Theo đó, ngày 22/5/2019, HĐQT Eximbank đã thông qua Nghị quyết số 238/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bầu ông Cao Xuân Ninh thay thế cho ông Lê Minh Quốc giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (giai đoạn 2015 - 2020). Ngân hàng này cho biết ông Quốc đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT theo nguyện vọng cá nhân.
Cùng ngày, HĐQT Eximbank cũng thông qua Nghị quyết 239/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh – Phó Tổng Giám đốc thường trực - làm Quyền Tổng Giám đốc.
Ông Cao Xuân Ninh - tân Chủ tịch HĐQT Eximbank (bên trái) và ông Nguyễn Cảnh Vinh - Quyền Tổng Giám đốc Eximbank (bên phải)
|
Tân Chủ tịch HĐQT Eximbank - ông Cao Xuân Ninh - sinh năm 1962, có trình độ cử nhân chuyên ngành Tín dụng đối ngoại và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Ông Ninh đã có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã CK: VCB) như: Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Phòng Thanh toán Quốc tế, Phó giám đốc - Chi nhánh Vũng Tàu; Phó giám đốc - Chi nhánh Tp. HCM; Giám đốc - Chi nhánh Tiền Giang; Giám đốc - Chi nhánh Kỳ Đồng. Bên cạnh đó, ông cũng từng là Giám đốc Công ty tài chính Việt Nam tại Hồng Kông – VINAFICO; Phó Trưởng Văn phòng đại diện, Trưởng Văn phòng đại diện - Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại Tp.HCM.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Vinh - Quyền Tổng Giám đốc Eximbank - sinh năm 1974, tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây Dựng và thạc sỹ tại Đại học Latrobe (Australia). Ông Vinh có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và trải qua nhiều vị trí quản lý cao cấp tại các ngân hàng lớn tại Việt Nam.
Khép lại hay "châm ngòi"?
Cuộc chiến vương quyền xoay quanh chiếc “ghế” Chủ tịch HĐQT Eximbank bắt đầu từ cách đây ít tháng và đạt cao trào trong ít tuần trở lại đây.
Khởi đầu của những rối ren này xuất phát từ Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT (Nghị quyết số 112) của HĐQT Eximbank vào ngày 22/3/2019. Nghị quyết đã thông qua việc bầu bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế ông Lê Minh Quốc làm Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Không lâu sau đó, ông Quốc đã có đơn khởi kiện gửi Tòa án Nhân dân Tp. HCM đề nghị hủy Nghị quyết số 112. Sau khi thụ lý hồ sơ, Tòa án đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc nhóm 7 thành viên HĐQT và Eximbank phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112.
Dù vậy, các nỗ lực nhằm thay thế ông Lê Minh Quốc tại Eximbank vẫn được một số thành viên HĐQT Eximbank tiến hành.
Trong diễn biến mới đây, ngày 14/5/2019, Tòa án đã ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đề nghị của bà Đinh Thị Huyền Khanh - đại diện theo ủy quyền của ông Lê Minh Quốc. Mặc dù vậy, các tranh chấp xoay quanh chiếc “ghế” Chủ tịch HĐQT Eximbank vẫn tiếp tục “nóng”.
Bởi lẽ, ông Lê Minh Quốc đã ký ban hành Nghị quyết 231/2019/EIB/NQ-HĐQT (Nghị quyết 231 - đề ngày 15/5/2019), trong đó thông qua việc chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 112, với chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Tuy nhiên, trước khi bước vào cuộc họp HĐQT Eximbank ngày 15/5/2019, bà Lương Thị Cẩm Tú (căn cứ theo quyết định của Tòa án) đã là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này và nếu như vậy, Nghị quyết 231 đáng ra phải do bà Tú ký ban hành (?!). Đây là vấn đề mà một số nhóm cổ đông đã đặt ra cho về sự hợp pháp, hợp lệ của Nghị quyết 231.
Mặt khác, cũng bởi các tranh chấp liên quan đến vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank, hợp đồng lao động đối với ông Lê Văn Quyết đã không được gia hạn kịp thời. Điều này đã dẫn đến việc Eximbank đã “khuyết” vị trí CEO cho tới khi ông Nguyễn Cảnh Vinh được bầu giữ Quyền Tổng Giám đốc.
Một câu hỏi có lẽ nên đặt ra lúc này, là với quyết định vừa rồi (ông Cao Xuân Ninh lên làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Cảnh Vinh lên làm Quyền Tổng Giám đốc), liệu rằng cuộc chiến "vương quyền" ở Eximbank đã thực sự đi đến hồi kết. Hay nó sẽ lại "châm ngòi" cho một cuộc chiến mới (!?).
Thị trường chắc phải chờ thêm ít lâu để có thể trả lời câu hỏi này./.