Cớ sự thế này: Vợ chồng bà L. đem khách sạn L.T thế chấp, vay ngân hàng 6,9 tỉ đồng, đến nay mới trả được 200 triệu đồng tiền gốc và dư nợ đã lên gần 14,7 tỉ đồng. Ngân hàng kiện ra tòa, tòa phán vợ chồng bà L. phải trả đủ tiền gốc và lãi cho chủ nợ. Bị đơn không thực hiện nên bị cưỡng chế. Để chống cưỡng chế, bà L. mang quan tài đến ngân hàng gây áp lực.
Việc ăn vạ bằng quan tài nói trên đã gây mất trật tự xã hội, tắc nghẽn giao thông. Trong giao dịch tín dụng nói trên, cho dù bà L. có đúng đi nữa cũng không ai đồng tình với cách hành xử như vậy.
Thực tế, chiếc quan tài đã bị lạm dụng trong các vụ tranh chấp dân sự gần đây. Bị tử vong do té cống, người nhà nạn nhân đưa hòm đến trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ (Thanh Hóa); giá đền bù đất không thỏa đáng, mặc đồ tang và đưa quan tài lên đường cao tốc ngăn cản thi công (Quảng Nam); đòi nợ không được, mua vòng hoa và quan tài đến đặt trước nhà con nợ (Hải Dương); tranh chấp đất, một đại gia đem hòm đến công trình để đe dọa (Cà Mau)… Rất nhiều vụ như thế, ở nhiều nơi, từ chỗ là đồ mai táng dành cho người chết, cỗ quan tài trở thành “vũ khí” của nhiều người.
Dưới góc độ quản lý xã hội, không thể chấp nhận những hành động như vậy. Theo pháp luật hình sự hiện nay, hành vi đưa quan tài gây sức ép có dấu hiệu của tội “Gây rối trật tự công cộng”, thậm chí tội “Khủng bố”. Về hành chính, có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến tối đa 5 triệu đồng.
Cách ngăn chặn, chế tài hữu hiệu nhất vẫn là luật pháp nhưng thực ra, ngay cả những người gây sức ép bằng quan tài kể trên làm vậy là vì cực chẳng đã, đâu có ai muốn phạm luật. Họ phải rơi vào một hoàn cảnh rất gay go nào đó mới hành xử như thế. Có thể do bế tắc vì nợ nần nên làm bừa (như vụ bà chủ khách sạn L.T) hoặc bởi quá tức tối đành ra tay cho hả dạ (như vụ đòi nợ ở Hải Dương, vụ giành đất ở Cà Mau). Có trường hợp nhận thấy “vũ khí quan tài” có tác dụng nhất định nên dùng tới nó, như vụ giải tỏa làm đường cao tốc ở Quảng Nam (đơn vị thực hiện đền bù sau đó đã nhận sai, tính toán lại).
Như vậy, dẫn tới cái sai của họ có phần do cái sai của cơ quan chức trách và kẽ hở trong hệ thống pháp lý. Và làm sai nhưng chẳng sao nên không ai sợ, người này làm được thì người khác cũng làm được.
Trong một xã hội có tổ chức, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Mọi tranh chấp dân sự được giải quyết bằng pháp luật chứ không thể tùy tiện, cụ thể là tất cả các trường hợp “khủng bố tinh thần” bằng quan tài đều là hành vi sai trái. Dù vậy, cần ngăn chặn sự việc từ gốc, đó là phòng ngừa khả năng nảy sinh mầm mống tranh chấp. Chính các nhà chức trách phải có nhiệm vụ can dự vào phần việc này, đừng để người dân đơn độc, bị dồn vào chân tường, sinh bức xúc đến mức nay dùng quan tài, mai mốt dùng thứ khác nguy hiểm hơn để “nói chuyện” thì sẽ tai hại vô cùng!
Theo NLĐ