DxTalks: Nông nghiệp xanh nên được xem là chi phí hay khoản đầu tư?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tư vào các biện pháp và công nghệ xanh thường được coi là một thách thức về chi phí trong ngắn hạn. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đó chính là một cơ hội đầu tư.

Chủ đề này đã được thảo luận trong chương trình DxTalks - “Net Zero và Hành trình chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp Việt Nam”, với sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số VIDA; Thạc sĩ Vương Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường và ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Tư vấn Phát triển bền vững FPT Digital.

Video DxTalks chủ đề "Net Zero và Hành trình chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp Việt Nam"

Ông Vương Xuân Hòa cho biết nông nghiệp là ngành chịu tác động lớn của môi trường, đồng thời cũng là một trong những lĩnh vực gây phát thải lớn.

Một mặt, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, bão lũ ngày càng phổ biến hơn, làm suy giảm sản lượng nông sản và gây tổn thất lớn cho nền nông nghiệp. Biến đổi khí hậu cũng đe dọa sự đa dạng sinh học, sự phát triển của các loài cây trồng và vật nuôi.

Ở chiều ngược lại, nông nghiệp cũng là lĩnh vực gây phát thải lớn, đóng góp 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn thế giới. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nguồn phát thải từ sản xuất và sử dụng phân bón đóng góp khoảng 10-12% tổng lượng khí N2O (nitơ oxit) thải ra vào không khí.

Với những thách thức đó, nghiên cứu và triển khai các phương pháp nông nghiệp bền vững đang trở thành mục tiêu cấp thiết. Các biện pháp như canh tác hữu cơ, sử dụng năng lượng tái tạo, và quản lý tài nguyên tự nhiên hiệu quả có thể giúp giảm thiểu tác động của nông nghiệp đến biến đổi khí hậu và ngược lại.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng đề cập đến khái niệm Kinh tế xanh, một hệ thống kinh tế được thiết kế và thực hiện nhằm mục tiêu tối ưu hóa sự phát triển kinh tế cùng với bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Định nghĩa của Liên hợp quốc về kinh tế xanh là "một nền kinh tế mà trong đó việc tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu phát thải và ô nhiễm đã được tích hợp vào mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh và chính sách công, cùng với việc tạo ra cơ hội việc làm và bảo vệ sự bền vững của môi trường".

dxtalks e3-2-2.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tùng cho biết đã có những chuyển dịch chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế xanh, nền nông nghiệp xanh tại Việt Nam. (Ảnh: FPT Digital)

Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế xanh đồng nghĩa với việc cân bằng tỉ lệ carbon trong quá trình tạo ra hàng hóa nông nghiệp, ông Tùng nói. Bên cạnh đó, ông cho rằng doanh nghiệp cũng cần cân bằng được lực lượng lao động, chi phí đầu vào, chi phí đầu ra của quá trình sản xuất hàng hóa nông sản. Và cuối cùng, đảm bảo được quy trình sản xuất đầu cuối minh bạch.

Việt Nam có nhiều lý do để theo đuổi nền kinh tế nông nghiệp xanh

Đầu tiên, theo chuyên gia tư vấn phát triển bền vững Nguyễn Tuấn Anh, người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Theo một nghiên cứu của Nielsen, 66% người tiêu dùng trên toàn cầu và 64% người tiêu dùng tại châu Á cho biết họ sẵn lòng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có nguồn gốc và quy trình sản xuất xanh.

Nghiên cứu của McKinsey chỉ ra người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra từ hơn 10 - 20% chi phí cho những sản phẩm được chứng nhận xanh trên thị trường. Người tiêu dùng là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển dịch, ông Tuấn Anh cho biết.

Thứ hai, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với việc đẩy mạnh sự tham gia của các quốc gia và doanh nghiệp. Tín chỉ carbon được sinh ra trong hoạt động nông nghiệp có thể mang bán trên thị trường với giá khoảng 5 USD trên một tín chỉ carbon, thậm chí là 25 - 30 USD với một số thị trường đặc thù. Đây là nguồn lực rất là tốt để tái đầu tư, cùng thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải của chính doanh nghiệp.

Cuối cùng, Các quy định về kiểm kê khí nhà kính đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt trên toàn cầu. CBAM (Carbon Border Adjustment Mechanism) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon do EU ban hành là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Việc CBAM ra đời tác động trực tiếp đến 6 ngành công nghiệp tại nước ta bao gồm: xi măng, điện, sắt & thép, nhôm, phân bón, hydro; và tác động gián tiếp đến hàng chục ngành khác. Với việc là một trong những ngành gây phát thải lớn, "chắc chắn trong tương lai những cái mặt hàng nông nghiệp này nó sẽ thuộc cái phạm vi điều chỉnh của CBAM", ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

dxtalks e3-2-3.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Anh nhận định không sớm thì muộn, nông nghiệp sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của cơ chế CBAM. (ảnh FPT Digital)

Trong ngắn hạn, đầu tư vào các biện pháp và công nghệ xanh trong nông nghiệp được coi là chi phí do đòi hỏi khoản chi tiêu đáng kể nhằm cải thiện hạ tầng, mua sắm thiết bị và công nghệ mới, huấn luyện nhân viên, cũng như thực hiện các biện pháp điều chỉnh hoạt động sản xuất hiện tại.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, các doanh nghiệp có thể nhận thấy rằng đây là một khoản đầu tư lâu dài cho sự thịnh vượng trong tương lai của họ, ví dụ như sự thích ứng với các yêu cầu của thị trường và quy định pháp lý ngày càng nghiêm ngặt. Điều này có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường, từ đó duy trì và phát triển thị phần trong tương lai.

Hơn nữa, bằng cách cải thiện hạ tầng và áp dụng các công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp có thể tăng cường hiệu suất sản xuất và giảm thiểu lượng tài nguyên sử dụng, giúp giảm chi phí vận hành và tăng cường hiệu quả kinh doanh trong dài hạn.

FPT Digital là công ty tư vấn chiến lược hàng đầu Việt Nam, là đối tác đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp trong chuyển đổi kép Số và Xanh như xây dựng chiến lược, lộ trình và triển khai chuyển đổi đạt hiệu quả toàn diện hướng tới phát triển bền vững.

DxTalks là chuỗi talkshow chia sẻ những câu chuyện thực tế về Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh từ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế. Nội dung tập trung trao đổi về quá trình tiếp cận các nền tảng tổng quan để xây dựng lộ trình Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh hướng tới Phát triển bền vững. Theo dõi toàn bộ các tập DxTalks tại đây.