Bệnh viện ở Trung Quốc phủ nhận sự liên quan đến cặp song sinh chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới

VietTimes – Tin tức về cặp song sinh được sửa đổi gene ở Trung Quốc đã gây chấn động thế giới. Bên cạnh sự kinh ngạc là một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới khoa học. Một số người nói rằng đây là một thí nghiệm “điên rồ” và “vô đạo đức”.
bệnh viện HarMoniCare ở Thẩm Quyến (ảnh: Shenzhen Party)
bệnh viện HarMoniCare ở Thẩm Quyến (ảnh: Shenzhen Party)

Cặp song sinh được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới được sinh ra ở Trung Quốc đã tạo ra một sự chấn động lớn vào ngày hôm qua (26/12) sau khi trang MIT Technology Review và hãng tin AP đưa dự án này ra ánh sáng. Người dân trong và ngoài Trung Quốc đổ xô đặt câu hỏi về khía cạnh đạo đức của thí nghiệm khoa học này. Người đứng đầu thí nghiệm là ông Hạ Kiến Khuê (Jiankui He) đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam, thành phố Thẩm Quyến.

Chia sẻ với AP, ông Hạ Kiến Khuê nói rằng ông đã tìm kiếm và nhận được sự chấp thuận của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em HarMoniCare (Thẩm Quyến) để thực hiện thí nghiệm. Bản tin của MIT Technology Review liên kết với các tài liệu y khoa cũng nói rằng ông Khuê đã được Hội đồng quản trị của HarMoniCare “bật đèn xanh”.

Tuy nhiên, khi tạp chí TechCrunch (Mỹ) liên lạc thì phát ngôn viên của HarMoniCare nói rằng cô không biết gì về thí nghiệm của ông Hạ Kiến Khuê, và rằng bệnh viện đang kiểm tra tính hợp lệ của các tài liệu lưu hành.

“Những gì tôi có thể nói là chắc chắn quá trình chỉnh sửa gene đã không diễn ra tại bệnh viện của chúng tôi. Những đứa trẻ cũng không được sinh ra ở đây”, người phát ngôn HarMoniCare khẳng định.

Ông Hạ Kiến Khuê từng có thời gian học tập tại Đại học Rice và Stanford (Mỹ). Ông là người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam. Nhóm này đã sử dụng kỹ thuật CRISPR để loại bỏ gene CCR5 trong phôi người. Đây là gene liên quan đến HIV, bệnh đậu mùa và bệnh dịch tả. Mặc dù việc loại bỏ gene CCR5 có thể giúp những đứa trẻ miễn nhiễm với các loại bệnh trên, nhưng bất sự thay đổi nào với phôi thai cũng sẽ tạo ra sự di truyền cho các thế hệ tương lai. Vì vậy có rất nhiều câu hỏi về khía cạnh đạo đức của thí nghiệm này. Liệu trong tương lai chúng ta sẽ có một thế hệ người “đột biến” hoặc “khiếm khuyết”?

Cũng cần lưu ý rằng HarMoniCare thuộc mạng lưới bệnh viện Phúc Điền, gồm 8.000 bệnh viện tư nhân, khởi nguồn từ thành phố Phúc Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc (theo thống kê của DXY.cn – một diễn đàn trực tuyến của Trung Quốc dành cho các chuyên gia y tế). Hệ thống bệnh viện Phúc Điền mở rộng trên toàn Trung Quốc một cách nhanh chóng qua nhiều năm với sự giám sát rất ít ỏi của Chính phủ cho đến khi gây ra cái chết cho một sinh viên Đại học. Anh này đã chết vì ung thư sau khi được điều trị không rõ ràng từ một bệnh viện thuộc hệ thống Phúc Điền. Vụ việc này sau đó gây ra sự tranh cãi kịch liệt trên cộng đồng mạng Trung Quốc, vì họ cho rằng các bệnh viện thuộc hệ thống Phúc Điền chỉ giỏi làm quảng cáo. 

Theo TechCrunch