Du lịch Đà Nẵng: Khách tăng mạnh nhưng liệu đã bền vững?

VietTimes – Đà Nẵng liên tiếp đón nhận sự tăng trưởng của số lượng du khách đến với địa phương, tuy nhiên, sự tăng trưởng về lượng đang đối mặt với sự sụt giảm về chất, khi nguy cơ tội phạm người nước ngoài còn tiểm ẩn, dịch vụ du lịch đêm còn thiếu và nhất là số ngày lưu trú của du khách đang sụt giảm.
Lễ hội khinh khí cầu Đà Nẵng, một trong những sản phẩm du lịch thu hút du khách đến Đà Nẵng
Lễ hội khinh khí cầu Đà Nẵng, một trong những sản phẩm du lịch thu hút du khách đến Đà Nẵng

Du khách đến Đà Nẵng tăng mạnh

 Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng đạt 7.173.539 lượt, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2018, bằng 87,6% kế hoạch.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2.811.763 lượt, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2018, khách nội địa ước đạt 4.361.775 lượt, tăng 16,8% so với cùng kỳ 2018.

  Tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước đạt 4.590.551 lượt khách, tăng 23,9% so cùng kỳ năm 2018 (trong đó, khách quốc tế ước đạt 2.739.928 lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018; khách nội địa ước đạt 1.850.623 lượt, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2018).

Tổng thu du lịch ước đạt 25.311 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 92,4% kế hoạch.

Lượng khách đến với Đà Nẵng trong 9 tháng bằng đường hàng không, đường sông cũng tăng mạnh. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đường hàng không đến Đà Nẵng ước đạt 2.373.217 lượt, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2018 (1.725.279 lượt).

Tính đến tháng 9 năm 2019, có tổng cộng 39 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 466 chuyến/tuần và 9 đường bay nội địa với tần suất 655 chuyến/tuần2. Trong 39 đường bay quốc tế có 17 đường bay thường kỳ với tần suất 398 chuyến/tuần và 22 đường bay thuê chuyến với tần suất 68 chuyến/tuần.

Đối với khách đường sông, trong 9 tháng đầu năm 2019, ước đạt 554.588 lượt, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Khách đường biển ước đạt 82.930 lượt với 56 chuyến tàu, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Du khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không
Du khách đến Đà Nẵng bằng đường hàng không

Lý giải cho việc du khách ồ ạt đến Đà Nẵng, Giám đốc một công ty lữ hành trên địa bàn cho biết: “Lợi thế về du lịch của Đà Nẵng thì ai cũng rõ. Đó là điều kiện khí hậu, môi trường, tự nhiên, ẩm thực, giao thông, an ninh trật tự… rất tốt. Nhất là Đà Nẵng vừa có biển, vừa có núi, giao thông thuận tiện. Và đặc biệt là những danh hiệu mà Đà Nẵng vừa đạt được khiến thu hút du khách đến với địa phương tăng lên là điều dễ hiểu”.

Hệ lụy nhãn tiền và những nguy cơ

Tuy nhiên, cũng theo vị giám đốc này, bên cạnh “bức tranh màu hồng” thì du lịch Đà Nẵng đang tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Đó là tình hình phức tạp của tội phạm người nước ngoài, tình trạng biến tướng của tour giá rẻ, nghèo nàn về dịch vụ đêm. Và nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường biển chưa có hướng khắc phục triệt để đang tác động không nhỏ đến chất lượng ngành du lịch Đà Nẵng.

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng 2019 của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, tổng doanh thu của cả 3 ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 6.550,2 tỷ đồng, tăng 10,05% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, dịch vụ lưu trú đạt 2.040 tỷ đồng, tăng 10,14%; dịch vụ ăn uống ước đạt 3.848,5 tỷ đồng, tăng 13,06%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 661 tỷ đồng, giảm 4,86%.

Tính riêng đối với số lượt khách lưu trú, các cơ sở lưu trú đã phục vụ ước đạt 5.078 nghìn lượt, tăng 19,88% so với cùng kỳ (khách quốc tế ước đạt 1.583nghìn lượt, tăng 21,89%; khách trong nước ước đạt 3.495nghìn lượt, tăng 19%).

