Mặc dù kinh tế Nga đang lao đao và quân đội nước này đang gia tăng can dự vào Syria và Ukraine, các tư lệnh NATO, chính phủ và chuyên gia phương Tây vẫn lo ngại tổng thống Nga Vladimir Putin chưa dừng phiêu lưu và mục tiêu tiềm tàng có thể là các nước Baltic.
Theo tác giả Stephen Blank viết trên trang Atlantic Council, Nga có nhiều lợi thế tại khu vực Baltic. Tình trạng người Nga tại khu vực này, đặc biệt ở Estonia và Latvia có cộng đồng người Nga rất lớn. Cơ quan an ninh liên bang Nga cũng dành sự chú ý lớn nhằm tuyển mộ các doanh nhân, chính khách và các cựu quan chức những nước này.
Tình báo Nga thâm nhập vào các quốc gia trên ở cấp cao vào có ảnh hưởng trong giới truyền thông. Và Nga cũng thống trị vấn đề cung cấp năng lượng và điện do các quốc gia vùng Baltic và có thể sẽ không ngần ngại sử dụng vũ khí này để gây ảnh hưởng.
Hơn thế, các lực lượng quy ước và hạt nhân của Nga triển khai trên toàn bộ khu vực Baltic. Từ thành trì ở vùng lãnh thổ Kaliningrad, Nga có thể phóng chiếu quyền lực không chỉ tại biển Baltic mà còn vươn tới Ba Lan và thậm chí cả Đức.
Theo đánh giá chung, Nga có sự áp đảo về các lực lượng thông thường đối với NATO. Các chỉ huy NATO công khai hoặc riêng tư thừa nhận rằng với sức mạnh năng lực quân sự Nga trên bộ, trên không và trên biển, NATO sẽ phải chịu những tổn thất khổng lồ trong bất cứ nỗ lực nào để bảo vệ các nước Baltic khi bị tấn công. Và một số người Nga đào tẩu sang NATO cũng như tình báo phương Tây được truyền thông trích dẫn đều cho rằng khá dễ dàng với Nga để phát động một cuộc xâm chiếm trong khi thực hiện một trong “các cuộc tập trận chớp nhoáng” mà Mỹ không thể phát hiện kịp thời.
Bất chấp NATO tăng cường hoạt động kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Wales 2014, thực tế ngày nay Mỹ có ít quân tại châu Âu hơn lực lượng cảnh sát tại New York (chỉ có khoảng 30.000 quân so với 300.000 thời Chiến tranh Lạnh). Theo ông Blank, việc NATO triển khai lực lượng và tăng chi tiêu quân sự có thể góp phần nâng cấp đáng kể năng lực quân sự nhằm ít nhất trì hoãn một cuộc xâm lấn của Nga.
Blank cho rằng, một mục tiêu chính của Nga hiển nhiên là phá hoại khả năng phòng vệ của các nước Baltic trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và cuối cùng là phá vỡ mối liên kết của cộng đồng châu Âu hợp nhất trong khối EU và trong NATO, cũng như lòng tin của người dân Baltic đối với hai thiết chế này.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, người ta có thể chứng kiến nhiều hơn những phát ngôn và các cuộc tập trận liên quan máy bay ném bom tầm xa của Nga, các tàu ngầm và vũ khí hạt nhân nhắm vào Mỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Anh và các nước Baltic, cũng như phát biểu công khai về việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Kaliningrad.
Theo Blank tưởng tượng, trong khi tất cả các hoạt động chính trị và tình báo đang diễn ra, các chiến dịch phi quân sự có thể gia tăng căng thẳng dẫn tới đình công, biểu tình và thậm chí bạo loạn. Nó có thể bao gồm việc khích động một sự cố trực tiếp nhằm vào người Nga để chứng minh rằng các nước Baltic mất kiểm soát, do đó tạo cớ để Nga can thiệp.
Blank còn phác họa một kịch bản rất rộng có khả năng hiện thực, bao gồm sử dụng tất cả các biện pháp chiến tranh điện tử và chiến tranh thông tin. Kịch bản khá nữa là Nga sử dụng các cuộc tập trận chớp nhoáng, phối hợp lực lượng tác chiến để phong tỏa Baltic và chiếm giữ lãnh thổ.
Blank nhận định điều căn cốt là toàn bộ chiến lược của Nga không đặt lựa chọn quân sự lên đầu tiên. Công cụ này sẽ chỉ được sử dụng sau một giai đoạn dài gây áp lực phi quân sự ồ ạt, nhằm đánh quỵ sự kháng cự bên trong mà Ukraine là một minh chứng rõ nét.
Nếu như lãnh đạo ở Trung và Đông Âu thất bại do tham nhũng, lật đổ hoặc đổ vỡ về kinh tế và chính trị, Nga sẽ dễ dàng hơn trong việc đạt được mục đích chỉ với một lực lượng quân sự nhỏ.
T.N