kinh tế và thương mại thứ ba tại Geneva, Thụy Sĩ. Phía Mỹ ban đầu có kế hoạch "dùng nhượng bộ thuế quan để đổi lấy dỡ bỏ lệnh cấm đất hiếm", nhưng trong thông cáo chung, từ "đất hiếm" đã không xuất hiện.

Do thiếu nguyên liệu đất hiếm, số lượng tên lửa đạn đạo PGM-17A Thor đã giảm 42%. Ảnh: Wiki.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày hôm sau khi trả lời đã nói Trung Quốc sẽ "nối lại một số hoạt động xuất khẩu sang Mỹ có điều kiện" nhưng nhấn mạnh "an ninh quốc gia quan trọng hơn lợi ích thương mại".

Nội dung chi tiết về cuộc đàm phán cho thấy phía Mỹ đưa ra 3 yêu cầu cốt lõi, trong đó họ quan tâm nhất là vấn đề đất hiếm, bãi bỏ hạn chế các doanh nghiệp quân sự nhập khẩu đất hiếm, cho phép Lockheed Martin, Boeing và các công ty khác mua trực tiếp, nới lỏng chu kỳ thẩm định phê duyệt giấy phép xuất khẩu, rút ​​ngắn 45 ngày xem xét hiện tại xuống còn 15 ngày, hủy bỏ lệnh truy quét chống buôn lậu các vật liệu liên quan như Gali và Germani, và khôi phục "kênh thương mại xám".

Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đáp trả bằng ba điều kiện ngược lại: yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với chip Ascend của Huawei, thu hồi lệnh cấm xuất khẩu thiết bị bán dẫn, chấm dứt các hoạt động quân sự "tự do hàng hải" ở Biển Đông và Mỹ phải công nhận vị thế "nước đang phát triển" của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Khi các cuộc đàm phán đi vào bế tắc, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 15/5 tuyên bố họ sẽ điều chỉnh chính sách để cấp bốn giấy phép xuất khẩu nam châm đất hiếm sang châu Âu và Việt Nam, nhưng loại trừ Mỹ khỏi danh sách bãi miễn.

Tình trạng khó khăn của Mỹ không chỉ bắt nguồn từ sự phụ thuộc vào tài nguyên mà còn bộc lộ những điểm yếu về công nghệ. Trung Quốc kiểm soát 92,3% công suất tinh chế đất hiếm của thế giới, với độ tinh khiết tách là 99,999% và chi phí chỉ bằng 1/735 so với Mỹ.

Ngay cả khi Mỹ khởi động lại mỏ Mountain Pass ở bang California, các loại đất hiếm nhẹ khai thác được vẫn cần phải được vận chuyển đến Trung Quốc để chế biến. Mặc dù phòng thí nghiệm của Đại học bang Iowa có thể sản xuất các mẫu có độ tinh khiết 99,9999% nhưng vẫn chưa có được khả năng sản xuất với quy mô lớn.

Cuộc khủng hoảng đất hiếm cho thấy một thực tế tàn khốc: trong thời đại toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau vừa là điểm yếu vừa là "áo giáp". Dựa vào 30 năm tích lũy công nghệ, Trung Quốc đã biến ưu thế tài nguyên thành sự răn đe chiến lược, trong khi Mỹ lại rơi vào tình thế bị động "có quặng nhưng không có công nghệ" do chuỗi công nghiệp của họ chuyển từ thực sang ảo.

Trong cuộc đấu này không thể giành chiến thắng trong thời gian ngắn. Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc vẫn đang phải chịu nỗi đau bị “bóp cổ”, còn tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ thì đang bên bờ vực đình chỉ sản xuất.

Theo Toutiao