Quy tắc vàng chạy đua với thời gian
“Đột quỵ não - Thời gian là não” – nghĩa là chúng ta phải chạy đua với thời gian để tới viện sớm nhất có thể khi có triệu chứng nghi ngờ. Ở đây, triệu chứng cụ thể là méo miệng một bên, nói ngọng, thất ngôn, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt... Không được phép để mất một giây phút nào để nằm bất động đợi chờ tự hồi phục hay tự điều trị theo “phương pháp dân gian truyền miệng”. Cơ hội để dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ có 4-5 giờ từ khi khởi phát. Cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ có 6 giờ đầu, ngoài ra một số trường hợp đặc biệt có thể tới 24 giờ. Nếu càng đến sớm bao nhiêu thì tỉ lệ điều trị thành công càng cao bấy nhiêu.
Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai mới đi vào hoạt động nhưng càng lúc càng tiếp nhận rất đông bệnh nhân, lên tới hàng ngàn ca đột quỵ. Đáng báo động trong số đó, người có độ tuổi từ 18 – 44 chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%, nghĩa là căn bệnh đột quỵ đã không còn né tránh lứa tuổi trẻ.
PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ chia sẻ: “Rất nhiều ca lâm sàng về bệnh nhân đột quỵ não đã đến với Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai trong tình trạng muộn, qua mất giờ vàng. Hệ lụy nặng thì tử vong, nhẹ thì tàn phế suốt đời”.
Cần đưa bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhập viện sớm nhất - Ảnh: BV Bạch Mai |
3 điều cần nhớ kỹ
PGS.TS Mai Duy Tôn lưu ý về 6 điều cần nhớ kỹ và thực hiện: “Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất khi người thân của bạn bị đột quỵ. Xe cứu thương 115 sẽ đưa người thân của bạn đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não”.
Thứ hai, BS Mai Duy Tôn nhắc nhở: “Khi gọi 115 và yêu cầu trợ giúp, hãy thông báo cho người điều hành rằng bạn nghi ngờ người thân bị đột quỵ não. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân”.
Thứ ba, BS Tôn đặc biệt lưu ý, bệnh nhân phải được nằm yên nhưng cần biết rằng người thân của bạn có thể không còn giao tiếp được tại bệnh viện. Vì vậy, trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử...
Về tư thế tốt nhất để chờ cấp cứu người bệnh đột quỵ, BS Tôn nói: “Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ”.
Ths. Lê Thị Hạ Quyên, Phó khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Phục Hồi Chức Năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM hướng dẫn điều trị đột quỵ. (Ảnh: Hải Linh) |
3 điều nhất thiết không nên làm
Bên cạnh những việc cần làm, PGS. Mai Duy Tôn cũng khuyến cáo những điều không nên làm đối với bệnh nhân đột quỵ não.
Thứ nhất, không được cho người bệnh uống thuốc: “Mặc dù aspirin là chất làm loãng máu, tuy nhiên không được cho người bệnh uống aspirin hay bất kỳ một loại thuốc nào khác. Cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn dến đột quỵ não. Đột quỵ não cũng có thể do một mạch máu vỡ trong não gây ra. Vì vậy, khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào. Đã có nhiều sự cố vô cùng đáng tiếc khi người thân cho bệnh nhân uống An cung” – BS Tôn nói.
Thứ hai, không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: “Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não. Bởi vì bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó, cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi” – BS Tôn lưu ý.
Đặc biệt, BS Tôn khẳng định không được cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện: “Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu. Người bệnh có thể nhận ra có gì đó không ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ não. Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ”.
PGS. Tôn khuyến cáo: “Với với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phí… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ”.
PGS. Tôn cũng chia sẻ thêm: “Khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não”.