Trò đánh tráo nguy hiểm
Sản phẩm "Canadian Heart Protector" (Thuốc trợ tim Canada) được ông Chu ở Thượng Hải mua có logo “Con nai sừng tấm và cờ lá phong đỏ” được in trên bao bì đi kèm với chứng nhận "Được Hiệp hội tim mạch Bắc Mỹ khuyên dùng".
Ông đã gọi đến đường dây nóng dành cho người tiêu dùng Canada để hỏi thăm và được trả lời rằng công ty này được đăng ký tại tầng hai của một nhà nghỉ ở Manitoba và đã bị liệt kê vào danh sách không đáng tin từ 3 năm trước.
Trong một trường hợp khác, sản phẩm "Aojiru Nhật Bản" do một công ty sinh học ở Quảng Đông sản xuất đã cố tình dán nhãn "thực phẩm bổ sung" thay vì "sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN)" trên bao bì để tránh bị thẩm định hiệu quả trong nước.
Khi bị khiếu nại về thành phần giả, công ty này đã đưa ra "giấy chứng nhận an toàn" từ một cơ quan Nhật Bản, nhưng địa chỉ email liên hệ trên trang web chính thức của cơ quan này lại là của một công ty Trung Quốc.

Dưỡng sinh trở thành hại thân
CCTV của Trung Quốc gần đây đã đăng tải rất nhiều trường hợp sử dụng TPCN giả, khiến cho dưỡng sinh trở thành rước họa vào thân.
Lập trình viên Trần Hạo ở Trùng Khánh đã dùng "Viên uống mọc tóc Đức" để điều trị rụng tóc. Ba tháng sau, chỉ số chức năng gan của ông tăng vọt gấp 5 lần chỉ số bình thường. Các bác sĩ đã kiểm tra những viên thuốc này và phát hiện chúng có chứa thành phần bị cấm minoxidil - loại thuốc điều trị huyết áp này có thể kích thích nang tóc khi bôi ngoài da, nhưng có thể dẫn đến nguy cơ suy tim khi uống.
Khoa Gan mật tại Bệnh viện Hiệp Hòa Bắc Kinh đã tiếp nhận những trường hợp rất nghiêm trọng, trong đó một phụ nữ đã uống 7 loại thuốc làm trắng răng cùng lúc, dẫn đến tổn thương thận. Nước tiểu của bà có màu nước tương khi bà được đưa đến bệnh viện.
Trong khi đó, một người đàn ông lớn tuổi đã bị lừa đảo hết tiền lương hưu bằng "thiết bị trị liệu từ tính lượng tử". Khi tháo rời thiết bị, người ta phát hiện bên trong chỉ có một vài bóng đèn LED.
Nếu chỉ lừa tiền thôi thì chưa đủ để khiến dư luận phẫn nộ. Báo chí Trung Quốc từng đưa tin về một hộ gia đình thu nhập thấp ở vùng nông thôn đã mua một lượng lớn "sữa chống ung thư" cho người cha uống, khiến toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình "bay" sạch. Cuối cùng, tình trạng của ông không những không thuyên giảm mà còn mất mạng rất nhanh do trì hoãn nhập viện điều trị.
TPCN này được quảng cáo là “thần dược phòng ngừa ung thư, hạ ba chỉ số cao” thực chất chỉ có giá thành vài chục NDT, nhưng lại được bán với giá hơn 600 NDT.

