Đông Nam Á đang “tăng tốc” để thúc đẩy sự chuyển đổi sang thanh toán kỹ thuật số và những đổi mới khác trong dịch vụ kỹ thuật số, nhờ vào sự tăng tốc chuyển đổi số trong thời kỳ đại dịch, công ty tư vấn và kiểm toán PwC cho biết.
PwC chỉ ra rằng việc sở hữu smartphone rộng rãi, cùng với quá trình số hóa nhanh chóng sau đại dịch, đã thúc đẩy việc mở rộng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số ở Đông Nam Á. Khu vực này bao gồm Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Brunei, Lào và Campuchia.
Một số ví dụ mà PwC đưa ra gồm có RapidPay của Thái Lan, cho phép người dùng tài khoản ngân hàng nhận và gửi các khoản tiền thanh toán thông qua căn cước, số điện thoại di động hoặc địa chỉ email. Tại Philippines, chính phủ phân phối gói hỗ trợ tài chính COVID-19 thông qua nền tảng kỹ thuật số, trong khi Singapore khuyến khích những người thương nhân bán hàng trên phố áp dụng dịch vụ thanh toán không tiếp xúc bằng mã QR.
“Tính khả dụng và tiện lợi của thanh toán kỹ thuật số đã được nâng cao, nhờ vậy sẽ thúc đẩy lượng lớn người dân trong khu vực tận dụng các sản phẩm tài chính kỹ thuật số chính thống, chẳng hạn như ví điện tử, đẩy nhanh hơn nữa việc mở rộng các dịch vụ tài chính”, PwC cho biết.
Đông Nam Á được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với nền kinh tế số dự kiến đạt 1 nghìn tỉ USD vào năm 2030 - được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản, như hơn 460 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cũng như mức độ thâm nhập internet ngày càng tăng.
“Khi ngày càng có nhiều bên tham gia vào cuộc cạnh tranh với các mô hình kinh doanh mới và ngành ngày càng trở nên phân mảnh, chúng tôi nhận thấy cuộc chiến giành vị trí dẫn đầu đang trở nên khốc liệt hơn”, PwC nhấn mạnh.
Bùng nổ ví điện tử
Thanh toán kỹ thuật số sử dụng ví điện tử ở Đông Nam Á đã tăng lên mức 22 tỉ USD trong năm 2019 và được dự đoán sẽ tăng hơn 5 lần, vượt 114 tỉ USD vào năm 2025, theo dữ liệu được PwC trích dẫn.
“Với sự tiện lợi mà nó mang lại, ví điện tử đã được chứng minh là nơi sản sinh ra các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á”, PwC cho biết, đồng thời chỉ ra sự trỗi dậy của Paytm ở Ấn Độ và AliPay ở Trung Quốc như một ví dụ.
Sự bùng nổ ví điện tử một phần được thúc đẩy bởi các công ty đang xây dựng siêu ứng dụng, thường bao gồm cả dịch vụ ví điện tử của riêng họ, như WeChat và AliPay ở Trung Quốc, Grab và GoTo ở Đông Nam Á, Careem ở Trung Đông, Rappi và Mercado Libre ở Mỹ Latin, theo báo cáo của OliverWyman.
Siêu ứng dụng là một ứng dụng duy nhất cho phép người dùng truy cập nhiều dịch vụ, từ vận chuyển hoặc mua sắm cho đến thanh toán và giao đồ ăn.
“Người tiêu dùng đang sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số với tốc độ nhanh chóng. Tiền mặt không còn là vua nữa vì thanh toán kỹ thuật số hiện chiếm hơn 50% giao dịch trong khu vực”, một báo cáo gần đây của Google, Temasek và Bain & Company cho hay.
“Ở một số khu vực như Đông Nam Á, thanh toán kỹ thuật số qua ví điện tử đã phổ biến hơn thanh toán bằng thẻ vật lý và thống trị hệ thống điểm bán hàng nói chung”, Dan Jones và Alex Walker đến từ OliverWyman thông tin.
Tăng trưởng nhanh chóng
Theo PwC, việc nới lỏng các rào cản đối với các doanh nhân để đang muốn số hoá sẽ thúc đẩy các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, bởi “phần lớn các doanh nghiệp Đông Nam Á là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiểu biết hạn chế về kỹ thuật số và lợi ích của nó, đồng thời không đủ khả năng chi trả các chi phí chuyển đổi liên quan”.
PwC cũng dự đoán về “các khoản đầu tư tích cực của các ngân hàng trung ương để phát triển khái niệm về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC)” nhằm tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới với phí giao dịch thấp hơn.
CBDC là dạng kỹ thuật số của tiền tệ do ngân hàng trung ương phát hành.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Singapore công bố vào năm 2021, tiền mặt “nhìn chung không tương thích” với nền kinh tế kỹ thuật số và nhu cầu về tiền mặt làm phương tiện thanh toán sẽ tiếp tục giảm.
“Để các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số tạo ra tác động lớn hơn, điều quan trọng là phải tập trung hơn vào khả năng tiếp cận, sự đơn giản và khả năng chi trả, đồng thời vượt qua rào cản về niềm tin. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong ngành trước tiên cần phải hiểu các xu hướng lớn toàn cầu đang định hình lại tương lai của thanh toán, trước khi tính đến hoạt động kinh doanh của mình trong tương lai”, PwC nhấn mạnh./.
Trung Quốc đóng cửa 1.200 điểm kinh doanh, chi nhánh ngân hàng để tăng cường chuyển đổi số
[ĐỌC CHẬM] Ấn Độ: Chuyển đổi số đã tăng cường sức mạnh, vị thế quốc gia như thế nào?
Trung Quốc công bố kế hoạch chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển công nghệ 5G, IoT và siêu máy tính
Theo CNBC