Đợt sa thải của Meta đã đặt dấu hỏi lớn về chiến lược của Zuckerberg khi tinh thần nhân viên sa sút

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều nhân viên làm việc tại Meta đang áp lực và lo sợ liệu họ có thể trở thành nạn nhân tiếp theo trong tương lai hay không.
Ảnh: Google
Ảnh: Google

Mark Zuckerberg - CEO của Meta đã mô tả "một giai đoạn thử thách" khi đề cập đến tình trạng hiện tại của công ty trong bài viết gửi đến nhân viên. Bài viết được đăng sau khi ông tuyên bố công ty truyền thông xã hội hàng đầu thế giới sẽ thực hiện một đợt cắt giảm nhân sự lớn, lên tới 10.000 người.

Trước đó, ông Zuckerberg đã đánh giá lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Meta để đảm bảo kế hoạch "một năm hiệu quả" của mình. Ông đã đề xuất những thay đổi chủ chốt có thể sẽ áp dụng trên toàn bộ tổ chức. Quan trọng nhất, Zuckerberg muốn "làm phẳng" công ty bằng cách loại bỏ cấu trúc quản lý đa tầng.

"Điều này sẽ gây ra những khó khăn nhưng chúng ta không còn cách nào khác", ông Zuckerberg nói trong tuyên bố, ám chỉ đến những nỗi đau và cảm xúc lẫn lộn sẽ bao trùm toàn bộ Meta khi lực lượng lao động bị giảm đi.

Đợt cắt giảm việc làm mới tại Meta diễn ra sau khi công ty đã sa thải khoảng 11.000 nhân viên vào tháng 11, đây là lần sa thải nhân viên đầu tiên trong lịch sử công ty. Cộng với đợt cắt giảm mới này, Meta đã cắt giảm 24% lực lượng lao động, tức là trong 6 tháng qua cứ 4 nhân viên thì 1 người đã bị sa thải.

Đương nhiên, vào thời điểm hiện tại, Meta đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn. Công ty phải đối phó với sự suy giảm của ngành quảng cáo kỹ thuật số trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, chính sách bảo mật mới của Apple, sự gia tăng nhanh chóng của công nghệ AI và sự phát triển không ngừng của TikTok.

Dẫu vậy, những đợt cắt giảm nhân sự liên tiếp đã khiến tinh thần nhân viên tại Meta giảm sút nặng nề. Được biết, nhiều nhân viên làm việc tại Meta đang áp lực và lo sợ liệu họ có thể trở thành nạn nhân tiếp theo trong tương lai hay không.

Tuy nhiên, ông Zuckerberg đã nhấn mạnh rằng các đợt thay đổi mạnh mẽ là cần thiết để tồn tại trong tình hình mà ông miêu tả là "nền kinh tế sẽ không được cải thiện sớm".

“Tại thời điểm này, tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị cho khả năng thực tế nền kinh tế như thế này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm”, Zuckerberg thẳng thừng cảnh báo, nếu tình hình trong tương lai kém khả quan có thể sẽ phải cắt giảm thêm “để hoạt động hiệu quả nhằm đảm bảo thành công”.

Một cựu CEO công nghệ nói rằng những công ty lớn như Meta, Google, Amazon và Twitter đã mắc sai lầm khi tuyển dụng một số lượng lớn nhân viên trong nhiều năm qua. Đặc biệt, khi nhắc tới trường hợp của Meta, vị lãnh đạo này đã nói: "Bạn chỉ có thể tự hỏi: 100.000 người này đang làm gì? Trong khi các ứng dụng của công ty không có nhiều thay đổi".

"Những công ty như vậy đã trở nên quá phụ thuộc vào lợi nhuận và các CEO nghĩ rằng họ có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác để thống trị thế giới. Nhưng sau đó, nền kinh tế đã thay đổi".

Kết quả là, "rất ngạc nhiên là không khó để các công ty công nghệ lớn này cắt giảm số lượng lớn nhân viên mà không ảnh hưởng đến doanh thu cơ bản".

Hiện tại, nhân viên của Meta sẽ phải chờ đợi thêm để biết cụ thể những ai sẽ bị sa thải. Zuckerberg cho biết việc cắt giảm việc làm sẽ không thể hoàn thành cho đến cuối tháng 5.

“Về vấn đề chúng ta sẽ hoạt động thế nào trong giai đoạn này, tôi khuyến khích mọi người tập trung vào những thứ bạn có thể kiểm soát. Đó là, làm tốt công việc và hỗ trợ đồng nghiệp. Cộng đồng của chúng ta có sức phục hồi rất nhanh chóng”, ông Zuckerberg nói.

Ông cũng cho biết rằng dù thay đổi không bao giờ dễ dàng, nhưng Meta sẽ vượt qua được khó khăn này và trở thành một công ty mạnh mẽ hơn, tạo ra những sản phẩm phát triển hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn là liệu Meta có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này để trở thành một công ty mạnh mẽ hơn hay không. Hiện tại, các sản phẩm của Meta đã đạt đến điểm bão hoà, trong khi Mark Zuckerberg đang theo đuổi tham vọng thế giới ảo.

Theo CNN, Meta giờ đây đang gặp phải một số thách thức tương tự như AOL - dịch vụ internet nổi tiếng của thập niên 90, và không ai biết chắc liệu Meta sẽ đối mặt với những thách thức gì trong tương lai.

Theo CNN