Trong nhiều tháng nay, các nhà thầu phụ Việt Nam đã phải tự ứng vốn để thi công các hạng mục nằm trong tổng thể dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Số tiền này đúng ra tổng thầu EPC Trung Quốc phải thu xếp, nhưng có những thời điểm họ đã nợ tới hơn 400 tỷ đồng.
Dự án đang đứng trước nguy cơ còn khó khăn hơn nếu như phía tổng thầu Trung Quốc chậm trễ trong dàn xếp nguồn vốn bổ sung 250 triệu USD cho dự án.
Hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ và thống nhất với tổng thầu trong điều kiện nguồn vốn bổ sung cho dự án bị chậm thì sẽ cho phép các nhà thầu trong nước vay vốn của các ngân hàng thương mại với điều kiện tổng thầu sẽ chịu lãi suất. Tất cả những biện pháp này nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Cho đến thời điểm này, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành được trên 85% khối lượng tổng thể. Theo kế hoạch đã công bố, đến cuối năm nay, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành việc xây lắp và đưa vào khai thác từ giữa năm 2017. Và để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT đã đẩy mạnh việc sớm ký kết hợp đồng chính thức để sớm hoàn tất việc vay nguồn vốn bổ sung.
Việc phải bổ sung 250 triệu USD cho tổng thầu EPC Trung Quốc bắt nguồn phần lớn từ việc tăng giá trị xây lắp, chuyển giao công nghệ, điều chỉnh vật liệu tàu và công tác đào tạo vận hành.
Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, mức vốn bổ sung lẽ ra sẽ không tăng nhiều nếu việc khi ký hợp đồng EPC không quá chú trọng vào việc đấu giá. Tức là chủ đầu tư quá ưu tiên mức giá rẻ nhất mà thiếu quan tâm đến các phát sinh kỹ thuật.
Cho đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã tăng thêm hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, đây chưa chắc đã là con số phát sinh cuối cùng.
Trước thực tế của dự án này, Bộ Tài chính mới đây đã kiến nghị Bộ GTVT rà soát và tính toán lại kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi có ràng buộc của Trung Quốc cho các dự án như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Trà Lĩnh - Đồng Đăng, nhằm tránh xảy ra những tình trạng đội vốn tương tự.
Theo VTV