Đáng chú ý, theo thông tin UBND TP Hải Phòng xin đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu Trung tâm hành chính, chính trị TP Hải Phòng nằm ở phía Bắc sông Cấm, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, đang được các bộ, ngành xem xét, thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định.
Dự án có tổng mức đầu tư 9.894.597 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 6.854.939 triệu đồng, ngân sách Thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác là 3.039.658 triệu đồng.
Có lẽ đây là con số lớn nhất từ trước đến nay về dự án trụ sở nghìn tỉ, gần 10 nghìn tỉ.
Về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội chiều 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã chia sẻ quan điểm cùng báo giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trả lời báo chí. |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tinh thần chung trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay và những năm tới là phải tiết kiệm triệt để. Một số địa phương vừa qua đã xây hoặc chủ trương xây dựng trụ sở hành chính cấp tỉnh mới trên tinh thần tự cân đối ngân sách địa phương. Việc này còn tùy thuộc vào từng địa phương họ cân đối ngân sách như thế nào. Song tôi hoan nghênh một số địa phương chủ trương làm rất tốt, chẳng hạn tỉnh Bình Dương ngân sách địa phương khá dồi dào nhưng thay vì xây trụ sở mới họ đã lo các vấn đề cho dân trước như đầu tư vào nông thôn, trường học, bệnh viện trước rồi mới đến đô thị.
Trước câu hỏi về việc TP Hải Phòng vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án xây dựng trung tâm hành chính - chính trị tỉnh với mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nhưng trong đó gần 7.000 tỷ đồng là xin ngân sách Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: “Muốn xây dựng trụ sở hay bất cứ công trình gì thì điều quan trọng nhất là địa phương phải cân đối được nguồn. Nghĩa là địa phương, bộ ngành phải cân đối được nguồn đảm bảo thì mới được xây dựng, kể cả nguồn trung ương phải được trung ương đồng ý thì mới quyết định được”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng giải thích rõ: Luật Đầu tư công hiện hành quy định rõ nguyên tắc như vậy, không có chuyện địa phương quyết định rồi trung ương phải chi đầu tư mà phải thực hiện theo nguyên tắc đó. Trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công thì Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu (năm 2011) cũng đã quy định điều này rất chặt. Thậm chí nếu có sử dụng vốn ngân sách trung ương nhiều thì dự án phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định cả tổng mức đầu tư dự án. Sau khi thẩm định, nếu trung ương đồng ý cấp cho phần chênh lệch thì mới được làm, kể cả các tỉnh nghèo đều phải làm theo nguyên tắc này.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất rõ điều này, trong đó tinh thần là chỉ đạo phải tập trung nguồn để đầu tư và thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Lần này cân đối ngân sách cũng đưa nguyên tắc đó vào, thậm chí Chính phủ còn đề xuất mạnh mẽ hơn là phải thanh toán xong nợ mới được bố trí vốn để đầu tư trụ sở mới, kể cả nguồn địa phương tự cân đối được.
“Bây giờ không có cách gì khác là phải tiết kiệm, không chỉ là việc xây trụ sở mà còn nhiều khoản chi khác. Chính phủ cũng có bàn đến việc xây dựng trụ sở các địa phương và yêu cầu lập quy hoạch để quản lý”- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chia sẻ.
Theo Infonet