Đơn thuốc điện tử: Quá hạn Bộ Y tế đề ra gần nửa năm, vẫn lèo tèo số cơ sở y tế thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở mức báo động. Chính phủ và Bộ Y tế liên tục chỉ đạo việc thực hiện đơn thuốc điện tử ở các cơ sở y tế để quản lý việc bán thuốc kháng sinh. Nhưng đến nay, nhiều nơi vẫn chưa áp dụng.

Sử dụng đơn thuốc điện tử, tình trạng kháng thuốc kháng sinh sẽ được kiểm soát và điều này cực kỳ có ý nghĩa trong điều trị sau phẫu thuật
Sử dụng đơn thuốc điện tử, tình trạng kháng thuốc kháng sinh sẽ được kiểm soát và điều này cực kỳ có ý nghĩa trong điều trị sau phẫu thuật

Chỉ đạo của Chính phủ

Ngày 13/11/2023, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, hoàn thiện Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 23).

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm rõ hiện trạng việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc hiện nay; việc thực hiện đồng bộ giữa kết nối các cơ sở cung ứng thuốc với kê đơn thuốc điện tử, để bảo đảm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.

Từ nhiều năm trước, hoạt động cung ứng thuốc bất cập, nhất là tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh không có đơn thuốc đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở mức độ đáng báo động… đã là vấn đề được Chính phủ quan tâm.

Nguyên nhân quan trọng của tình trạng này được Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Công tác quản lý các cơ sở cung ứng thuốc chưa hiệu quả, chưa có công cụ hữu hiệu giúp cho người dân biết thông tin, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời, ban hành quy định về việc kê đơn thuốc điện tử đồng bộ với việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, để bảo đảm việc kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng và thí điểm thành công việc vận hành Hệ thống thông tin Quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (gọi tắt là Hệ thống đơn thuốc Quốc gia), với 2 mục tiêu:

Thứ nhất, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý các đơn thuốc minh bạch, chính xác, tránh đơn giả, đồng thời, giám sát được việc kê đơn của mỗi bác sĩ. Vì trên mỗi đơn thuốc, cơ quan quản lý sẽ truy xuất được thông tin về cơ sơ sở KCB, phạm vi hoạt động, giấy phép hoạt động, bác sỹ kê đơn, chứng chỉ hành nghề… đảm bảo đơn thuốc được kê từ cơ sở là chính xác, đúng thẩm quyền. Hệ thống cũng có công cụ tra cứu truy vết các hình thức kê đơn không phù hợp.

Bên cạnh đó, Hệ thống còn chia sẻ đơn thuốc thông qua mã đơn thuốc mà người bệnh mang tới cơ sở bán lẻ thuốc, đồng thời, tiếp nhận báo cáo về số lượng thuốc đã bán mỗi lần ở mỗi cơ sở bán lẻ, đảm bảo bán thuốc theo đơn. Nếu đơn thuốc đã bán hết, hay đơn thuốc quá hạn (5 ngày từ khi kê đơn) hệ thống sẽ cảnh báo cho dược sỹ để tránh tái bán trên đơn đã bán, hoặc trên đơn đã hết hạn.

VT_ Dơn thuoc dien tư.JPG
Kê đơn thuốc điện tử về lâu dài sẽ giúp bác sĩ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh

Bộ Y tế cũng ban hành hàng loạt văn bản pháp quy về đơn thuốc điện tử cùng tài liệu hướng dẫn kết nối Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia với các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) và cơ sở cung ứng thuốc: Thông tư 27/2021/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử; Thông tư 04/2022/TT-BYT quy định sửa đổi mẫu đơn thuốc ngoại trú; Quyết định 808/QĐ-BYT ngày 1/4/2022 quy định về chuẩn kết nối liên thông đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc đã bán.

Trong đó, Thông tư 04/2022/TT-BYT quy định đến 31/12/2022, các bệnh viện (BV) từ hạng 3 trở lên phải kê đơn thuốc điện tử, còn các cơ sở y tế khác hạn cuối là ngày 30/6/2023.

