|
Các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi lắp thêm thiết bị định vị, chống trộm vào xe của các con |
Xe thông minh quản lý con
Con vào cấp 3 muốn tự đi học, chị Vũ Ngọc Anh (Đội Cấn, Hà Nội) sắm cho con chiếc xe đạp điện, một phần để con tự lập, một phần vì chị bận việc không đưa đón được. Để yên tâm, chị thuê thợ lắp bộ chống trộm, định vị để quản lý con tốt hơn. Theo đó, chỉ cần qua điện thoại là chị biết con chị đi đâu, đến lớp có đúng giờ không, có la cà chơi bời quán xá hay không. Tuy nhiên không hiểu vì ý do gì mà xe con chị đi rất nhanh hỏng, vài bữa lại phải đi sửa. Tìm hiểu ra chị mới biết nguyên nhân lại là do thiết bị chống trộm, định vị.
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, nếu lắp thiết bị chống trộm thông minh trên xe máy không rõ nguồn gốc sẽ khiến xe bị hư hại và dễ cháy nổ. Đa số người tiêu dùng ít quan tâm về chất lượng của thiết bị chống trộm hoặc ít có hiểu biết về mặt hàng này mà chỉ nghe theo lời giới thiệu của phía bán hàng. Đồ công nghệ mà giá rẻ, rất dễ là đồ rởm.
Thông thường xe gắn thiết bị chống trộm thường bị chập điện làm hư hệ thống dây điện khiến xe không hoạt động. Nặng hơn có thể xe bị cháy, nổ do chập điện. Lỗi này thường do các sản phẩm kém chất lượng, gắn thiết bị không đúng kỹ thuật làm chập mạch điện gây cháy hệ thống dây điện. Nếu điện bị chập, tia lửa điện ở gần bình xăng hoặc các ống dẫn xăng sẽ làm xe bốc cháy đối với xe chạy xăng. Thiết bị chống trộm sẽ dễ xung đột với các thiết bị điện trong xe điện. Vì vậy để đảm bảo an toàn khi gắn thiết bị chống trộm, người dùng nên yêu cầu kỹ thuật viên chú ý đến vấn đề rò rỉ điện. Chủ xe nên yêu cầu nhân viên đóng kín hộp thiết bị để tránh bị dính nước và gây rò rỉ điện.
Dùng thiết bị thông minh đúng cách
Các thiết bị chống trộm, định vị được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ xe máy, tuy nhiên nếu không chọn đúng thiết bị và lắp sai cách thì còn có thể xảy ra tình trạng hỏng hóc hoặc cháy xe. Để tránh các rủi ro khi lắp thiết bị định vị, chống trộm, theo KS Nguyễn Huy Bạo, không nên dùng các thiết bị tự chế hoặc được bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc xuất xứ vì rất khó kiểm chứng được tính an toàn của sản phẩm cũng như độ ổn định khi vận hành. Thông thường sản phẩm chất lượng luôn có tờ hướng dẫn sử dụng được in sắc nét, rõ ràng nội dung xuất xứ. Sản phẩm phải thể hiện các tiêu chuẩn sản xuất và chứng nhận hợp quy. Sản phẩm luôn có thời gian bảo hành dài, các điều khoản bảo hành, chế độ hậu mãi rõ ràng. Thông tin ngày tháng trên sản phẩm luôn được in sắc nét. Chất lượng của dây điện phải tốt.
Theo bà Lê Thị Túy, chuyên gia tâm lý Trung tâm giáo dục kỹ năng sống, có một vấn đề cha mẹ cần lưu tâm khi kiếm soát con cái bằng lắp thiết bị định vị, chống trộm là phải cho con biết mình đã lắp thiết bị đó trên xe. Không nên để con có cảm giác bị theo dõi, kiểm soát, dẫn đến những hành vi đối phó, đáp trả mà hãy chia sẻ tác dụng của việc lắp thiết bị này với con. Với mục đích để cha mẹ có thể yên tâm hơn, biết rõ thông tin về con hơn. Không mạt sát, đay nghiến nếu phát hiện trẻ đi chơi chỗ này chỗ khác, mà phải chia sẻ, lắng nghe suy nghĩ, mong muốn của con, từ đó có cách quản lý hiệu quả hơn.
“Rèn cho con ý thức tự giác, tự biết mình cần phải làm gì, tốt hơn nhiều việc kiểm soát một cách cơ học. Công nghệ giúp cho việc quản lý tốt hơn, nhưng giáo dục mới là cốt lõi”, bà Lê Thị Túy khuyên.
Theo các chuyên gia, trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ tích hợp Internet làm cho chiếc xe điện thông minh hơn. Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ này và thời gian tới sẽ phát triển mạnh trên những chiếc xe điện tại Việt Nam. Khi đó, xe có những tính năng như quản lý điện năng, định vị, chống trộm, điều khiển từ xa, kiểm tra tình trạng xe, cảnh báo an toàn, hay gửi thông báo khẩn cấp trong trường hợp chủ xe bị tai nạn... |
https://khoahocdoisong.vn/dung-ruoc-hoa-vi-thiet-bi-chong-trom-dinh-vi-110500.html