Sau thành công tại SEA Games 31 vừa qua khi mang về 4 tấm HCV cho Việt Nam - đứng đầu Đông Nam Á, eSports đang có cơ hội có mặt tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) xung quanh vấn đề này.
PV: Chúng tôi có thông tin nhiều khả năng eSports sẽ được đưa vào Đại hội Thể thao Toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Quảng Ninh?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Chính xác. Sau 2 lần tham gia SEA Games, eSports đã khẳng định vị thế số 1 khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, eSports đang được Ủy ban Olympic Quốc tế cân nhắc đưa vào nội dung thi đấu tại Thế vận hội thì việc bộ môn này có mặt tại các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc là hoàn toàn xứng đáng.
"Với những đóng góp cho thành tích của thể thao Việt Nam cũng như sự kỳ vọng của người hâm mộ, đội ngũ HLV, VĐV thì eSports xứng đáng có mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất của đất nước", ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch VIRESA. Ảnh AT |
Đại hội dự kiến thi đấu 40 môn, chủ yếu là các môn thể thao thành tích cao với sự tham dự của 65 đoàn, 8.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và 1.600 trọng tài.
PV: Xin ông nói cụ thể hơn?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Đại hội thể thao toàn quốc sẽ tổ chức khoảng 40 môn thể thao, gồm có các nhóm môn và môn thể thao Olympic (22 môn), ASIAD (7 môn), SEA Games (3 môn) và các môn thể thao dân tộc (7 môn), môn thể thao giải trí (1 môn-dù lượn). eSports sẽ được đề nghị trong nhóm môn thi đấu ASIAD.
Tại Asian Games 2022, sẽ có 10 bộ môn eSports được đưa vào thi đấu, trong đó bao gồm 8 nội dung tính huy chương và 2 môn thể thao biểu diễn (bao gồm AESF Robot và AESF VR Sports). Asian Games 2018 diễn ra tại Indonesia, lần đầu tiên 6 môn thể thao điện tử là Arena of Valor (Liên Quân Mobile), Clash Royale, Hearthstone, League of Legends (LMHT), Pro Evolution Soccer (PES) 2018 và StarCraft II.
Các đội tuyển eSports của chúng ta đều rất mạnh. Ảnh TA. |
Thể thao điện tử nằm ở nhóm môn thể thao trí tuệ với Cờ vua - Cờ tướng - Cờ vây vốn là thế mạnh của Việt Nam. Với những đóng góp cho thành tích của thể thao Việt Nam cũng như sự kỳ vọng của người hâm mộ, đội ngũ HLV, VĐV thì eSports xứng đáng có mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất của đất nước.
PV: Chúng ta sẽ nói một chút về công tác tổ chức thi đấu eSports. Bạn bè khu vực Đông Nam Á rất ngạc nhiên khi Việt Nam tổ chức thành công và rất ấn tượng môn thể thao này tại SEA Games 31.
Ông Nguyễn Xuân Cường: VIRESA đã lên một kế hoạch rất sớm, chi tiết công tác tổ chức, truyền thông và ăn ở đi lại cho 10 đoàn thể thao ASEAN tham dự SEA Games 31, tất cả đều miễn phí. 5 sân khấu lớn phục vụ thi đấu được đặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình có 5 tổng đài khống chế để hình ảnh được truyền đi khắp thế giới.
VIRESA đã huy động một bộ máy phục vụ hậu cần khổng lồ lên đến gần 700 người bao gồm các tình nguyện viên hậu cần, y tế, giao thông, hỗ trợ kỹ thuật…Kinh phí tổ chức cho một kỳ SEA Games như các bạn vừa thấy lên đến 2,5 triệu USD, hoàn toàn từ bằng nguồn xã hội hóa.
Mỗi trận đấu eSoprt tại SEA Games 31 có tới 16 camera (gấp đôi bóng đá) và cùng lúc có thể đảm bảo cho 4-5 triệu người xem online. Thực tế có những trận đấu có hơn 2 triệu người xem nhưng chất lượng hình ảnh vẫn đảm bảo đạt chuẩn quốc tế. Các quan chức ASEAN có mặt dự khán các trận đấu đều tỏ sự hài lòng về công tác điều hành, tổ chức. Không phải đơn giản để VIRESA được Ủy ban Olympic Campuchia mời hợp tác, hỗ trợ tổ chức SEA Games 32.
