Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM - BS Lê Văn Tuấn “mổ xẻ” bệnh đột quỵ của nghệ sĩ Chí Tài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bác sĩ Lê Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội – Thần kinh (BV Chợ Rẫy) “mổ xẻ” bệnh đột quỵ của nghệ sĩ Chí Tài, từ đó rút ra bài học chắc chắn bạn nên biết.

Hình chụp nghệ sĩ Chí Tài trong video tập luyện ở cầu thang bộ (Nguồn: FBNV)
Hình chụp nghệ sĩ Chí Tài trong video tập luyện ở cầu thang bộ (Nguồn: FBNV)

Đột quỵ dẫn tới nguy cơ tử vong cực nhanh

Phóng viên: - Thưa bác sĩ, về các triệu chứng của đột quỵ như tê cánh tay, tê liệt, khó nói, lú lẫn, mắt kém, đi lại khó khăn, mất thăng bằng, chóng mặt… Nhưng trong trường hợp của nghệ sĩ Chí Tài, có vẻ như khó có thể phát hiện triệu chứng nào trong số này?

BS Lê Văn Tuấn: - Tất cả các biểu hiện kể trên mới chỉ là những dạng đột quỵ nhẹ. Nếu đột quỵ nặng, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê liền, thậm chí có thể tử vong rất nhanh. Có thể có những đột quỵ do căn nguyên từ tim nếu cơ quan giám định pháp y đã công bố là đột quỵ thì chắc là nghệ sĩ Chí Tài bị tai biến mạch máu não.

Đột quỵ có 3 loại chính và quan trọng: thứ nhất là đột quỵ nhồi máu não; thứ hai là đột quỵ xuất huyết não; thứ ba là đột quỵ xuất huyết màng não. Cả ba trường hợp này đều dẫn tới tử vong rất nhanh, tuỳ thuộc vào mức độ và vị trí.

Nhồi máu não thường là dạng nhẹ nhất nhưng nếu nhồi máu não mà tắc động mạch thân nền thì bệnh nhân có thể tử vong vì đó là trung tâm não. Xuất huyết não nếu kích thước nhỏ 1cm thì khác với xuất huyết kích thước trên 10cm. Có những kích thước xuất huyết rất lớn, thì tử vong rất nhanh. Còn xuất huyết màng não thì tử vong cực nhanh, nhiều trường hợp tử vong ở nhà trước khi kịp đưa đến bệnh viện.

Rất cần được nhận biết sớm, đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, để bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác và đưa ra phương án điều trị. Chẳng hạn như đột quỵ nhồi máu não thì bác sĩ sẽ quyết định cách thức lấy cục máu đông, mạch sẽ phục hồi nhanh. Còn xuất huyết não hoặc xuất huyết màng não thì cách thức điều trị phải khác.

Bác sĩ Lê Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội – Thần kinh (BV Chợ Rẫy) - Ảnh: TB

Bác sĩ Lê Văn Tuấn - Trưởng bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội – Thần kinh (BV Chợ Rẫy) - Ảnh: TB

* Như chính nghệ sĩ Chí Tài công bố trên trang cá nhân thì ở lứa tuổi 62, mỗi ngày anh đều leo lên 36 tầng cầu thang bộ, có ý kiến cho rằng trường hợp này có vẻ hơi bất cẩn khi đã có tiền sử bệnh tiểu đường và huyết áp nhưng lại tập luyện quá sức, dẫn đến nguy cơ đột quỵ tăng lên, điều này có đúng không thưa bác sĩ?

BS Lê Văn Tuấn: - Khi hoạt động nhiều, tim sẽ co bóp nhiều hơn để cung cấp một lượng máu đủ cho cơ thể, những trường hợp mạch vành bị hẹp thì khi tim hoạt động nhiều, lượng máu nuôi cơ tim sẽ kém đi, ảnh hưởng đến thay đổi hoạt động của tim, và hậu quả của nó chính là ảnh hưởng đến hoạt động của não. Hơn nữa, chưa biết cách thức mà nghệ sĩ Chí Tài đi thế nào, đi một mạch không nghỉ hay là đi từng bước, có dừng lại nghỉ giữa các tầng hay không? Lượng ô-xy ở thang bộ của chung cư có đủ hay không? Theo quan sát của tôi, thang bộ ở nhiều chung cư bây giờ khá thiếu ôxy vì quá kín.

