Đơn thuốc điện tử: “Vũ khí” kiểm soát thuốc giả và kháng thuốc đang bị lãng phí?

Trong bối cảnh thuốc giả ngày càng nghiêm trọng, thì đơn thuốc điện tử được kỳ vọng là giải pháp mang tính đột phá. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, hệ thống này vẫn chưa đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

Liên tiếp trong hơn 10 ngày qua, sau khi vụ án sản xuất, buôn bán thuốc giả được phá, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có 2 công văn chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh thực hiện kê đơn thuốc điện tử, liên thông đơn thuốc điện tử trên “Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn”, thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn, mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhằm quản lý chất lượng thuốc và ngăn ngừa thuốc giả.

Đơn thuốc điện tử sẽ giúp ngăn chặn được lưu thông thuốc giả

Thực trạng đáng lo ngại

Từ năm 2019, Bộ Y tế đã bắt đầu thí điểm Hệ thống Thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. 3 năm qua, hàng trăm lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật được Hội Tin học Y tế Việt Nam tổ chức trên toàn quốc.

Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai vẫn rất chậm trễ. Trong hơn 60.000 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, mới chỉ 11.200 cơ sở liên thông đơn thuốc thường xuyên.

Theo báo cáo của Hội Tin học Y tế Việt Nam gửi Chính phủ, hiện nhiều cơ sở KCB vẫn kê đơn thuốc bằng tay trên giấy, kê đơn trên phần mềm nhưng không đúng chuẩn, hoặc kê đơn trên phần mềm nhưng không liên thông về hệ thống. Nhiều bệnh viện (BV) tuyến Trung ương cũng chưa triển khai đầy đủ.

Đặc biệt, có gần 40.000 cơ sở y tế tư nhân chưa kết nối với hệ thống. Trong 218 triệu đơn thuốc đã được ghi nhận, chỉ có 3,6 triệu đơn ngoại trú được xác nhận đã bán thuốc tại nhà thuốc – một tỷ lệ rất nhỏ. Trong khi việc nhập mã đơn thuốc điện tử vào phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ đơn giản và tiết kiệm từ 3-6 phút khi bán.

Sự chậm trễ trong triển khai đơn thuốc điện tử góp phần làm cho thị trường thuốc trở nên hỗn loạn: Vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện đường dây buôn bán hơn 20 loại thuốc giả, trong đó hơn 1/3 là thuốc kê đơn với tổng giá trị giao dịch hơn 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc bán thuốc kê đơn không có đơn vẫn diễn ra tràn lan tại các nhà thuốc, thậm chí nhà thuốc BV. Người dân có thể dễ dàng mua kháng sinh hoặc các thuốc đặc trị chỉ bằng một vài lời mô tả triệu chứng. Điều này dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi, tái sử dụng đơn cũ, uống quá liều hoặc dùng đơn đã hết hạn (quy định chỉ cho phép đơn thuốc có hiệu lực trong 5 ngày).

WHO đã nhiều lần cảnh báo kháng thuốc kháng sinh là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong toàn cầu. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia có tình trạng kháng thuốc cao nhất thế giới, với 93% giao dịch thuốc kê đơn không đi kèm đơn thuốc hợp lệ. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia.

Hệ thống đơn thuốc điện tử giúp nhà thuốc giảm 3-6 phút/lần bán thuốc

Hệ thống có, công nghệ sẵn sàng nhưng thực thi yếu

Điều đáng nói là hạ tầng công nghệ và phần mềm đã sẵn sàng, 100% nhà thuốc bán lẻ đều có phần mềm được cung cấp miễn phí, quy trình kết nối đơn giản, không phát sinh chi phí, còn pháp lý cũng đầy đủ.

Hệ thống đơn thuốc điện tử còn giúp minh bạch khi cho phép định danh bác sĩ kê đơn, cơ sở khám bệnh và cơ sở bán lẻ thuốc. Mỗi đơn thuốc được cấp mã định danh riêng, giúp ngăn chặn tình trạng tái sử dụng đơn, làm giả đơn thuốc, và đảm bảo thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn hợp lệ.

Thế nhưng, hệ thống này vẫn bị “bỏ quên” tại hàng chục nghìn cơ sở y tế và nhà thuốc. Nguyên nhân chính là do thiếu chế tài và sự chỉ đạo quyết liệt. Cả cán bộ y tế lẫn người dân đều chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng và tính bắt buộc của đơn thuốc điện tử.

Vì thế, Hội Tin học Y tế Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao việc triển khai đơn thuốc điện tử trên toàn quốc với các giải pháp: Yêu cầu tất cả nhà thuốc chỉ bán thuốc kê đơn khi có đơn điện tử hợp lệ. Có chế tài xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm; thường xuyên thanh kiểm tra bằng CNTT; duy trì và nâng cấp hệ thống CNTT ổn định, bền vững.

Việc áp dụng đơn thuốc điện tử là biện pháp quản lý dược hiệu quả, đồng thời, là nền tảng để xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong ngành y tế. Khi toàn bộ thông tin kê đơn – cấp phát thuốc được số hóa, ngành y tế có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích xu hướng điều trị, dự báo nguy cơ dịch bệnh và tối ưu hóa phân bổ thuốc, nguồn lực y tế.

Hệ thống đơn thuốc điện tử sẽ là mắt xích quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách khoa học.