Bốn sự kiện mới xảy ra gần đây là: Mỹ khởi tố 2 tin tặc (hacker) Trung Quốc, kiềm chế những hành vi mậu dịch không chính đáng của Trung Quốc trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tẩy chay các thiết bị và dịch vụ của Huawei và chống lại bẫy nợ của Trung Quốc thông qua sáng kiến “vành đai - con đường” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giới quan sát thấy rõ, trong các sự kiện này Mỹ không phải đơn độc “đấu” với Trung Quốc mà chiến lược của họ là liên kết với các đồng minh để thực thi chính sách với Trung Quốc của họ.
Các nước đồng minh ủng hộ Mỹ khởi tố tin tặc Trung Quốc
Ngày 20.12, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố liên kết 12 nước đồng minh khởi tố hình sự 2 tin tặc Trung Quốc phục vụ cho cơ quan An ninh Quốc gia của nước này, lên án hành vi không chính đáng của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Các tin tặc Trung Quốc này bị cáo buộc mưu đồ lấy cắp bí mật thương mại công nghệ và phá hoại hệ thống máy tính của chính phủ những nước này.
Việc Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố khởi tố 2 tin tặc Trung Quốc được nhiều nước đồng minh của Mỹ ủng hộ
|
Khi Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra tuyên bố khởi tố, các nước Australia, Canada, Nhật, Anh, New Zealand...trong một diễn biến hiếm thấy đã lập tức lên tiếng theo, công khai lên án các hành vi tấn công mạng đến từ Trung Quốc. Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (Foreign and Commonwealth Office, FCO - tức Bộ Ngoại giao Anh) ngay cùng ngày 20 đã tuyên bố: “Cùng với đồng minh của mình, chúng tôi yêu cầu trừng trị các hoạt động tấn công mạng để lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và các dữ liệu thương mại nhạy cảm mà chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, nhằm vào châu Âu, châu Á và Mỹ”.
Ông Abigail Grace, nghiên cứu viên về an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Quốc gia mới của Mỹ (Center for a New American Security) nói, có một đặc điểm nổi bật là, hành động này được đưa ra bởi sự liên kết các đồng minh của Mỹ và các đối tác. Sự hợp tác đa phương này cho Trung Quốc thấy hành vi của họ không phù hợp với “tiêu chuẩn nước Mỹ” và “quy phạm phương Tây”, “chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc cần phải thể hiện tốt hơn trong việc tuân thủ các yêu cầu của cộng đồng quốc tế”.
Anh, Australia, Canada, Nhật, New Zealand, Đức...cũng đều lên án tổ chức tin tặc ATP10 của Trung Quốc liên tục hoạt động xâm nhập các máy tính trên toàn cầu, ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại và dữ liệu về thông tin công nghệ từ các hãng đại lý cung cấp dịch vụ MSP. Các nước đều cho rằng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đứng đàng sau và hỗ trợ cho các hoạt động tấn công của ATP10.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt nói, đối với các chính phủ thực thi các hoạt động xâm nhập mạng của quốc gia khác, thái độ của nước Anh rất rõ ràng: cùng với các đồng minh vạch trần hành động và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm pháp trị được bảo vệ.
Hãng truyền hình CNBC chỉ rõ, việc các đồng minh liên kết chống lại gián điệp mạng của Trung Quốc thể hiện phương thức mới của Mỹ nhằm đối phó lại việc Trung Quốc lấy cắp bí mật về thương mại và cơ mật của chính phủ; đó chính là liên kết các đồng minh.
Mỹ và các đồng minh đã liên kết với nhau để đòi cải cách WTO nhằm đối phó với Trung Quốc.
|
Ngoài các nước đồng minh của Mỹ nêu trên, sau khi tin tức về vụ khởi tố của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa tin, các thành viên EU như Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch cũng lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quy phạm về tin học quốc tế.
Giáo sư Chính trị học Đại học quốc gia Singapore Chong Jia Ian cho rằng, hoạt động liên kết đối phó này đã phản ánh sự chán chường của thế giới đối với cách làm của Trung Quốc.
Mỹ và châu Âu liên kết chống lại “hành vi mậu dịch không chính đáng” của Trung Quốc tại WTO
Trước điều được coi là “hành vi mậu dịch không chính đáng của Trung Quốc”, gần đây các quan chức Mỹ và châu Âu đã lên tiếng thách thức Trung Quốc tại WTO. Hôm 19.12, WTO tiến hành hội nghị họp kín xem xét chính sách mậu dịch của Mỹ. Theo tài liệu nội bộ mà Reuters có được, Đại sứ Mỹ tại WTO, ông Dennis Shea đã phát biểu chỉ rõ, thủ phạm gây nên khủng hoảng của WTO chính là Trung Quốc.
Ông nói, nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này là Trung Quốc làm méo mó mậu dịch và thể chế kinh tế phi thị trường, không thể dung hòa với hệ thống mậu dịch quốc tế nhấn mạnh mở cửa, minh bạch và có dự báo trước. Nhiều năm qua các nước thành viên WTO không cùng nhau xử lý vấn đề này nên đã làm gia tăng nguy cơ. Ông Dennis Shea nói, quy phạm của WTO đã bị Trung Quốc lạm dụng, Mỹ yêu cầu dẫn dắt cải cách WTO.
Ngày 20.12, Ủy ban châu Âu lần thứ 2 đưa ra cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ trước WTO, lần cáo buộc thứ nhất là hồi tháng 6 năm nay. Ủy ban châu Âu nói, Trung Quốc đưa vào điều luật đầu tư liên quan quy định về cái gọi là “yêu cầu thi hành”, ép buộc hoặc dụ dỗ các công ty châu Âu chuyển nhượng công nghệ cho đối tác Trung Quốc trong các công ty chung vốn để đổi lấy sự phê chuẩn của chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty nước ngoài còn bị yêu cầu tiến hành hoạt động nghiên cứu phát triển tại Trung Quốc.
Ông Dennis Shea (phải) đấu khẩu gay gắt với Đại sứ Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần
|
Hồi tháng 10, tại một cuộc hội thảo, ông Dennis Shea đã tiết lộ, Mỹ, EU và Nhật đang tham dự vào Tiến trình ba bên tập trung sự chú ý vào các lĩnh vực trợ cấp các công ty quốc doanh và cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ. Ba bên tập trung vào việc đề ra quy định mới về cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ. Sau khi hoàn thành việc soạn thảo sẽ được mở rộng tới các thành viên WTO khác. Ông kêu gọi các nước thành viên WTO tỏ thái độ về vấn đề thể chế kinh tế của Trung Quốc không dung hòa với quy phạm của WTO.
Mỹ luôn thúc đẩy cải cách WTO, nói chính sách hiện hành của WTO không thể ứng phó được với chính sách công nghiệp chính phủ chủ đạo của Trung Quốc. Ông Donald Trump hôm 25.9 khi phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York cũng đã chỉ rõ WTO cấp thiết phải thay đổi thể chế, Mỹ sẽ không dung thứ hành vi làm méo mó thị trường của Trung Quốc nữa.
Đồng thời với việc chỉ ra vấn đề, Mỹ cũng đang hợp tác với các đồng minh để thúc đẩy cải cách WTO. Canada và EU đã chuẩn bị làm mới bản quy tắc WTO đã có từ 23 năm nay; 3 bên Mỹ, EU, Nhật cũng đang liên kết thúc đẩy cải cách WTO. Tại Hội nghị cấp cao G20 họp đầu tháng 12, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo cũng lần đầu tiên nhắc đến vấn đề cải cách WTO.
(Còn tiếp)