Trưởng bộ môn Thần kinh ĐH Y Dược TP.HCM - BS Lê Văn Tuấn nói về bài tập thăng bằng và đột quỵ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – BS Lê Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội – Thần kinh (BV Chợ Rẫy) nói rõ hơn về bài tập thăng bằng một chân và mối liên quan đến căn bệnh đột quỵ mà cố nghệ sĩ Chí Tài đã chia sẻ.

BS Lê Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội – Thần kinh (BV Chợ Rẫy) nói rõ hơn về bài tập thăng bằng một chân và bệnh đột quỵ (Ảnh: Hoà Bình ghép)
BS Lê Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội – Thần kinh (BV Chợ Rẫy) nói rõ hơn về bài tập thăng bằng một chân và bệnh đột quỵ (Ảnh: Hoà Bình ghép)

Phóng viên: - Bài tập đứng thăng bằng trên một chân mà cố nghệ sĩ Chí Tài chia sẻ trước khi đột quỵ cho thấy nam diễn viên đã không thể đứng thăng bằng trên một chân quá 20 giây, một trong những dấu hiệu nguy cơ đột quỵ. Thưa bác sĩ, nên hiểu thế nào cho đúng về sự thăng bằng?

Bác sĩ Lê Văn Tuấn: - Thăng bằng là hoạt động then chốt của cơ thể, nếu không có thăng bằng chúng ta sẽ dễ bị té và ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày. Để giữ thăng bằng thì cần phối hợp nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó quan trọng là các hoạt động của hệ thống tiền đình, thị giác và cảm giác sâu.

Hệ thống tiền đình bao gồm tiền đình ngoại biên (ở tai trong) và tiền đình trung ương thuộc não bộ. Các trường hợp bệnh lý mạch máu cũng có thể ảnh hưởng đến tiền đình ngoại biên như những trường hợp tắc động mạch mê đạo (labyrinthine artery) gây ra hội chứng tiền đình ngoại biên.

Tuy nhiên, thường các bệnh lý mạch máu sẽ ảnh hưởng các mạch máu não cung cấp cho hệ thống tiền đình trung ương, do đó khi tắc hay vỡ các mạch máu này có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình và do đó làm rối loạn thăng bằng.

BS Lê Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội – Thần kinh (BV Chợ Rẫy) - Ảnh: TB

BS Lê Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội – Thần kinh (BV Chợ Rẫy) - Ảnh: TB

Thị giác có vai trò quan trọng trong thằng bằng. Tưởng tượng nếu không nhìn thấy được thì thăng bằng khi hoạt động sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một số ví dụ điển hình của thị giác thường ngày như đang đêm khi thức dậy đi vệ sinh mà không bật đèn chúng ta đi sẽ khó và cảm giác không thăng bằng, do đó muốn giữ thăng bằng thường chúng ta phải vịn vào tường để bước đi.

Một ví dụ khác về thị giác là khi đứng trên cao (tòa nhà cao, trên núi…) nhìn xuống, chúng ta sẽ có cảm giác chóng mặt vì định hướng thị giác ở khoảng cách xa không chính xác, do đó phân tích của não sẽ không xác định đúng vị trí để cơ thể định hướng và biểu hiện ra là chúng ta cảm giác mất thăng bằng.

*Ngoài bài tập nhỏ về đứng thăng bằng trên một chân, các nhà khoa học trên thế giới còn đưa ra phương pháp nào khác nữa không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Văn Tuấn: - Có một số phương pháp khác đã được nghiên cứu và khẳng định. Thăng bằng trên một chân thì khó nhưng ngay cả thăng bằng trên hai chân cũng không phải dễ.

Phải nhắc tới một vai trò quan trọng khác của thăng bằng là cảm giác sâu. Bình thường chúng ta đứng, đi được do bàn chân chạm đất và hệ thống cảm giác sâu phân tích được chúng ta đang đứng, trên mặt phẳng và dự đoán được các bước chân kế tiếp sẽ chạm mặt đất tương tự, và do đó chúng ta thăng bằng được.

Một trong những phương pháp khi khám thăng bằng là yêu cầu người được khám đứng thẳng, hai bàn chân để sát cạnh nhau, mở mắt và nhắm mắt (nghiệm pháp Romberg), lúc này chúng ta làm cho chân đế của chúng ta khi đứng bình thường bị thu nhỏ lại do chụm 2 chân sát nhau. Nếu bị rối loạn cảm giác sâu thì khi đứng mở mắt người bệnh có thể đứng được nhưng khi nhắm mắt thì sẽ bị lảo đảo và té.

