EU cấp tập chuẩn bị đối phó với thuế dược phẩm của ông Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ sớm công bố mức thuế "lớn" đối với dược phẩm nhập khẩu dược phẩm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong bữa tối của Ủy ban Quốc hội Cộng hòa Quốc gia (NRCC) ở Washington, D.C., Mỹ vào ngày 8/4. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong bữa tối của Ủy ban Quốc hội Cộng hòa Quốc gia (NRCC) ở Washington, D.C., Mỹ vào ngày 8/4. Ảnh: Reuters.

Phát biểu tại một sự kiện tại Ủy ban Quốc hội Cộng hòa Quốc gia hôm 8/4, ông Trump cho biết mức thuế này sẽ khuyến khích các công ty dược phẩm chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ.

Dược phẩm là mặt hàng không nằm trong danh sách các mặt hàng bị áp thuế toàn diện mà ông Trump công bố vào tuần trước, tuy nhiên ông tuyên bố rằng sản phẩm này sẽ phải đối mặt với mức thuế riêng biệt.

Trong hôm thứ Ba, các công ty dược phẩm châu Âu, lo ngại về hậu quả của thuế quan, đã cảnh báo Ủy ban châu Âu tại một cuộc họp rằng mức thuế của ông Trump sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của ngành công nghiệp này khỏi châu Âu và hướng tới Mỹ.

Nhóm vận động hành lang thương mại dược phẩm EFPIA, bao gồm các công ty dược phẩm khổng lồ của châu Âu như Bayer, Novartis và Novo Nordisk, cho biết họ đã kêu gọi Chủ tịch EU Ursula von der Leyen thúc đẩy "hành động nhanh chóng và triệt để" để giảm thiểu "nguy cơ di cư" sang Mỹ.

EFPIA cho biết EU cần thay đổi khuôn khổ quản lý của mình đối với ngành công nghiệp này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự đổi mới và tăng cường các điều khoản về sở hữu trí tuệ của châu Âu.

Những yêu cầu này không phải là mới. EFPIA đã nhiều lần cảnh báo rằng ngành dược phẩm của châu Âu sẽ thua thiệt trước sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Mỹ, Trung Quốc và các thị trường mới nổi nếu EU không sửa đổi đề xuất cải tổ luật quản lý ngành này.

"Giờ đây, với sự bất ổn do mối đe dọa về thuế quan tạo ra, các công ty có rất ít động lực để đầu tư vào EU trong khi lại có động lực để chuyển đến Mỹ", tuyên bố của EFPIA cho biết.

Một tuyên bố từ ủy ban cho biết Novo Nordisk, Novartis, Fresenius, Sanofi, Bayer, Gedeon Richter và Ipsen Chiesi đều lên tiếng kêu gọi sự cải tổ ở châu Âu.

Ngoài ra, tuyên bố cho biết ngành công nghiệp này đã nêu "mối quan ngại lớn" về tác động rộng hơn của thuế quan của Mỹ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng sẵn có của thuốc ở châu Âu cũng như các rào cản pháp lý trong EU.

Ngành công nghiệp dược phẩm cũng kêu gọi "các thủ tục đơn giản hơn cho các thử nghiệm lâm sàng và số hóa hệ thống y tế châu Âu, cũng như bảo vệ sở hữu trí tuệ”.

"Họ thúc đẩy việc đưa ra các sáng kiến ​​một cách nhanh chóng và tham vọng...đặc biệt là Đạo luật Công nghệ sinh học của EU", tuyên bố nói thêm.

Nhóm vận động hành lang công nghệ sinh học Europabio, Liên đoàn Doanh nhân Dược phẩm châu Âu và nhóm thương mại thuốc gốc Medicines for Europe cũng tham dự cuộc họp.

Châu Âu và Mỹ có chuỗi cung ứng thuốc kết nối với nhau. Mỹ phụ thuộc vào các loại thuốc được sản xuất một phần tại châu Âu, mang lại hàng trăm tỷ USD doanh thu. Theo số liệu mới nhất của Eurostat, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm y tế và dược phẩm của EU sang Mỹ đạt khoảng 90 tỷ EURo (97,05 tỷ USD) vào năm 2023.

Các công ty dược phẩm lớn của châu Âu gần đây đã mở rộng các cơ sở sản xuất tại Mỹ. Mỹ là thị trường dược phẩm lớn nhất tính theo doanh số bán hàng của các công ty dược phẩm lớn, cả các công ty có trụ sở tại Mỹ và châu Âu.

Theo EFPIA, doanh số bán hàng tại Bắc Mỹ chiếm gần 50% doanh số bán dược phẩm trên toàn thế giới vào năm 2021, trong khi của châu Âu là khoảng 25%.

Theo CNA, Reuters