Tuy nhiên, đến hạn cuối của Thông tư 04, tức là 30/6/2023, cả nước mới chỉ gần 20% đơn vị thực hiện kê đơn thuốc điện tử.

Thực tế đòi hỏi

WHO đã cảnh báo về việc Việt Nam đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở châu Á - Thái Bình Dương. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB - chỉ rõ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh cao ở nước ta, trong đó, có việc kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý. Đây là 1 thách thức lớn của cộng đồng.

Muốn quản lý được kháng sinh, phải sử dụng đơn thuốc điện tử. Bởi nếu không, sẽ không đảm bảo được tính minh bạch, xác thực của mỗi đơn thuốc và tiếp tục phổ biến tình trạng bán thuốc không đơn, làm cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh thêm trầm trọng.

Ngày 22/8/2023, trong văn bản yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số và Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo: Các cơ sở KCB khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; triển khai đơn thuốc điện tử theo quy định tại Thông tư số 27/2021/TT-BYT và Thông tư số 04/2022/TT-BYT.

Trước cảnh báo của WHO, ngày 25/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam, trong đó, có nhiệm vụ hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm quản lý và xử lý nếu sử dụng hoặc bán thuốc kháng vi sinh vật không có đơn thuốc; các cơ sở KCB kê đơn kháng sinh sai mục đích hoặc lạm dụng kháng sinh trong điều trị.

Liên tục các văn bản từ Chính phủ đến Bộ Y tế chỉ đạo, nhưng việc thực hiện đơn thuốc điện tử vẫn như “nước đổ lá khoai” với các cơ sở y tế, nhất là y tế tư nhân.

Y tế tư vẫn “nói không” với đơn thuốc điện tử

Thông tin từ Cục Quản lý KCB Bộ Y tế cho biết, đến ngày 15/11/2023, Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia đã có 39 đơn vị cung cấp phần mềm quản lý cơ sở KCB và 52 đơn vị cung cấp phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc hoàn thiện, chỉnh sửa thành công việc liên thông đơn thuốc lên Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia.

Các nhà cung cấp phần mềm đã hoàn thiện liên thông thì các cơ sở KCB và bán lẻ thuốc sử dụng dịch vụ sẽ không phải tốn thêm công sức gì. Đơn thuốc được kê sẽ tự động chuyển lên hệ thống, cũng như báo cáo đơn đã bán tự động chuyển về sau khi kết thúc quá trình bán, cấp phát thuốc.

Hiện, có 63 Sở Y tế và 39 BV tuyến Trung ương triển khai khai báo mã cơ sở và người hành nghề trên Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia.

Đáng chú ý khi trong tổng số 43 BV tuyến Trung ương, chỉ có 27 BV thực hiện liên thông đơn thuốc. Trong số 16 BV chưa liên thông, có tên nhiều BV lớn như Chợ Rẫy, Thống Nhất, BV E, BV Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai vv…

Hiện có 92.830 bác sĩ đăng ký mã liên thông, trong đó, 85.023 bác sĩ đã được phê duyệt cấp mã và 7.807 bác sĩ đang trong quá trình phê duyệt. 9.255 cơ sở công lập đã được cấp mã liên thông, trong đó, có 6.016 cơ sở liên thông đơn thuốc theo thời gian thực.

Mới có 3.767 cơ sở KCB tư nhân thực hiện việc khai báo mã và liên thông đơn thuốc về hệ thống. Đây là con số rất nhỏ so với 219 bệnh viện tư nhân, 31.594 phòng khám tư nhân trong cả nước.

Theo Bộ Y tế, trong số hơn 24.000 thuốc được cấp phép đang kinh doanh trên thị trường, có 45% loại thuốc phải kê đơn, 55% thuốc không kê đơn. Nhưng tổng số đơn thuốc trên Hệ thống hiện mới là 78.487.281 đơn thuốc.

