“Liều thuốc” của tấm lòng
Đều đặn mỗi ngày 2 buổi, sáng từ 10-12h, chiều từ 15-17h, các nghệ sỹ và sinh viên ở Học viện âm nhạc quốc gia, Trung tâm âm nhạc tại Hà Nội thay nhau đến biểu diễn tiếng đàn lại được ngân vang… Những bài ca đi cùng năm tháng, những giai điệu dân ca, nhạc giao hưởng… và nhạc theo yêu cầu của chính bệnh nhân được các nghệ sỹ hết lòng trình tấu làm ấm lòng bệnh nhân đang bị đớn đau hành hạ.
Sáu tháng nay hàng ngày có tới trăm bệnh nhân kéo nhau đến để món ăn tinh thần ngấm vào mình làm vơi đi bao nỗi buồn đau khơi dậy sự mạnh mẽ tin tưởng hơn vào sự chiến thắng của y học với bệnh tật. Bệnh nhân, người thì tự chống nạng đi đến, người phải nhờ người thân đẩy xe tới để thưởng thức.
Không chỉ có vậy, để giúp các bệnh nhân không thể đi lại, trên khắp các hành lang và trong buồng bệnh, những bản nhạc du dương, tha thiết được ngân lên…
Việc sử dụng âm nhạc trong bệnh viện là một việc làm với mục đích xây dựng môi trường bệnh viện văn hóa thương yêu đậm tính nhân văn.
Vì âm nhạc không chỉ giúp cho người bệnh bớt lo âu, mà còn tạo cho các nhân viên y tế có một môi trường văn hóa, giúp họ bớt căng thẳng trong quá trình làm việc…
Âm nhạc không chỉ giúp cho người bệnh bớt lo âu, mà còn tạo cho các nhân viên y tế có một môi trường văn hóa, giúp họ bớt căng thẳng trong quá trình làm việc.
|
Ngay việc quy hoạch sắp đặt các phòng ở tòa nhà mới khánh thành ở Bệnh viện Trung ương Quân độ 108, phòng nhân viên y tế quy hoạch vào phía trong còn phòng người bệnh có view nhìn ra sông Hồng phải chăng để “tiếng sông Hồng âm vang như tiếng cha ông gọi chúng ta dựng xây…” của con sông đỏ nặng phù sa làm vơi đi nỗi đau bệnh tật!
Dù mới đi vào hoạt động, bệnh viện đã nhận được phản hồi tích cực của bệnh nhân và người nhà của họ. Trò chuyện với bệnh nhân và những người nhà đi chăm sóc người thân của mình trong bệnh viện họ đều bảo, từ nhân viên phục vụ đến y bác sỹ đều rất tốt coi bệnh nhân như người thân trong gia đình.
Cần được nhân rộng mô hình này
Âm nhạc là một trong những món ăn tinh thần trong đời sống. Nó không chỉ giúp con người cảm thấy thư thái, yêu đời mà còn mang lại sự cân bằng về tâm sinh lý hơn…
Ngay cả những người đang khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần thì âm nhạc vẫn mang đến cho họ sự êm ái, giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống. Hơn thế, âm nhạc còn kích thích những hoạt động về thể chất, mang lại cảm giác phấn chấn. Điều này lý giải tại sao khi thưởng thức âm nhạc, nhiều người có khuynh hướng làm việc bền bỉ và hăng hái hơn.
Các nghệ sỹ, sinh viên, đến biểu diễn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mong muốn cùng các bệnh viện xây dựng bệnh viện văn hóa, để mang niềm vui âm nhạc đến với người bệnh .
Từ những năm 1940, các nhà trị liệu bằng âm nhạc tại Hoa Kỳ đã dùng âm nhạc để cải thiện các kỹ năng giao tiếp của bệnh nhân và giảm thiểu đau đớn cho họ.
Các bệnh nhân tham gia vào những chương trình phục hồi chức năng bằng liệu pháp âm nhạc cho thấy các biểu hiện cảm xúc và giao tiếp xã hội tích cực hơn so với những bệnh nhân chỉ nhận được phương pháp chữa bệnh thông thường.
Một nghiên cứu của Tiến sĩ Claudius Conrad thuộc Trường Y Harvard, Bệnh viện đa khoa Massachusetts cho thấy tác dụng chữa bệnh và xoa dịu của âm nhạc có được nhờ sự kích thích và hạn chế ba loại hormon làm giảm stress.
Hiện nay, một số bệnh viện tiên tiến trên thế giới còn vận dụng liệu pháp âm nhạc để giúp bệnh nhân cải thiện tâm trạng, chống suy nhược cơ thể. Tại một số trường học dành cho trẻ em khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần, âm nhạc còn đóng vai trò tích cực trong việc giúp các em phục hồi một số chức năng nhất định, cải thiện kỹ năng giao tiếp và tăng cường các hoạt động về mặt thể chất.
Những buổi biểu diễn âm nhạc làm cho bệnh nhân vơi đi lo lắng, căng thẳng, buồn chán sợ hãi… để họ tin tưởng y học chiến thắng bệnh tật.
|
Các nghiên cứu khác được thực hiện từ đầu những năm 1990 tại nhiều bệnh viện lớn trên thế giới cũng kết luận rằng âm nhạc thực sự làm giảm nhịp tim, điều chỉnh huyết áp và nhịp thở của những bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật.
Ngoài ra, liệu pháp âm nhạc cũng làm tăng kỹ năng vận động ở các bệnh nhân đang phục hồi sau đột quỵ, tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao khả năng tập trung, giúp điều tiết cơn đau, tạo cảm giác khỏe mạnh và giảm âu lo cho các bệnh nhân đang chờ phẫu thuật...
Việc chọn loại nhạc nào trong thời gian điều trị tùy thuộc vào sở thích của từng bệnh nhân, tình trạng bệnh lý và mục đích điều trị của họ. Vậy nên càng nhiều loại nhạc cụ được biểu diễn càng chuyên nghiệp càng tốt.
Âm nhạc từ thủa xa xưa đã là người bạn keo sơn gắn bó của con người. Những ai từng sống trong quân ngũ chẳng thể nào quên “Tếng hát át tiếng bom” là sức mạnh tinh thần mà âm nhạc mang lại đã góp phần không nhỏ giúp quân và dân ta chiến thắng kẻ thù hung bạo tàn ác.
Mấy cô sinh viên xem biểu diến ở Bệnh viện Trung ương 108 khi thấy cô nghệ sỹ vừa đàn “Bài ca hy vọng” thì mấy bệnh nhân hát hòa theo bảo, trái đất ngàn triệu năm xưa cũ còn chưa hiểu hết mình có bao sự sinh sôi, nên thêm các nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, nhị sáo… để âm nhạc cổ truyền Việt Nam được chung tay góp sức chữa bệnh.
Những mong mô hình âm nhạc điều trị bệnh được làm chuyên nghiệp, nhân rộng và một ngày nào đó lại có thêm một phương pháp mới như âm nhạc được đưa vào bệnh viện chung tay giúp con người chiến thắng mọi bệnh tật để luôn sống khỏe mạnh trong sáng vui vầy.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, năm 1985, Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện trung ương Quân đội 108) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp ngày 17/12/2018 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. |