Ông Trump trao "phần thắng" cho Nga: Châu Âu sốc vì bị Mỹ bỏ rơi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc gọi dài 2 giờ giữa ông Trump và ông Putin không đem lại đột phá hòa bình Ukraine, khiến châu Âu lo ngại Mỹ rút lui, trao lợi thế cho Nga trong đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp giới truyền thông đang chờ trong cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh vào ngày 16/7/2018 tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp giới truyền thông đang chờ trong cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh vào ngày 16/7/2018 tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Getty.

Cuộc điện đàm kéo dài hai giờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm đầu tuần này không đem lại đột phá đáng kể nào, thậm chí còn khiến nhiều quan chức châu Âu cáo buộc ông Trump đã “trao phần thắng” cho Điện Kremlin.

Cuộc trò chuyện diễn ra như một phần trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài 3 năm giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, sau cuộc gọi, ông Trump ngụ ý rằng Mỹ sẽ không còn đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ông cũng từ chối áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga – điều được xem là biện pháp gia tăng áp lực buộc ông Putin phải nghiêm túc trên bàn đàm phán.

“Châu Âu vẫn đang bàng hoàng” trước việc Washington – “mỏ neo của liên minh phương Tây trước đây” – có vẻ như đã rút lui, nhà kinh tế học người Thụy Điển Anders Åslund, từng cố vấn cho cả chính phủ Nga và Ukraine, chia sẻ với Newsweek.

Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng cuộc điện đàm “rõ ràng là một thắng lợi dành cho ông Putin”.

Hy vọng vụt tắt

Cuộc điện đàm hôm 19/5 vừa qua đã không đáp ứng kỳ vọng rằng nó sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trong cam kết của ông Trump về việc làm trung gian hòa giải cho hòa bình. Trước đó, ông Trump từng đe dọa sẽ rút lui khỏi tiến trình nếu không đạt được tiến bộ, và hiện tuyên bố chìa khóa để mở ra hòa bình là một cuộc gặp trực tiếp giữa ông và ông Putin – điều mà ông mong muốn diễn ra càng sớm càng tốt.

Dù vậy, Ukraine và các đồng minh châu Âu lại muốn ông Trump gia tăng sức ép lên Điện Kremlin thông qua các lệnh trừng phạt mới và viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev – nhằm giúp Ukraine có vị thế đàm phán vững chắc hơn. Nhiều người cho rằng ông Putin sẽ không bao giờ dừng cuộc xâm lược nếu không bị buộc phải làm vậy.

Sau cuộc gọi, ông Trump cho biết Moscow và Kiev sẽ nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp về khả năng đạt được lệnh ngừng bắn, nhưng một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ rút khỏi tiến trình nếu đàm phán bị đình trệ. “Tôi nghĩ sẽ có điều gì đó xảy ra. Nếu không, tôi sẽ rút lui, để họ tự lo”, ông nói với các phóng viên, gọi cuộc trò chuyện là “hiệu quả”.

Thân thiện bất thường

Điện Kremlin mô tả cuộc gọi là “thẳng thắn và thân thiện”, tiết lộ rằng hai nhà lãnh đạo gọi nhau bằng tên riêng và không ai muốn dập máy trước.

“Mỹ đang rút lui”, một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu được tờ Financial Times tiếp cận thông tin về cuộc gọi nhận định. “Hỗ trợ và tài trợ cho Ukraine, gây áp lực lên Nga – giờ đây tất cả đều đặt lên vai chúng tôi”.

Chuyên gia Anders Åslund – hiện là thành viên cấp cao tại Diễn đàn Tự do Thế giới Stockholm, giáo sư phụ giảng tại Đại học Georgetown – cho rằng ông Trump đang nhượng bộ ông Putin. “Trong mọi hành động liên quan đến Nga, ông Trump thể hiện rằng ông chỉ là đối tác cấp dưới của ông Putin, chấp nhận quan điểm của ông Putin mà hầu như không dám chỉ trích thực sự – ngay cả khi đôi lúc cố che đậy bằng vài lời lấp liếm”, ông nhận định.

“Chúng ta cần nhận ra rằng cá nhân ông Trump là bạn và đồng minh của ông Putin”, ông Åslund nói thêm. “Câu hỏi là liệu hệ thống chính trị Mỹ còn khả năng kiềm chế ông ấy hay không. Châu Âu đang sốc khi bị bỏ rơi bởi Mỹ”.

Phương Tây mất kiên nhẫn

Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, cảnh báo rằng ông Putin nên được đánh giá qua hành động chứ không phải lời nói, cho rằng nhà lãnh đạo Nga “đang tiếp tục câu giờ” bằng các tuyên bố chỉ mang tính hình thức.

Cả Kiev lẫn Moscow đều chưa nhượng bộ. Nga tiếp tục yêu cầu Ukraine công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là của Nga và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO – điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiên quyết bác bỏ, nhấn mạnh sẽ không nhượng lại bất kỳ lãnh thổ nào cho Moscow.

Phát biểu cùng ngày, Tổng thống Zelensky nói: “Điều cốt yếu đối với tất cả chúng ta là nước Mỹ không được đứng ngoài các cuộc đàm phán và tiến trình tìm kiếm hòa bình, bởi người duy nhất hưởng lợi từ điều đó là ông Putin”.

Quan điểm trái chiều

Trên mạng xã hội X, ông Carl Bildt tiếp tục cảnh báo: “Rõ ràng là một thắng lợi dành cho ông Putin khi ông ta né được yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, tiếp tục chiến sự đồng thời gây áp lực trên bàn đàm phán. Ông ấy sẽ nói về ngừng bắn cho đến khi Ukraine phải chấp nhận các điều kiện làm suy giảm chủ quyền”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius nhấn mạnh: “Cuộc trò chuyện hôm qua một lần nữa cho thấy: phía Nga đưa ra tuyên bố, nhưng vẫn không có bằng chứng nào cho thấy họ thực sự nghiêm túc. Ông Putin đang câu giờ – điều đó quá rõ ràng. Dù có nói đến một bản ghi nhớ, nhưng chưa thấy bóng dáng của một lệnh ngừng bắn…Và thật không may, chúng tôi phải thừa nhận rằng ông ta vẫn chưa thực sự quan tâm đến hòa bình – ít nhất là không phải dưới những điều kiện có thể chấp nhận được”.

Elina Beketova, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), bình luận với Newsweek: “Tôi không tin người Nga thực sự muốn nhượng bộ ông Trump, nhưng họ cũng sẽ không rút khỏi tiến trình đàm phán. Họ sẽ tiếp tục tham gia ngoại giao song song với việc leo thang quân sự. Hiện tại, chỉ có các biện pháp trừng phạt mạnh tay và cơ chế răn đe đáng tin cậy mới có thể tạo ra khác biệt”.

Jon Sweet, cựu sĩ quan tình báo quân đội Mỹ, nhận định: “Ông Putin không quan tâm đến ngừng bắn hay hòa bình. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng nói rõ: ‘Nga sẽ chỉ chấp nhận chiến thắng toàn diện trước Ukraine’. Phe ông Trump đang cạn lý do để bênh vực ông Putin. Ukraine vẫn có thể giành chiến thắng, nhưng chỉ khi Washington tìm lại được khí phách mà họ từng có”.

Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine dự kiến sẽ nối lại, theo thông báo từ ông Trump. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng quá trình đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine có thể sẽ rất gian nan và kéo dài.

Theo Newsweek