|
ĐBQH Cao Sĩ Kiêm trả lời báo chí (Ảnh Hồng Chuyên) |
Thưa ông, trong khi tình hình ngân sách đang rất khó khăn, nhưng các địa phương đua nhau xin xây trụ sở hàng nghìn tỉ đồng. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Nói chung ngân sách hiện nay, kể cả ngân sách trung ương và địa phương đều rất khó khăn. Những yếu tố thu đang giảm đi, yếu tố chi tăng lên. Tăng lên chủ yếu là ở khâu quản lý. Tinh thần chung là rất hạn chế việc mua sắm, xây dựng, tăng chi cho ngân sách nhà nước. Đấy là chủ trương nhất quán mà tất cả các ngành, các địa phương cần phải thực hiện.
Riêng ở Hải Phòng và Khánh Hòa, tôi chưa biết, nguồn đó lấy ở đâu.
Thưa ông, dự án của Hải Phòng có tổng vốn gần 10.000 tỉ thì Ngân sách Trung ương sẽ phải chịu hơn 6.000 tỉ?
Nếu chi ngân sách Trung ương thì rất khó khăn. Khánh Hòa và Hải Phòng thì tôi biết.
Đây là thành phố tiếp quản, phần lớn, các cơ sở ban ngành của Hải Phòng phần lớn lấy nhà tư nhân ra để làm trụ sở. Tôi đã vào Sở Tài chính. Đường đi cứ ngoằn nghoèo, chỗ bậc thang lên, chỗ bậc thang xuống, lem nhem lắm. Có thể đấy là địa phương có đặc điểm riêng. Với lại địa phương là tự lo ngân sách.
Thứ 2, chính sách nhà nước chấp nhận, so với mặt bằng chung có thể có vài công trình. Tinh thần chung là phải tiết kiệm.
Nhưng trong tình hình nợ công tăng cao như hiện nay, việc xây dựng có nên không, thưa ông?
Theo tôi, trong lúc này là chưa. Vì ngân sách chúng ta đang khó khăn, lại đi vay để xây dựng, ăn tiêu, nó làm cho nền kinh tế yếu đi. Sự thực mà nói thì ít nước dùng như vậy.
Nhưng nếu địa phương nào mà tự chủ về ngân sách thì sao, thưa ông?
Nếu địa phương nào tự chủ được ngân sách, thì khuyến khích những người tích cực chứ nếu cứ trông chờ vào nhà nước thì không được.
Thưa ông, mới đây, Khánh Hòa đề xuất xây trụ sở với phương thức đổi đất lấy công trình (BT). Cho doanh nghiệp đất 2 bên đường. Ông đánh giá thế nào về biện pháp này?
Tôi có kinh nghiệm điều này. Cái này là biện pháp tốt. Nhưng khi quy hoạch có một số tỉnh, đổi đất lấy trụ sở ví dụ như bán trụ sở cũ ở trung tâm đô thị, lấy tiền xây cái khác. Nhưng nói vậy chứ không có đâu.
Tôi để ý, một số nơi xây dựng dựng xong chỗ mới, chỗ cũ lại bành trướng, giữ lại, rất lãng phí. Thứ 2, họ bỏ không có người ở khiến xuống cấp, hư hỏng. Phải chú ý điều người ta hứa.
Chú ý cân đối, quy hoạch có những yếu tố không rõ ràng, không minh bạch là như vậy.
Vậy theo ông, giải pháp nào để có thể giải quyết được vấn đề “đua nhau” xây trụ sở như hiện nay?
Theo các nước tiên tiến có thể quy hoạch lại để giảm bớt chi phí. Tăng hiệu suất, hiệu quả, hoạt động của các cơ quan công quyền, phục vụ dân tốt hơn. Chúng ta phải cân đối vào ngân sách. Lâu dài có thể tiến hành như vậy.
Trước mắt, nhất là trong lúc này, nợ công của chúng ta đang đe dọa vọt lên, bội chi ngân sách tăng lên. Chúng ta phấn đấu mãi mới được 4,9% tỉ lệ bội chi ngân sách, giờ trên 5% rồi. Tôi cho rằng 5% chưa chắc đã được, nếu hạch toán tất cả vào. Cho nên cần phải thắt lưng buộc bụng, phải có chủ động trước, chứ không để xảy ra như các nước, mình giải quyết không kịp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Infonet