Trích đoạn clip nghệ sĩ Chí Tài luyện tập ở khu vực thang bộ (Nguồn: FBNV)

Nghệ sĩ Chí Tài-tập luyện trong thang bộ. Vì đây là khu vực thoát hiểm nên sẽ không có ai ở đây (Ảnh chụp video do nghệ sĩ chia sẻ)
Nghệ sĩ Chí Tài-tập luyện trong thang bộ. Vì đây là khu vực thoát hiểm nên sẽ không có ai ở đây (Ảnh chụp video do nghệ sĩ chia sẻ)

Cần nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ

*Có vẻ khá rắc rối để nhận biết những dấu hiệu đầu tiên và sớm nhất của đột quỵ, trong khi đó, căn bệnh này mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người Việt mỗi năm, hàng trăm ngàn người khác phải chịu những di chứng về thần kinh và vận động. Vậy phải làm thế nào để cảnh báo đúng tới người đọc về căn bệnh nguy hiểm này thưa bác sĩ?

BS Lê Văn Tuấn: - Với đối tượng nguy cơ cao, BS thường khuyến cáo nên cảnh giác. Chẳng hạn như gia đình có nhiều người bị đột quỵ, hoặc đối tượng đã từng bị cơn thoáng thiếu máu não (đột quỵ nhẹ) thì nên đi tầm soát, phải dùng kỹ thuật chụp mạch máu, khá phức tạp, để xác định nguy cơ.

Trong các nguy cơ, cũng cần phân biệt rõ nguy cơ có thể thay đổi được và nguy cơ không thể thay đổi, ví dụ như gia đình, tuổi tác, giới tính (nam giới đột quỵ nhiều hơn nữ giới), chủng tộc (người da đen đột quỵ nhiều hơn người da trắng)… thuộc nguy cơ không thể thay đổi.

Rất nên lưu ý các nguy cơ có thể thay đổi được gồm có: tăng cân, tiểu đường, tăng cholesterol, không vận động, thói quen ăn uống… Cần thay đổi thói quen, hành vi, lối sống, kiểm tra sức khoẻ định kỳ để xác định giữa các triệu chứng nhầm lẫn và triệu chứng không nhầm lẫn. Còn khi đã có các triệu chứng của đột quỵ, thì rất cần phải tới ngay cơ quan y tế có đủ điều kiện để xác định, đặc biệt là được cấp cứu trong thời gian vàng đối với nhồi máu não sẽ giúp các vùng có khả năng sống lại, để lại di chứng ít nhất cho bệnh nhân.

*Thưa bác sĩ, trường hợp của diễn viên Chí Tài mới đây mất vì đột quỵ, trước đó, như nghệ sĩ chia sẻ thì anh đã thực hiện bài tập nhắm mắt đứng thăng bằng trên một chân nhưng không vượt quá 20 giây mà chỉ thực hiện được 5-7 giây, biểu hiện của việc có thể đã tắc nghẽn một động mạch nhỏ nằm sâu trong não. Xin bác sĩ cho biết, có thể nhận định thế nào về bài tập mà cư dân mạng đang chia sẻ rầm rộ này?

HÌnh chụp video nghệ sĩ Chí Tài trong thử thách đứng thăng bằng trên 1 chân

HÌnh chụp video nghệ sĩ Chí Tài trong thử thách đứng thăng bằng trên 1 chân

BS Lê Văn Tuấn: - Nhắc đến phương pháp nhắm mắt đứng một chân thăng bằng, xin thưa rằng giới khoa học muốn nói về điều đó cần đọc bài nghiên cứu gốc, xem kỹ bài đăng trên tạp chí gì, được giới chuyên môn đánh giá ra sao, tác giả muốn nói điều gì.

Cơ bản mà nói thì một người thăng bằng kém là đã có nguy cơ mắc các bệnh về mạch máu. Về bài tập nhỏ đứng thăng bằng nói trên, chưa thể khẳng định kết quả của nó có thật sự “tiên đoán” được về bệnh tật hay không, nhưng khoa học đã nghiên cứu và có thể khẳng định rằng nếu đã mất cân bằng thì nghĩa là có nguy cơ với nhiều bệnh lý khác đều rất cao, chứ không riêng với đột quỵ và cũng không có nghĩa là cứ đứng thăng bằng được trên 20 giây là không có nguy cơ đột quỵ. Nhiều bệnh nhân không có bất cứ biểu hiện gì, hoàn toàn bình thường cũng vẫn đột quỵ, có thể phút trước bình thường nhưng phút sau đã không còn bình thường nữa rồi.

Để phân tích sâu hơn về bài tập đứng thăng bằng trên một chân, chúng tôi sẽ trở lại với bạn đọc trong bài viết tiếp theo.