Bộ Xây dựng vừa có văn bản tham gia ý kiến về dự án sân bay Quảng Ninh theo đề nghị của địa phương này.
Nội dung đáng chú ý nhất được Bộ Xây dựng chỉ ra là thiết kế cơ sở của dự án sân bay Quảng Ninh khi tính toán số liệu đã nhầm lẫn sang… sân bay Phan Thiết.
Cụ thể, theo Bộ Xây dưng, số liệu tính toán công suất đầu vào trong thuyết minh báo cáo khả thi xác định lượng khách giờ cao điểm giai đoạn đến năm 2020 là 800 hành khách/giờ.
Vậy nhưng số liệu dùng thuyết minh thiết kế cơ sở hạng mục nhà ga hành khách lại tính trên thông số 1.000 hành khách/giờ cao điểm.
Sự nhầm lẫn trên sẽ dẫn đến viêc quy mô diện tích nhà ga cảng hàng không Quảng Ninh tăng lên 20% so với công suất dự kiến 2 triệu khách/năm tại báo cáo khả thi đã thông qua.
Cũng liên quan đến công suất của công trình, Bộ này cho rằng, dự báo lưu lượng hành khách và hàng hóa cho thấy đến năm 2030 mỗi năm có khoảng 5-6 triệu khách và 30.000 tấn hàng thông qua cảng.
Trong khi đó, báo có khả thi cho biết công suất đến năm 2020 chỉ là 2 triệu khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Các nội dung liên quan đến mở rộng nâng cấp chưa được nhắc tới.
Do đó, Bộ Xây dựng cảnh báo “nhà ga sẽ sớm quá tải ngay sau khi đưa vào sử dụng”!
Vấn đề nữa là, cũng theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã phê duyệt thì nhà đầu tư dự kiến được thu hồi vốn trong 45 năm.
Thế nhưng tổng mức đầu tư, các chỉ tiêu tài chính, thu hồi vốn hiện giờ mới được tính toán cho công suất 2 triệu khách/năm chưa chưa cập nhập phần phải mở rộng.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh điều này là “thiếu lộ trình dài hạn, không đủ cơ sở số liệu để đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư BOT về lộ trình mở rộng quy mô trong tương lai”.
Tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy mô sân bay Quảng Ninh ở cấp 4E với một đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay tối thiểu cho 4 chiếc Boeing 777 lẫn Airbus 321, nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Công trình sẽ được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn trên diện tích khoảng 290ha và dự kiến khởi công ngày 27/3 vừa qua nhưng đã phải lùi ngày xây dựng vì lý do thời tiết xấu.
Trong tổng mức đầu tư dự án gần 7.500 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) thì chi phí xây dựng và thiết bị vào khoảng 5.250 tỷ đồng.
1.500 tỷ đồng để dự phòng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 730 tỷ đồng. Ngoài nguồn giải phóng mặt bằng được ngân sách hỗ trợ, số còn lại được huy động bằng vốn vay hoặc tự có của nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Tập đoàn Sun Group đã được địa phương chỉ định làm nhà đầu tư dự án sau khi ứng viên ngoại là liên danh các nhà thầu Hàn Quốc đã xin thôi thực hiện dự án vào giữa tháng 3 vừa qua.
Theo Bizlive