Nghệ sĩ Chí Tài trong video về thử thách đứng thăng bằng trên một chân (Ảnh cắt từ clip)

Nghệ sĩ Chí Tài trong video về thử thách đứng thăng bằng trên một chân (Ảnh cắt từ clip)

*Mối liên quan chính giữa khả năng thăng bằng và giúp xác định đột quỵ và các bệnh khác là gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Văn Tuấn: - Về cơ bản thì thăng bằng vẫn thường được thực hiện khi chúng ta dùng 2 chân. Thăng bằng khi dùng một chân vẫn có thể thực hiện nhưng khó hơn và đòi hỏi cơ thể phải điều chỉnh nhiều hơn, bao gồm phối hợp của 3 hệ thống trên, đặc biệt là tiền đình và cảm giác sâu, cũng như các con đường thần kinh phối hợp trong não. Một người bình thường có thể thăng bằng khi đứng, đi và đặc biệt có thể thăng bằng khi đứng một chân trong một khoảng thời gian.

Khi thăng bằng bị giảm, đặc biệt khi đứng một chân có thể là biểu hiện của các bệnh ảnh hưởng đến thị giác, tiền đình và cảm giác sâu. Một nghiên cứu khoa học thực hiện tại Mỹ với người khỏe mạnh trên 60 tuổi và được theo dõi 3 năm sau đó, về thăng bằng ở người lớn tuổi khi đứng một chân được mà không cần trợ giúp trong 5 giây, thì những người không thể đứng một chân sẽ có nguy cơ té ngã cao. Động tác giữ thăng bằng một chân giúp tiên đoán được nguy cơ té ở người già trong nghiên cứu này.

Nghiên cứu của nhóm tác giả người Nhật đăng trên tạp chí Stroke (tạp chí chuyên về đột quị của Hoa Kỳ) năm 2015, nhằm đánh giá mối liên kết giữa sự không ổn định tư thế và bệnh mạch máu nhỏ ở não không triệu chứng (bằng cách khảo sát xem có tăng tín hiệu quanh não thất trên hình chụp não, nhồi máu lỗ khuyết và các vi xuất huyết não) ở người từ tuổi trung niên đến người già.

Nghiên cứu trên 1385 người, đánh giá không ổn định tư thế bằng cách đo thời gian đứng trên một chân với mở mắt và đo lường tư thế (Posturography) từ năm 2006-2013 tại Trung Tâm Chống Lão Hóa Bệnh Viện Trường Đại Học Ehime.

Kết quả là nếu thời gian đứng trên một chân ngắn, đặc biệt dưới 20 giây thì khả năng có các bệnh lý mạch máu não nhỏ tăng. Ngược lại nếu có các bệnh lý mạch máu nhỏ thì không phải lúc nào cũng tăng nguy cơ mất ổn định tư thế. Kết luận của nhóm tác giả nghiên cứu là nếu có mất ổn định tư thế (như đứng một chân không vững, đặc biệt dưới 20 giây) có thể gợi ý cho thấy những thay đổi bệnh học của não đã xảy ra và làm giảm chức năng, thậm chí ở người nhìn thấy khỏe mạnh từ tuổi trung niên đến tuổi già.

Hình ảnh do cố nghệ sĩ Chí Tài chia sẻ trong video nói về việc tập luyện thể thao (Ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh do cố nghệ sĩ Chí Tài chia sẻ trong video nói về việc tập luyện thể thao (Ảnh cắt từ clip)

*Như vậy, liệu có phải chỉ qua một bài tập thăng bằng đơn giản đó, chúng ta có thể kết luận được khả năng liên quan đến nguy cơ đột quỵ không thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Văn Tuấn: - Bệnh mạch máu nhỏ ở não thường do tăng huyết áp và đái tháo đường. Nếu ứng dụng nghiên cứu của nhóm tác giả người Nhật thì người tuổi trung niên đến già không đứng vững trên một chân trong thời gian dưới 20 giây cần tầm soát bệnh lý mạch máu não nhỏ, đặc biệt ở người tăng huyết áp và đái tháo đường.

Tuy nhiên, cũng đừng chủ quan ngay cả khi có thể đứng thăng bằng được trên một chân vượt quá 20 giây, bởi như chúng ta thấy kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ, nếu có bệnh mạch máu não nhỏ thì khả năng đứng trên một chân vẫn có thể tốt, điều đó chỉ ra rằng không hẳn cứ vượt qua bài tập đứng thăng bằng trên một chân là không còn nguy cơ đột quỵ.

Và dù gì thì vẫn nên điều trị các yếu tố nguy cơ mạch máu não có thể điều chỉnh được như hút thuốc lá, béo phì, ít vận động… Đặc biệt cần lưu ý là các bệnh tăng huyết áp với đái tháo đường.