PV: Ông có thể "bật mí" công tác nhân sự, kinh phí tổ chức SEA Games 31?
Ông Nguyễn Xuân Cường: VIRESA đã huy động một bộ máy phục vụ hậu cần khổng lồ lên đến gần 700 người, bao gồm các tình nguyện viên hậu cần, y tế, giao thông, hỗ trợ kỹ thuật… Kinh phí tổ chức cho một kỳ SEA Games như các bạn vừa thấy lên đến 2,5 triệu USD, hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa. VIRESA quyết tâm để bạn bè quốc tế thấy năng lực, trình độ tổ chức của Việt Nam không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào trong khu vực và tiệm cận châu lục. Liên đoàn Thể thao Điện tử Châu Á (AESF) và Liên đoàn Thể thao Điện tử Quốc tế (IESF) có trụ sở chính tại Hàn Quốc đều đánh giá rất cao Việt Nam.
Cơ hội để eSports phát triển. Ảnh TA. |
PV: Điều này cho thấy chúng ta sẽ tổ chức thành công eSports tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Khó nhất là khâu trọng tài điều hành, mấu chốt quan trọng để đảm bảo sự thành công. Để chuẩn bị cho SEA Games 31, vừa qua VIRESA chúng ta đã chủ động mời các giảng viên của IESF (thành lập năm 2008) sang đào tạo các trọng tài quốc tế. Thực tế, điều hành SEA Games 31 có 63 trọng tài thì 57 người của Việt Nam, như thế chúng ta đủ trọng tài để điều hành tốt các môn eSports tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9.
Đến giờ có thể khẳng định sau SEA Games 31, eSports Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng, khẳng định vị thế riêng của mình.
PV: VIRESA đang chuẩn hóa đội ngũ trọng tài, HLV, VĐV môn thể thao mới mẻ và đầy tiềm năng này?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Chính xác. VIRESA được thành lập theo Quyết định số 42/QĐ-BNV ngày 13 tháng 01 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Kể từ khi thành lập đến nay, VIRESA đã thực hiện nhiệm vụ định hướng, tổ chức, phát triển các môn thể thao điện tử và vũ đạo thể thao, giải trí theo đúng tính chất là các môn thể thao, từ đó tạo thành một sân chơi lành mạnh cũng như môi trường giúp những người yêu thích đam mê môn thể thao này cọ xát thi đấu và giải trí, tạo phong trào thể thao điện tử giải trí Việt Nam ngày càng phát triển, bám sát định hướng và chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam.
Nhiều trường đại học của Mỹ đã cấp học bổng toàn phần cho các VĐV Việt Nam… một tín hiệu mừng cho eSports Việt Nam với một cộng đồng khoảng 30 triệu người chơi. Ảnh TA. |
Nhờ việc chuẩn hóa đội ngũ trọng tài, HLV, VĐV eSports nên có nhiều tuyển thủ có thành tích tốt tại SEA Games 31 vừa qua đã được các CLB Thái Lan, Hàn Quốc mời sang thi đấu. Nhiều trường đại học của Mỹ đã cấp học bổng toàn phần cho các VĐV Việt Nam… một tín hiệu mừng cho eSports Việt Nam với một cộng đồng khoảng 30 triệu người chơi.
PV: Câu hỏi cuối cùng, ở SEA Games 31 vừa qua chỉ có 8 bộ môn với 10 nội dung thi đấu eSports. Ông có thể giải thích thêm về những con số này?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Một câu hỏi khá hay, đúng là đến nay IESF đã lựa chọn và ra quyết định công nhận khoảng 50 nội dung eSports để phổ biến cho 88 thành viên. VIRESA lại nghiên cứu và thấy rằng có 16 nội dung eSports phù hợp với văn hóa, đặc điểm riêng của Việt Nam.
Theo quy định của luật pháp, hiện mới có 12 game có nhà phát hành tại Việt Nam có thể đưa vào nội dung tập luyện và tổ chức thi đấu. Nhưng đến khi khảo sát, đánh giá đến nay VIRESA chỉ mới đưa 8 bộ môn vào việc quảng bá, thi đấu. Nói thế để biết, để đưa 1 môn eSports được công nhận phải trải qua quá trình đánh giá khắt khe, mất vài năm. Từng quốc gia lại có bộ tiêu chí đánh giá riêng khác nhau để phát triển môn thể thao mới mẻ và đầy tiềm năng này.
PV: Xin cám ơn ông và chúc eSports ngày càng phát triển!