|
Ông Cao Xuân Ninh (Nguồn: EIB) |
Đơn từ nhiệm đề ngày 15/6 và nêu xuất phát từ "lý do cá nhân". Liên quan đến lá đơn này, một nguồn tin cho biết, ngày mai (24/6), các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank sẽ nhóm họp để xem xét.
Nhắc rằng, đây không phải là lần đầu tiên ông Cao Xuân Ninh làm đơn "trả ghế" Chủ tịch HĐQT Eximbank - vị trí mà đến lúc này vẫn còn một số ý kiến đặt vấn đề về tính hợp pháp.
Ông Cao Xuân Ninh bắt đầu xuất hiện trong vai Chủ tịch Eximbank nhiệm kỳ VI (giai đoạn 2015 - 2020) từ sau cuộc họp HĐQT ngày 22/5/2019, với Nghị quyết số 238/2019/EIB/NQ-HĐQT. Khi ấy, ông Ninh được bầu thay thế cho ông Lê Minh Quốc - người chủ động từ nhiệm trước đó.
Vấn đề là "chiếc ghế" Chủ tịch HĐQT mà ông Ninh tiếp quản từ ông Quốc, trước đó vốn đã được trao cho bà Lương Thị Cẩm Tú, theo Nghị quyết HĐQT số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT, vào ngày 22/3/2019.
Nghị quyết số 112 này từng bị Tòa án Nhân dân Tp. HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Eximbank phải tạm dừng thực hiện. Đến ngày 14/5/2019, Tòa án lại ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng nghĩa, mở lại hiệu lực của Nghị quyết đã đưa bà Tú lên thay ông Quốc.
Vì lý do này mà đến nay, nhiều cổ đông vẫn ủng hộ quan điểm bà Tú mới là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank. Họ cho rằng, Nghị quyết 231/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 15/5/2019 về việc chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 112 mà ông Lê Minh Quốc ký ban hành là không hợp pháp, bởi trước khi bước vào cuộc họp HĐQT Eximbank ngày 15/5/2019, bà Lương Thị Cẩm Tú (căn cứ theo quyết định của Tòa án) mới là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này (chứ không phải là ông Quốc), và nếu như vậy, Nghị quyết 231 đáng ra phải do bà Tú ký ban hành (?!).
Nghị quyết số 238 đưa ông Cao Xuân Ninh lên thay ông Lê Minh Quốc sau này, vì thế, cũng bị cho là không hợp pháp, hợp lệ.
Sẽ là không bất ngờ, nếu tại phiên họp HĐQT ngày mai (24/6), bà Lương Thị Cẩm Tú và các thành viên HĐQT Eximbank ủng hộ bà này làm Chủ tịch Eximbank không tham dự. Hẳn họ không muốn "việt vị", bởi nếu tham dự, đồng nghĩa họ đã thừa nhận tính hợp pháp của chiếc ghế Chủ tịch HĐQT mà ông Cao Xuân Ninh đang nắm giữ.
|
Ông Cao Xuân Ninh chủ tọa phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần 2 của Eximbank ngày 21/6/2019
|
Như VietTimes từng đề cập, ít ngày sau phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần 2 bất thành của Eximbank, ông Cao Xuân Ninh cũng đã có đơn xin từ chức.
Trong lá đơn gửi HĐQT đề ngày 26/6/2019, ông Cao Xuân Ninh cho biết mâu thuẫn, bất đồng giữa các nhóm cổ đông/cổ đông Eximbank chưa thể dung hòa. Vì vậy, ông đề nghị HĐQT chấp thuận cho từ chức Chủ tịch HĐQT để Eximbank tìm kiếm một Chủ tịch mới phù hợp, được toàn bộ Thành viên HĐQT nhất trí thông qua, nhằm giúp đưa Eximbank vượt qua khủng hoảng. Cùng ngày 26/6/2019, ông Ninh có giấy ủy quyền cho Phó Chủ tịch người Nhật Yasuhiro Saitoh.
Nhưng rồi, đến lúc này, ông Ninh vẫn là người giữ ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Lần này, cựu cán bộ Vietcombank lại thêm một lần đệ đơn từ nhiệm. Cùng chờ xem ông có được "trả ghế" (?!)...
Lưu ý, chỉ còn ít hôm nữa là tới hạn 30/6, thời điểm Eximbank dự kiến tổ chức hai phiên ĐHĐCĐ "liên hoàn", được dự báo là hết sức căng thẳng, thậm chí là bỏ ngỏ khả năng thành công./.