Trong đó khách có ngủ qua đêm là 3.948,3 nghìn lượt,tăng 22,68%, tương ứng với số ngày khách cơ sở lưu trú phục vụ là 6.930,6 nghìn ngày, tăng 17,84%. Tính số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế là 1,86 ngày và khách trong nước là 1,68 ngày, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 khi chỉ tiêu này của năm 2018 đạt lần lượt là 2 ngày và 1,71 ngày.

Và như vậy, mặc dù số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đã tăng khá cao (19,88%) nhưng số ngày lưu trú của khách thì đang có dấu hiệu giảm đáng kể, kéo theo doanh thu tại các cơ sở này tăng trưởng thấp (8,03%).

Cũng theo các doanh nghiệp lữ hành, một vấn đề hiện hữu mà du lịch Đà Nẵng đang phải đối mặt đó là những hệ lụy từ việc gia tăng khách quốc tế đến Đà Nẵng, nhất là là tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh đến Đà Nẵng để trốn lệnh truy nã thông qua hình thức du lịch để tổ chức hoạt động lữ hành trái phép, hướng dẫn viên trái phép, cho vay nặng lãi, khám, chữa bệnh trái phép, cướp giật, lừa đảo,... gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Một trường hợp hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động trái phép bị cơ quan phát hiện
Một trường hợp hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động trái phép bị cơ quan phát hiện

Và để giải quyết vấn đề này, Đại tá Trần Mưu-Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết: “Với tốc độ phát triển nhanh về du lịch cùng lượng khách nước ngoài đến Đà Nẵng tăng nhanh, đã kéo theo tội phạm liên quan đến người nước ngoài cũng gia tăng. Đặc biệt, lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng liên tục tăng theo cấp số nhân, nên để đảm bảo tình hình trật tự, an ninh an toàn trên địa bàn, lãnh đạo Công an TP đã ban hành nhiều kế hoạch, thực hiện nhiều hoạt động tấn công, trấn áp với các loại tội phạm trên địa bàn”.

“Thật vậy, trong thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng cũng đã có nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút du khách đến địa phương như: đầu tư các bãi tắm ven biển, nâng cấp các điểm dừng chân trên bán đảo Sơn Trà, kêu gọi đầu tư xã hội hóa các bãi tắm,…

Tuy nhiên, liên tiếp các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài được phát hiện, nước thải vẫn xả ra biển gây ô nhiễm, thiếu dịch vụ giải trí ban đêm,… thì việc giữ chân du khách hay kéo dài thời gian lưu trú của du khách ở lại với Đà Nẵng đang là bài toán khó đối với du lịch địa phương. Và nếu Đà Nẵng không có những giải pháp căn cơ thì chẳng mấy chốc du khách sẽ chán Đà Nẵng. Một khi đã chán, họ sẽ tìm điểm đến khác và để họ chán thì việc kéo du khách quay trở lại là điều cực kỳ khó”- một giám đốc công ty lữ hành giấu tên chia sẻ.

Trong 9 tháng đầu năm 2019 (tính đến ngày 16/9/2019), Sở Du lịch đã tham mưu cấp 1.398 thẻ hướng dẫn viên (trong đó, cấp mới 535 thẻ HDV quốc tế và 276 thẻ HDV nội địa; cấp đổi 478 thẻ HDV quốc tế và 70 thẻ HDV nội địa; cấp lại 33 thẻ HDV quốc tế và 06 thẻ HDV nội địa), nâng tổng số HDV trên địa bàn thành phố lên 4.511 HDV (trong đó: Nội địa là 1.265 HDV; Quốc tế là 3.246 HDV). Tham mưu cấp 25 giấy phép lữ hành nội địa, tính đến nay trên địa bàn thành phố có 369 đơn vị kinh doanh lữ hành4; thẩm định, tái thẩm định 11 khách sạn hạng 1-3 sao (06 khách sạn 3 sao, 03 khách sạn 2 sao, 02 khách sạn 1 sao), phối hợp Tổng cục Du lịch thẩm định, tái thẩm định 08 khách sạn hạng 4-5 sao; thẩm định và công nhận 03 cơ sở ăn uống đạt chuẩn; có 8715 cơ sở lưu trú, với 38.593 phòng, tăng 119 cơ sở với 4.767 phòng so với cùng kỳ năm 2018.