|
Dự án AMASS của Mỹ sẽ gây ra nguy cơ khôn lường nếu con người để mất quyền kiểm soát các thiết bị quân sự không người lái (Ảnh: Shutterstock). |
Nội dung của dự án này là bằng cách sử dụng hàng nghìn thiết bị không người lái tiến hành các cuộc tấn công trên bộ, trên biển và trên không theo kiểu “bầy ong” để phá hủy hệ thống phòng thủ của đối phương. Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng con người có nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát đối với bầy đàn thiết bị không người lái này.
Theo truyền thông Anh Daily Mail ngày 10/2, dự án tuyệt mật này có tên "Bầy ong thích ứng đa khu vực tự chủ” (Autonomous Multi-Domain Adaptive Swarms-of-Swarms, AMASS) sẽ tượng trưng cho chiến tranh tự động hóa quy mô lớn chưa từng có.
Tuy dự án AMASS trị giá 78 triệu USD này vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch, nhưng Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Mỹ (Defense Advanced Research Projects Agency, DARPA) đã gửi mời thầu tới các nhà cung cấp. Theo dự án này, các máy bay không người lái cỡ nhỏ được trang bị vũ khí và các công cụ thông tin liên lạc, điều hướng để thực hiện các nhiệm vụ từ gây nhiễu radar đến phát động các nhiệm vụ tấn công gây chết người.
|
Video về DARPA thử nghiệm dự án AMASS với quy mô nhỏ (Nguồn: Chinatimes). |
Mặc dù các công nghệ liên quan sẽ thay đổi phương thức chiến đấu của quân đội Mỹ nhưng nó cũng khiến các chuyên gia trong ngành lo ngại. Zachary Kallenborn, một nhà nghiên cứu chính sách tại Đại học George Mason ở bang Virginia, chỉ ra rằng khi số lượng máy bay không người lái tăng lên, con người sẽ gần như không thể kiểm soát các quyết định.
Bắt đầu từ năm 2001, quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái trên chiến trường, và theo thời gian, chúng ngày càng trở nên nhỏ hơn và tàng hình hơn, cho phép chúng lẻn vào phía sau phòng tuyến của kẻ thù, phá hủy doanh trại và thậm chí gây nhiễu phá hoại công nghệ của đối phương. Và AMASS sẽ triển khai hàng nghìn máy bay không người lái cùng lúc để thực hiện một số nhiệm vụ mà không cần hoặc có rất ít sự can dự của con người.
|
Hình ảnh mô phỏng về chiến thuật "bầy ong" máy bay không người lái (Ảnh: Sohu). |
Trước đó một bài báo trên trang web của tạp chí ra hàng tuần New Scientis của Anh ngày 2/2 cũng đưa tin, một dự án mới của Lầu Năm Góc với ý tưởng phát động các cuộc tấn công tự động và phối hợp của "bầy đàn" bao gồm nhiều loại thiết bị không người lái có khả năng hoạt động trên không, trên mặt đất và dưới nước. Ý tưởng này làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu con người có thể giám sát những bầy đàn UAV như vậy hay không.
Theo bài báo, AMASS là một dự án của Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng Mỹ (DARPA). Hầu hết các chi tiết của dự án đều được giữ bí mật, nhưng theo các văn bản hợp đồng của chính phủ Mỹ, dự án này sẽ cho phép nhiều "bầy ong" các nền tảng nhỏ không người lái trên không, trên mặt đất và dưới nước phối hợp với nhau để phá hủy hệ thống phòng thủ của đối phương. Những thiết bị không người lái này sẽ mang theo nhiều loại vũ khí và công cụ.
Dự án AMASS sẽ không cần đến sự trợ giúp thông thường của con người vì những "bầy ong" này có thể hiệp đồng hành động trên toàn bộ khu vực tác chiến, chẳng hạn như một quốc gia. Nhưng sẽ có người ở đâu đó thực hiện việc giám sát và có thể can thiệp khi cần thiết.
Ông Gregory Allen thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies, CSIS), một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết Lầu Năm Góc đã tiến hành thử nghiệm "bầy đàn" thiết bị không người lái với sự tham gia của hàng chục đến hàng trăm thiết bị; nhưng các thử nghiệm "bầy đàn" thiết bị không người lái cả trên bộ, trên không và dưới nước quy mô lớn hơn sẽ tạo ra sự phức tạp hơn, điều này sẽ làm cho việc giám sát trở nên khó khăn hơn.
|
Thiết bị phóng loạt UAV của một công ty Trung Quốc (Ảnh: Sohu). |
Mặc dù về lý thuyết các thiết bị không người lái này đã thực hiện được sự kiểm soát riêng từng cá thể, đối với "bầy đàn" thiết bị không người lái, một người điều khiển có thể điều khiển được nhiều cá thể, do đó có thể triển khai một số lượng lớn thiết bị với một số lượng rất ít người vận hành; tuy nhiên ông Zachary Kallenborn, nhà nghiên cứu chính sách tại Đại học George Mason cho rằng, vấn đề then chốt là mức độ giám sát của con người đối với AMASS đạt đến mức nào.
Ông nói: "Khi quy mô 'bầy ong' UAV mở rộng lớn hơn, con người sẽ gần như không thể kiểm soát các quyết định; sẽ phải dựa vào các quyết định tự động của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), điều này sẽ dẫn đến các loại rủi ro."
Theo bài báo, điều này sẽ dẫn đến khả năng thiết bị không người lái có thể sử dụng vũ lực gây chết người trong khi không có sự giám sát trực tiếp của con người, nhưng AMASS sẽ sử dụng khả năng này như thế nào hiện vẫn chưa được biết.
Ông Kallenborn nói, cơ quan DARPA được biết đến với dự án đầy tham vọng và có khả năng thay đổi thế giới và cho rằng AMASS thuộc loại đó, nhưng ông đặc biệt nhấn mạnh tồn tại một số rủi ro. Ông nói: “Một 'bầy ong' thiết bị không người lái dễ bị lỗi sẽ là một điều rất đáng sợ: nó chính là một loại vũ khí sát thương quy mô lớn mới.”