Bác sĩ lưu ý vận động sớm mới có thể phục hồi chức năng sau đột quỵ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, từ 23/11 đến hết ngày 26/11, diễn ra hoạt động tập huấn bác sĩ về phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ, giúp giảm gánh nặng cho người thân và xã hội.

BS Lê Văn Tuấn và DS Lâm Thanh Hải tại chương trình tập huấn ngày 23/11(Ảnh: Hoà Bình)
BS Lê Văn Tuấn và DS Lâm Thanh Hải tại chương trình tập huấn ngày 23/11(Ảnh: Hoà Bình)

Đã có hơn 4.000 bác sĩ, nhân viên kỹ thuật được tập huấn

Sáng thứ 2, ngày 23/11, tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM đã diễn ra chương trình tập huấn bác sĩ về phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có tới khoảng 17 triệu trường hợp đột quỵ với khoảng 6 triệu ca tử vong và thêm 5 triệu người sống sót nhưng phải chịu các di chứng tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn; tạo một gánh nặng không hề nhỏ về trách nhiệm chăm sóc cho gia đình, người thân, đội ngũ y tế và xã hội.

Có mặt tại chương trình, TS.BS Lê Văn Tuấn – Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh ĐH Y Dược TP.HCM, Phó trưởng khoa Nội Thần kinh BV Chợ Rẫy nói về mục đích ý nghĩa của chương trình: “Chương trình đào tạo đội ngũ đa chuyên ngành, gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên tại các Trung tâm đột quỵ và khoa phòng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại các bệnh viện. Đây là cánh cửa cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, và sau đó là người chăm sóc bệnh nhân có nhu cầu được học các kiến thức về phục hồi chức năng sau đột quỵ đều có thể đăng ký học”.

Được biết, phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ là chủ đề tiếp theo sau khi đã hoàn thành loạt chủ đề về điều trị đột quỵ cơ bản, là hoạt động đào tạo do chương trình Avant, hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Áo cùng thực hiện, với mong muốn chung tay cùng ngành y tế Việt Nam đưa bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống bình thường. Trong đó, phía Áo có Bệnh viện Bad Pirawarth, Bệnh viện Christian Doppler và Ever Pharma Austria; phía Việt Nam có Tổng hội Y học Việt Nam, Hội PHCN Việt Nam và Ever Pharma Vietnam.

Hình ảnh phân tich hệ thống cấp máu - mặt ngang (Ảnh: Hoà Bình)

Hình ảnh phân tich hệ thống cấp máu - mặt ngang (Ảnh: Hoà Bình)

“Nội dung giảng dạy của chương trình được xây dựng bởi Tổ chức đột quỵ thế giới và các giáo sư hàng đầu Việt Nam, được sự phê duyệt của Bộ Y tế. Trong vòng 3 năm qua, từ 2017 – 2020, đã có 63 lớp dành cho các cán bộ y tế đến từ 650 BV thuộc 59 tỉnh thành trên cả nước với hơn 4340 bác sĩ, kỹ thuật viên đã hoàn thành khoá học và được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục, tương đương 48 giờ học quy đổi của Tổng hội Y học Việt Nam, Tổ chức đột quỵ thế giới và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam” – DS Lâm Thanh Hải, đại diện Ever Pharma Việt Nam cho biết.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý các bác sĩ: “Cần sử dụng thuốc bảo vệ thần kinh ngay từ xe cứu thương. Cấp cứu kịp thời là rất quan trọng. Nhưng việc điều trị bệnh nhân sau giai đoạn cấp cứu rất cần được tập huấn một cách bài bản, hệ thống. Việc này sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng cho gia đình, người thân, và toàn xã hội”.

Các yếu tố nguy cơ

Nói về định khu tổn thương, BS Thắng cho biết: “Chẩn đoán định khu có nghĩa là BS khám lâm sàng để xem xét giữa các triệu chứng lâm sàng, kết luận bệnh nhân tổn thương khu vực nào của não. Việc này rất quan trọng, bởi vì hệ thần kinh người được tổ chức rất tốt, nên nếu chẩn đoán định khu chính xác thì sẽ hướng dẫn cho BS thực hiện cận lâm sàng phù hợp. Giả sử chẩn đoán định khu không chính xác sẽ dẫn tới các chỉ định sai, gây tốn kém nhiều tiền bạc và thời gian điều trị”.

BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh chẩn đoán định khu tổn thương rất quan trọng (Ảnh: Hoà Bình)

BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh chẩn đoán định khu tổn thương rất quan trọng (Ảnh: Hoà Bình)

“Giả sử bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, BS chỉ định cho đi chụp CT, do chẩn đoán có thể tổn thương nhân bèo, nhưng thực ra thì tổn thương nhân bèo không thể nào gây hôn mê. Đó là chưa kể, tổn thương đó có thể đã là tổn thương cũ, là do nhồi máu, chứ không phải tổn thương nhân bèo. Nên việc chẩn đoán định khu là rất quan trọng, thấy được tổn thương, nhưng phải xác định được tổn thương đó có đúng là nguyên nhân gây nên đột quỵ hay không, để quyết định can thiệp thế nào” – BS Thắng nhấn mạnh các lưu ý quan trọng.

Ngoài kiến thức tổng quan cơ bản về đột quỵ, cách nhận biết, cách xử trí các giai đoạn cấp và cơ chế phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ, BS Nguyễn Bá Thắng còn nhấn mạnh về các yếu tố nguy cơ, phòng ngừa tái phát.

Về đặc thù của đột quỵ, BS Nguyễn Bá Thắng nhấn mạnh: “Kể cả bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn rồi, vẫn cần chăm sóc bệnh nhân, bởi điều trị tái thông mới chỉ là chữa phần ngọn thôi, đột quỵ có nguy cơ tái phát trở lại với bất cứ bệnh nhân nào, nếu không được điều trị kịp thời”.

BS Lê Văn Tuấn - Phó trưởng khoa Nội Thần kinh BV Chợ Rẫy phân tích: “Có tới trên 80% bệnh nhân đột quỵ mắc phải vấn đề về vận động. Có thang điểm đánh giá để biết được bệnh nhân có ăn được không? Nuốt được không? Có đi tiêu, tiểu được không?... Thang điểm đánh giá về tay là cao nhất, thuộc vận động cao cấp. Bệnh nhân đột quỵ sau hồi phục có thể đi được nhưng vẫn có tới 60% bệnh nhân bị liệt tay”.

BS Lê Văn Tuấn lưu ý vận động sớm để phục hồi sau đột quỵ (Ảnh: Hoà Bình)

BS Lê Văn Tuấn lưu ý vận động sớm để phục hồi sau đột quỵ (Ảnh: Hoà Bình)

TS.BS Lê Văn Tuấn cho biết: “Thực tế là khi nhà có một bệnh nhân đột quỵ thì toàn bộ thân nhân sẽ rất mệt mỏi, vất vả. Bởi vì bệnh nhân thường ngày ngủ, đêm thức, lúc cho ăn thì không ăn, thường xuyên la hét, phản ứng với người chăm sóc. Mà chỉ có thể thuê người chăm ban ngày, khó có ai chịu chấp nhận chăm đêm. Trong khi đó, bệnh nhân đột quỵ thường lớn tuổi, trên bẩy mươi tuổi, kéo theo thế hệ con của họ cũng lớn tuổi luôn, thuộc vào thế hệ từ trên 40 đến trên 50 tuổi. Ở lứa tuổi này, nếu thường xuyên phải trực chăm bệnh vào buổi đêm, chỉ cần quá 3 đêm là người nhà bệnh nhân cũng có nhiều biểu hiện mất cân bằng tâm lý. Trong khi đó, tốc độ hồi phục của bệnh nhân có những giai đoạn có thể đứng im, cho nên người nhà đừng nản chí”.

“Giai đoạn hồi phục đầu tiên là quan trọng nhất đối với bệnh nhân đột quỵ. Cho nên rất cần cho bệnh nhân ngồi dậy, bước ra khỏi giường, tham gia vận động ngay trong 24 giờ sau khi điều trị đột quỵ. Sau khi điều trị khoảng 3 tháng thì sẽ đến giai đoạn hồi phục nhanh. Từ sau 6 tháng thì tốc độ hồi phục sẽ chững lại. Mức độ hồi phục như thế nào còn tuỳ vào mức độ tổn thương ban đầu của bệnh nhân” – BS Tuấn cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, mặc dù vận động sớm trong giai đoạn hồi phục đầu tiên là cần thiết, nhưng BS Tuấn lưu ý chỉ có thể vận động nhẹ mới tốt, không ép bệnh nhân tham gia các vận động nặng. Đặc biệt, về người chăm bệnh, BS Tuấn nhắc nhở, không được nản chí, đừng bỏ cuộc mới mong có kết quả tốt cho người bệnh.