"Trăm phương nghìn kế" của những kẻ tiêu thụ TPCN giả
Người phụ trách một ổ làm TPCN giả ở tỉnh Hà Nam từng tự hào khoe "bí quyết chống cơ quan chức năng" của mình, trong đó có lỗi chính tả trong hướng dẫn tiếng Anh trên bao bì, chẳng hạn như viết sai chính tả "manufacturer" (nhà sản xuất) thành "manufecturer". Khi bị khiếu nại, ông lập luận rằng "phiên bản ở nước ngoài đã được in không chính xác".
Ngày sản xuất được khắc bằng tia laser có thể được xóa bằng cồn và sửa lại, đồng thời có thể thêm các thành phần hóa học mới để tránh bị phát hiện thông thường, chẳng hạn như thay thế minoxidil bằng bimatoprost.
Những băng nhóm làm TPCN giả thậm chí còn nghiên cứu đặc điểm thực thi pháp luật của nhiều nơi khác nhau. Ở miền Bắc, trọng tâm là các cuộc kiểm tra nhà máy, vì vậy chúng giấu các dây chuyền đóng gói trong các khu dân cư. Ở miền Nam, các cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ các nền tảng thương mại điện tử nên chúng chuyển hướng sang các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhóm mua hàng kín.
Tiểu Lâm, cựu lập trình viên của một nền tảng thương mại điện tử, tiết lộ rằng cơ chế thuật toán về khách quan góp phần vào việc lưu thông hàng giả.
Quy tắc lưu thông của TPCN cho thấy những tiêu đề có chứa "kho ngoại quan" và "người nổi tiếng tin tưởng sử dụng" có thể giúp tăng mạnh doanh số. Các câu trả lời của bộ phận dịch vụ khách hàng với các từ khóa như "trực tiếp từ nước ngoài" sẽ kích hoạt lượng truy cập và đặc biệt là chuyên đề "thức khuya để dưỡng sinh" được mở từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng.
“Ngay cả khi một sản phẩm bị gỡ khỏi kệ do có khiếu nại, chúng tôi có thể thay đổi liên kết và sao chép nội dung bán hàng và sản phẩm đó sẽ được đưa trở lại kệ sau ba ngày”, Tiểu Lâm cho hay.
Người này nói thêm rằng, một sản phẩm “collagen Nhật Bản” có giá 15 NDT đã đạt doanh số hơn 100.000 đơn thông qua các đơn hàng do máy tạo ra và đứng đầu khá lâu trong danh mục sản phẩm TPCN.

Khi có người tiêu dùng khiếu nại, nền tảng này gợi ý "liên hệ với thương gia ở nước ngoài", nhưng cái gọi là "cửa hàng hàng đầu ở nước ngoài" lại được đăng ký tại một văn phòng ảo.
Chuỗi sản xuất hàng giả như vậy từ lâu đã có quy mô vượt ra khỏi biên giới. "Miếng dán chống bức xạ" sản xuất tại Trung Quốc đã được đóng gói thành "khắc tinh nước thải hạt nhân" trong các phòng phát sóng trực tiếp tại Nhật Bản và Hàn Quốc, giá bán được "thổi" lên tới 200 lần.
"Đá năng lượng Tây Tạng" được một người nổi tiếng trên mạng người Mỹ làm đại sứ hình ảnh, khi truy nguồn có nguồn gốc từ Nghĩa Ô, và các xét nghiệm cho thấy độ phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn. Địa chỉ IP của trang web chính thức của một "thương hiệu hoàng gia có lịch sử trăm năm" ở châu Âu nằm ở Phủ Điền và người sáng lập là ông chủ một xưởng giày địa phương.
"Trà thảo dược giảm cân của Trung Quốc" bị Cục Quản lý Dược phẩm Australia tịch thu năm ngoái đã được trộn với các loại chất bị cấm từ Nam Mỹ, và "nhân sâm sa mạc được giới nhà giàu ở Dubai tranh mua” thực chất được làm từ củ cải khô Tân Cương nhuộm màu.

Một người chia sẻ trên mạng rằng cha anh ta đã tin vào các sản phẩm TPCN được quảng cáo và đã tiêu hết số tiền tiết kiệm 2 triệu NDT trong hơn 10 năm của cả gia đình. Cho đến khi ông mất, trong nhà vẫn chứa đầy các loại TPCN. Những kẻ lừa đảo khéo lợi dụng tâm lý người già để kiếm tiền, biến sản phẩm rẻ mạt thành giá cao.
Truyền thông Trung Quốc đã đưa ra vô số trường hợp tương tự. Ví dụ, một công ty ở Ôn Châu đã lấy lý do "khám sức khỏe miễn phí" nhưng đã làm giả kết quả xét nghiệm máu để hù dọa người cao tuổi rằng họ có nguy cơ đột quỵ cao, rồi nhân cơ hội này tung ra loại "thuốc thông mạch thần kỳ" với giá nhập 345 NDT, nhưng bán cho người già với giá tăng 8.280 NDT.
Nhóm đối tượng mục tiêu của những thương gia vô đạo đức này trải dài từ người trung niên đến người cao tuổi, vì chúng hiểu rất rõ về tâm lý lo ngại của những người này. Họ thích duy trì sức khỏe và rất coi trọng vấn đề sức khỏe. Nhưng đây không phải là lý do để chúng lừa đảo người già.
(Còn tiếp)

Bài 1: Từ "tiên dược" hoàng gia đến hàng giả đội lốt nhập khẩu

KOL bán thực phẩm chức năng như thuốc chữa ung thư "thần kỳ", tuyên bố doanh thu 36 triệu USD
Theo NetEase, Toutiao