Đây cũng là con số khiêm tốn khi các cơ sở y tế trên toàn quốc kê khoảng 600 triệu đơn thuốc/năm. Thêm nữa, hầu hết số đơn này do các cơ sở KCB công lập kê, còn khối KCB tư nhân vẫn gần như “án binh bất động”.

vt-face-id-2738.jpg
Bệnh viện Đức Giang là một trong số các cơ sở y tế thực hiện đơn thuốc điện tử sớm và hiệu quả

Tổng số đơn thuốc đã bán báo cáo từ cơ sở bán thuốc về Hệ thống rất thấp: 585.623 đơn, trong khi cả nước có 68.000 nhà thuốc bán lẻ. Điều này tiếp tục tái diễn việc tái bán đơn thuốc đã bán, hoặc bán thuốc không có đơn các loại thuốc phải bán theo đơn.

Tại nhiều cơ sở KCB, cơ sở bán lẻ thuốc tư nhân ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM, Tiền Giang, Kiên Giang… , các chủ cơ sở hầu như không biết gì về kê đơn thuốc điện tử và bán thuốc theo mã đơn, dù Bộ Y tế đã gia hạn cuối cho các nhóm y tế ngoài công lập thực hiện đơn thuốc điện tử là 30/6/2023.

Theo Cục Quản lý KCB, Hệ thống hiện đáp ứng khoảng 400 triệu - 800 triệu đơn thuốc/năm và đảm bảo giải pháp về công nghệ thông tin cũng như việc mở rộng chiều ngang hạ tầng để thực hiện nhiều hơn nữa giao dịch.

Như vậy, về cả cơ sở pháp lý và phần mềm, kỹ thuật triển khai không có gì vướng mắc, song việc áp dụng đơn thuốc điện tử mới chủ yếu ở khu vực công, còn y tế tư nhân vẫn rất ít.

Theo Hội tin học Việt Nam, chỉ khi khép kín quá trình kê đơn thuốc tại 100% cơ sở KCB và bán thuốc bằng đơn thuốc điện tử, ngành y tế mới thực sự quản lý được việc bán thuốc theo đơn đúng - đủ - chính xác.

Vì sao nhiều cơ sở y tế chưa mặn mà với đơn thuốc điện tử?

Theo Bộ Y tế, việc liên thông đơn thuốc điện tử rất đơn giản không cần phải đầu tư thêm phần mềm mới. Mà, khi việc kê đơn thuốc điện tử được liên thông đầy đủ, sẽ quản lý được việc bán thuốc theo đơn, góp phần chống kháng thuốc kháng sinh và là cơ sở trong việc thống kê về bệnh học, tình trạng sử dụng thuốc và hoạt động hành nghề của bác sỹ.

Các cơ sở KCB áp dụng đơn thuốc điện tử sẽ làm tăng lượt KCB vì người bệnh phải có đơn mới mua được thuốc.

Thế nhưng, việc triển khai đơn thuốc điện tử còn rất ì ạch, nguyên nhân là do lãnh đạo nhiều Sở Y tế và BV, nhất là tuyến trung ương, chưa quan tâm tới vấn đề này, mặc kệ hạn cuối của Thông tư 04 đã hết từ lâu.

Bộ Y tế đã có Ban chỉ đạo Chuyển đổi số do Bộ trưởng làm Trưởng Ban và các Thứ trưởng là Phó Ban với kế hoạch rất cụ thể, nhưng nhiều BV chưa quan tâm đến vấn đề này.

Còn ở các địa phương, khối y tế tư nhân chưa được Sở Y tế chú ý, không triển khai Thông tư 04. Chính vì vậy, nhiều cơ sở không biết đến chủ trương đơn thuốc điện tử và bán thuốc bằng mã đơn thuốc.

Kinh nghiệm cho thấy, năm 2018-2019, Bộ Y tế đã triển khai rất tốt việc yêu cầu cơ sở bán lẻ thuốc phải có phần mềm liên thông, nếu không đủ tiêu chuẩn kinh doanh sẽ thu hồi giấy phép, nên hiện 100% cơ sở bán lẻ thuốc đều có phần mềm liên thông.

Vậy sao lại không xử lý với các đơn vị không thực hiện kê đơn thuốc điện tử, khi chế tài xử phạt đã có trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP, để tình trạng “trên bảo dưới không nghe”?